ClockThứ Tư, 28/09/2016 13:50

Nghề... giữ đình

TTH - Hướng về nguồn cội, hàng chục năm trước đây, người dân xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) dù vất vả vẫn dồn tâm sức tri ân cội nguồn bằng việc góp công, góp của xây dựng nhiều đình làng, nhà thờ họ tộc. Nhiều người đã “mượn” mái đình, nhà thờ họ tộc để báo hiếu và mưu sinh.

Ông Lương Xoa, chăm sóc vườn tược, hoa cảnh ở nhà thờ họ Lương, xã Vinh Mỹ

“Mượn” đình làm nhà

Sau những tháng năm vất vả tìm kế sinh nhai, anh Đoàn Trọng Chiến, 48 tuổi, cùng vợ con đến sống nhờ bên đình làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc), địa chỉ được công nhận Di tích Văn hoá Lịch sử Quốc gia vào năm 1996. Anh được Ban Quản lý đình và giao nhiệm vụ quét dọn và trông coi các hiện vật trong đình. Anh Chiến chân tình, việc gì liên quan đến đình đều được cân nhắc, phải thật cẩn thận, chu đáo, bởi nó từng lưu giữ báu vật thiêng liêng của quốc gia và quy ước đạo lý sống tốt đẹp của con dân trong làng. Do vậy, khi được giao trọng trách giữ đình, chẳng ngày nào anh Chiến lơ là. Thường quy chiếu lệ, bất kể nắng mưa, hàng ngày, mọi việc từ lau chùi quét dọn, đến bật đèn thờ, đóng chốt then cài cửa đình anh luôn chu toàn.

Không xa đình Mỹ Lợi là nhà thờ họ Lương, xã Vinh Mỹ. Khu nhà thờ hình thành hơn trăm năm trước để thờ tự các bậc tiền nhân có công khai khẩn làng Mỹ Lợi. Do thời gian, nhà thờ họ Lương xuống cấp, hư hỏng. Đến năm 2010, với sự chung sức, đồng lòng của con cháu gần xa, khu nhà thờ được tu sửa khang trang. Hiện, nhà thờ đã trở thành mái nhà chung. Hàng năm, nơi đây diễn ra các sinh hoạt gặp gỡ con cháu như chạp mộ, thu tế, tổ chức trao học bổng khuyến học, khuyến tài…Chính giá trị ấy, con dân trong làng thay phiên đến trông giữ, bảo vệ. Từ năm 2009 đến nay, ông Lương Xoa tình nguyện đến nhà thờ nhận công việc bảo vệ, chăm sóc cây cối, nương vườn để vui tuổi già. Ông Lương Xoa nói: “Sống ở đây, tôi đã dặn mình ý thức trong việc giữ gìn nhà thờ, làm được việc gì cho họ tộc thì không ngại khó”.

Anh Đoàn Trọng Chiến (trái) trông non, hương khói đình làng Mỹ Lợi (Vinh Mỹ)

Đối với anh Nguyễn Ngọc Sin, từ hai năm nay đã xem nhà thờ họ ở xã Vinh Mỹ là nhà. Anh Sin chia sẻ, việc anh sống ở nhà thờ họ tộc là do tâm nguyện. Mấy mươi năm nay, anh xa quê nên chưa đóng góp công ích gì cho họ tộc. khi cuộc sống có phần ổn định, anh hồi hương tìm đến cửa nhà thờ làm ông từ mẫn cán. Anh nói: “Tôn trọng và thờ cúng các vị tổ tiên trong dòng họ là truyền thống của gia đình. Tôi cảm nhận được nơi ở của các vị tổ tiên rất cần được chăm sóc nhang khói và tôi tự nguyện làm công việc của nhà thờ đến lúc họ tộc bãi nhiệm”.

Sống nhờ lòng tốt của làng

Anh Đoàn Trọng Chiến, ở từ tại đình làng Mỹ Lợi không giấu diếm, thấy hoàn cảnh gia đình anh khó khăn, Ban quản lý đình ban cho anh một “chút lộc” xem như trả ơn người giữ đình. Không nhiều, nhưng 5 năm nay, ngoài thời gian làm việc công quả cho đình làng, vợ chồng anh Chiến nhận gần 7 sào đất cạnh đình làng; trong đó, có ao cá, ruộng mía, ruộng dưa, ruộng lúa. Nhờ cần cù chịu khó, anh Chiến biết cách quy hoạch cải tạo quỹ đất này nuôi cá nước ngọt, trồng lúa mỗi năm hai vụ, chăn nuôi thêm gà vịt đàn. Thu nhập không nhiều nhưng góp phần giúp gia đình, gồm 4 thành viên sống ổn định. Tranh thủ thời gian rỗi, anh Chiến đi làm thợ nề đủ để trang trải thêm sinh hoạt cá nhân.

Còn ông Lương Xoa, tiền công quả ông nhận hàng tháng do họ tộc hỗ trợ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng cũng đủ để ông thuốc thang, phụ giúp gia đình, lo chuyện hiếu hỉ. Ông cũng thường xuyên được họ tộc hỗ trợ gạo, các vật dụng sinh hoạt nên không lo nhiều về chuyện ăn ở khi tuổi già. Ông Xoa nói: “Xác định đến ở nhà thờ là làm việc công quả, lấy đức cho con cháu nên chẳng đòi hỏi. Mình sống tốt, làm việc nhiệt tình... thì con cháu chẳng để mình thiệt”.

Ông Huỳnh Ngạch 72 tuổi, ở từ nhà thờ họ Huỳnh, xã Vinh Mỹ bày tỏ, tính đến nay, ông đã làm ông từ tại nhà thờ họ Huỳnh gần 20 năm nay. Bà con trong họ thấy ông là con người hoàn cảnh hay ốm đau, nhưng có đạo đức, uy tín, nhiệt tình nên hỗ trợ hậu hĩnh mỗi tháng 2 triệu đồng. Ngoài nguồn hỗ trợ cố định, họ tộc còn cho hưởng sản phẩm như cau, chuối...khi thu hoạch quanh vườn nhà thờ. Khoản này không nhiều nhưng tạo điều kiện cho ông tăng nguồn thu trang trải cuộc sống, một phần để ông khói nhang ngày rằm, mồng 1.. Ông Ngạch bộc bạch: “Tuổi già lại sống một mình, lộc họ tộc như thế là mình mãn nguyện lắm”.

Anh Lê Thái, cán bộ văn hóa xã Vinh Mỹ cho biết, ở xã Vinh Mỹ, để bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đình làng, từ đường họ tộc nơi đây luôn được con cháu bảo tồn, phát huy và những người như anh Chiến, ông Xoa, anh Sin... rất đáng trân trọng. Họ đến với đình, nhà thờ họ tộc cho dù bằng cái duyên hay mưu cầu cuộc sống nhưng đã góp phần giữ sợi dây kết nối cho con dân ở làng, giữ gìn cho đời những giá trị văn hóa về sau.

MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Tết thầy

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “Mùng 3 Tết thầy” đã trở thành một phong tục đẹp vào dịp Tết cổ truyền, được các thế hệ học trò gìn giữ cho đến ngày nay.

Tết thầy
Viết để tri ân những người mình mang ơn

Khó quên là buổi giao lưu, giới thiệu sách của tác giả Nuage Rose, tên Việt là Hồng Vân, với sự điều phối của Tiến sĩ văn chương Trần Thị Thu Ba cùng với sự tham gia của các khách mời, giảng viên và tập thể sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn ĐHSP Huế ngay trong tháng 10 vừa qua.

Viết để tri ân những người mình mang ơn
Return to top