ClockThứ Bảy, 19/11/2016 12:05

Nghề giáo và sự đồng cảm

TTH.VN - Người Việt mình có cái hay, trân quý và tôn trọng thì lập bàn thờ. Xoay quanh chuyện học, ngay từ thời nhà Lý rồi tiếp đến các nhà Trần, Lê, Nguyễn tiếp theo sau đã lập Văn Miếu ở Hà Nội, Văn Thánh ở Huế và dựng bia khắc tên hiền tài để tôn vinh, lưu danh hậu thế.

Thừa Thiên Huế tự hào, bên cạnh Văn Thánh Huế, ở hầu khắp các làng quê còn có những văn thánh làng hay các đền văn chỉ. Không chỉ tôn thờ đức Khổng Tử và các học trò của ông, nơi đây còn vinh danh những bậc tiên nho, danh sư tiếng tăm của các làng quê như sự ngưỡng mộ, tự hào và tri ân dành cho những người con yêu, tài năng của mình. Có thể xem, đó là biểu tượng của truyền thống tôn sư trọng đạo, biết trọng kẻ hiền tài và luôn xem cái sự học như chìa khóa vạn năng để mỗi người bước vào đời, phụng sự quê hương, đất nước của con người xứ Huế.

Tôi đã đi về nhiều làng quê ở Thừa Thiên Huế. Sau bao năm tháng khó khăn nay cuộc sống vật chất đã dần khấm khá hơn thì một trong những công việc đầu tiên được quan tâm là lo tu sửa lại những ngôi trường làng để cho con cháu có nơi học hành tử tế, xóm thôn họ tộc vận động lập nên các quỹ khuyến học, động viên và tưởng thưởng con cháu trong học hành. Rồi nữa tìm cách sửa sang lại các đền văn chỉ của làng, có nơi vì nhiều lý do chỉ còn lại một cái nền nhỏ.

Tôn sự trọng đạo là truyền thống của dân tộc. Tinh thần đó lại càng có vẻ thấm đậm sâu sắc hơn ở người Huế mình, luôn giáo dục con cháu phải biết quý trọng, lễ phép với thầy cô. Một thời ở Huế, học trò đi đường gặp thầy, cô giáo phải dừng lại và ngả mũ chào để thể hiện sự tôn kính. Và, không chỉ động viên, khuyên bảo, tạo điều kiện cho con cháu mình học hành ngày càng tấn tới, các bậc cha mẹ người Huế đã hướng ước mơ chọn nghề sư phạm và mong sao con cháu trở thành những thầy giáo, cô giáo. Một thời xã hội lưu truyền câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nghề giáo chấp nhận sự hy sinh, không thể làm giàu, vậy mà người Huế không ngần ngại khi lựa chọn. 

Ai từng đọc tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Edmondo De Amicis, hẳn không quên câu chuyện “Người thầy mới”. Trong giờ dạy đầu tiên, thầy giáo Perbôni phát hiện một học trò bị cảm sốt, ông dừng lại chăm sóc. Một học sinh tinh nghịch, thừa lúc thầy quay lưng lại, leo lên ghế làm trò “dun dẩy như người trượt băng”. Bất đồ thầy ngoảnh lại, anh chàng không còn cách nào khác, vội ngồi ngay xuống cúi đầu đợi phạt. Thế nhưng, thầy Perbôni chỉ sẽ đập vào vai anh học trò dại dột: “Không được làm thế nữa”. Mẹ thầy Perbôni vừa mất. Mãi sau khi xong bài chính tả, thầy Perbôni ôn tồn: “Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con cũng phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn”.

Bên cạnh truyền đạt kiến thức, điều cần có của những người làm nghề dạy học là sự thương yêu và tấm lòng nhân ái. Đọc Edmondo De Amicis, tôi nghĩ người Huế cũng như ông thầy Perbôni vốn giàu lòng nhân ái và họ đã tìm thấy ở nghề giáo sự đồng cảm sâu sắc.

ĐAN DUY

(Viết nhân Ngày 20/11)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top