ClockThứ Tư, 09/03/2016 15:01

Nghề giáo đã chọn, sao khó quá!

TTH - Đội ngũ giáo viên ở Thừa Thiên Huế đang thừa hay thiếu là câu hỏi đang rất cần lời giải đáp.

Thi giáo viên giỏi

 

Hơn 1.000 hồ sơ cho 41 vị trí việc làm

Sau một năm dừng tuyển giáo viên vì không có nhu cầu, năm 2016 ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thừa Thiên Huế tổ chức tuyển dụng lại. Chỉ có 41 vị trí việc làm cho bậc trung học phổ thông (THPT), nhưng trong một thời gian ngắn, Ban tuyển dụng của Sở GD&ĐT nhận được hơn 1.000 hồ sơ.

Để giảm bớt số lượng đồ sộ, Sở GD&ĐT phải thực hiện một bước là sơ tuyển. Đó là lược loại 60% hồ sơ có chất lượng đào tạo từ khá trở xuống. Một vấn đề nữa đặt ra với người tham gia tuyển dụng, đó là có sự xem xét giữa hệ chính quy và vừa học vừa làm. Không thể trách người tuyển dụng, dù ở quy chế, quy định nào thì khi đã cho họ quyền được tuyển chọn thì họ có quyền chọn cho mình thứ tốt nhất. Nhưng với góc độ xã hội, đây phải chăng là vấn đề cần xem lại.

Một cán bộ đầu ngành của GD&ĐT cho chúng tôi biết, ông đã có ý kiến về việc đào tạo của Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Thừa Thiên Huế nói riêng và các cơ sở đào tạo sư phạm dưới đại học nói chung. Theo ông, các cơ sở này nên chuyển hướng đào tạo các nghề ngoài sư phạm. Vì hàng ngàn cử nhân sư phạm còn chưa xin được việc làm huống chi những sinh viên bậc cao đẳng, trung cấp sư phạm. Thông tin dù khó nghe, nhưng là một thực tế. Không chỉ tuyển giáo viên THPT mà khi tuyển giáo viên dạy trung học cơ sở, tiểu học thì điều kiện sơ tuyển cũng là tốt nghiệp đại học loại giỏi, có bằng thạc sĩ cũng đã được ưu tiên lựa chọn, ví dụ như TP Huế tuyển viên chức ngành GD&ĐT năm 2014 và 2015 vừa qua.

Bức tranh đội ngũ

Hiện các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh thiếu hay thừa giáo viên? Với câu hỏi này của chúng tôi, 100% đơn vị được hỏi đều trả lời đủ, nếu thiếu là thiếu cục bộ. Nghĩa là, khi trường có giáo viên ốm đau, sinh nở thì mới thiếu... Quy chế cho phép lúc này trường có thể hợp đồng tạm thời, ngắn hạn. Về chất lượng, người sử dụng lao động trực tiếp đều cho biết họ thấy an tâm với đội ngũ. Già có kinh nghiệm, trẻ có bằng cấp và tất cả đều là những cán bộ giáo viên đạt chuẩn đến trên chuẩn quy định của ngành.

Nhiều năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh làm tốt công tác huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, tỷ lệ bỏ học giảm thiểu, số lượng học sinh ổn định theo chiều hướng giảm. Có thể nói, giáo dục đang vào thế cân bằng, sẽ không có chuyện tuyển dụng ồ ạt, xây trường ồ ạt. Ngành GD&ĐT đang đứng trước thời cơ để củng cố CSVC và chất lượng đội ngũ theo hướng hiện đại hoá, chuẩn hoá. Do đó, việc cân nhắc chọn một giáo viên thật tốt là nhu cầu cần thiết, nhất là khi nguồn tuyển dụng phong phú như hiện nay.

Niềm hy vọng của các giáo sinh trẻ với công việc mà mình đã chọn lựa để vào đời là đâu? Hiện, toàn tỉnh có 35.974 học sinh THPT/40 trường. Làm phép tính cơ học, 40 học sinh trên mỗi lớp, hoặc thấp hơn (các trường vùng sâu hiện thiếu học sinh) thì toàn tỉnh có khoảng chưa tới 1.000 lớp, nhân với tỷ lệ 2,25 giáo viên/lớp sẽ ra số giáo viên cần có. Hiện toàn tỉnh đã có 2.751 giáo viên THPT. Năm 2016 có 58 giáo viên đến tuổi hưu trí, trong khi kế hoạch giảm biên 10% toàn ngành vẫn chưa áp dụng được. Vậy cơ hội cho giáo sinh trẻ vào ngành thực tế rất mỏng manh.

Với những sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, những người đã đầu tư thêm 2 - 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học để lấy bằng thạc sĩ, cơ hội đã là rất thấp (đợt tuyển dụng 2016 tỷ lệ chọi là 41/398, tỷ lệ được tuyển dụng là 10%). Số còn lại 357 người (tương đương 90%), họ chỉ còn cơ hội việc làm ở các phòng GD&ĐT, có nghĩa là đào tạo dạy THPT nhưng về dạy tiểu học, trung học cơ sở, nhưng cơ hội cũng không lớn.

Còn những trường hợp khác, cụ thể là hơn 500 ứng viên trong đợt tham gia tuyển dụng vừa bị loại ngay vòng 1, là những giáo sinh, tốt nghiệp loại khá, có người tuy học hệ vừa học vừa làm nhưng đã lấy bằng thạc sĩ, họ còn cơ hội không? Nhiều người cho rằng có. Đó là họ vận dụng các mối quan hệ xin dạy hợp đồng. Nếu đơn vị có nhu cầu, hợp đồng kéo dài qua 36 tháng thì sẽ có cơ hội đặc cách trong tuyển dụng. Tuy nhiên tỷ lệ này không cao, hay nói cách khác là rất cá biệt. Như vậy, cơ hội việc làm cho hàng ngàn sinh viên đã chọn sư phạm với mong ước được đứng trên bục giảng rất ít ỏi, nhất là khi mỗi năm, các cơ sở đào tạo lại cho “ra lò” hàng ngàn giáo sinh.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top