ClockThứ Sáu, 12/10/2018 05:15

Nghề làm bể cá thủy sinh

TTH - Sáu năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh, làm các loại bể thủy sinh, Lê Quốc Bảo Tịnh, chàng trai trẻ 28 tuổi, cho biết: “Nhiều người có sở thích ngắm bể thủy sinh, bởi nó giúp tâm hồn thư thái, quên đi căng thẳng, mệt mỏi…”.

Đa dạng phong cách

Không thể ước tính có bao nhiêu phong cách trang trí hồ cá cảnh thủy sinh. Nguyễn Nhật Lâm, chủ một cửa hàng thủy sinh trẻ, chia sẻ: “Sáng tạo trong bể thủy sinh là vô hạn, tuy nhiên vẫn có những phong cách phổ biến, như Iwagumi, phong cách Đài Loan, Hà Lan, sinh cảnh, rừng rậm, cảnh thiên nhiên… Mỗi thể loại đều có ưu điểm riêng”.

Nhật Lâm vệ sinh cho bể thủy sinh

Chiêm ngưỡng một bể thủy sinh hoàn chỉnh mới thấy hết vẻ đẹp của thiên nhiên, sự tỉ mỉ, kỳ công của người làm bể. Lâm nói: “Như Iwagumi chẳng hạn, đây là phong cách rất phổ biến hiện nay. Đặc trưng của nó là ba khối đá với khối chính được đặt theo quy tắc điểm vàng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra đây là phong cách khó”. So với các phong cách khác, Iwagumi mô phỏng chân thật cảnh quan thiên nhiên. Các khối đá phô bày tối đa vẻ đẹp, góc cạnh của nó. Đàn cá đẹp mắt lượn quanh không gian đậm chất tĩnh. Cây thủy sinh (thường được lựa chọn đồng nhất) um tốt, uốn mình ngoạn mục theo luồng nước. Tất cả các yếu tố phải được người chơi giữ cân bằng nhờ cách đảm bảo hệ sinh thái ổn định, không bùng phát rêu, tảo.

Ngoài đá, các loại cá, cây sống trong nước và gỗ lũa là một trong những nguyên liệu chính của bể thủy sinh. Lê Quốc Bảo Tịnh cho hay: “Năm 2011, lúc mình mới tìm hiểu về nghề, thị trường kinh doanh thủy sinh ở Huế khá ít ỏi. Để sở hữu các loại cá, cây thủy sinh, mình phải nhập hàng với số lượng lớn từ TP. Hồ Chí Minh vì người bán không chuyển hàng xa nếu mua ít. Năm 2012, vừa để thỏa mãn đam mê, vừa bán những hàng dôi dư, mình chính thức bén duyên với bể thủy sinh, và gắn bó cho đến bây giờ”.

Theo Bảo Tịnh, thú chơi thủy sinh của người Huế không có sự khác biệt lắm so với những nơi khác. Với kinh nghiệm được đi nhiều nơi, anh cho biết: “Ở Huế có nhiều tiền bối am hiểu về thủy sinh. Có không ít người chơi thích phong cách khác biệt, vì thế ngoài các loại thường thấy, họ hay tìm tòi những loài thủy sinh tự nhiên để thỏa mãn đam mê”.

Gỗ lũa là một trong những nguyên liệu quan trọng để tạo ra bể thủy sinh. Đây là loại gỗ có thớ chắc, ít hoặc không mục khi tiếp xúc nước như lũa linh sam, sa tùng, hải sơn quỳ…Với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, Nhật Lâm còn là người chế tác gỗ lũa tài tình. Qua bàn tay của chàng trai này, những thân gỗ vô hồn được ghép thành các tán cây, dáng cây tràn đầy sinh khí.  

Hơn cả đam mê

Bảo Tịnh chia sẻ: “Việc tư vấn cho khách hàng rất khó khăn, nhất là với người mới chập chững biết đến thủy sinh. Khởi điểm một bể thủy sinh khá cao, không phải ai cũng chấp nhận được”, chàng trai 28 tuổi trầm ngâm. Một bể thủy sinh hoàn chỉnh tầm trung 100x40x40 cm thường có giá giao động từ 8 - 10 triệu đồng. Đó là chưa kể kinh phí duy trì hoạt động bể như hệ thống lọc và khí CO2 đèn bể, thiết bị làm mát nước…

Nghề làm bể cá thủy sinh còn mang lại cho Lê Quốc Bảo Tịnh những người bạn thân. Anh vui vẻ: “Là người bán hàng, mình gặp rất nhiều khách. Vui nhất là vị khách giảng viên của một trường đại học. Từ một người không biết về thủy sinh, qua một thời gian học hỏi anh ấy đã có thể tự chăm sóc bể của riêng mình, mà lại chăm cực kỳ đẹp. Bây giờ, khách hàng và chủ cửa hàng đã trở thành những người anh em…”.

Không phải cứ giá cao là đẹp, mặc dù như Bảo Tịnh cho biết, có những loại cá, tép hàng hiếm lên đến vài chục triệu đồng một con. Đồng quan điểm với anh, Nguyễn Nhật Lâm nói: “Thủy sinh thật sự phải chú trọng đến cảnh quan chứ không tập trung vào cá. Chỉ cần những loài ấy có tập tính bơi theo đàn, vẻ ngoài và nhu cầu thức ăn phù hợp là có thể trở thành “thần dân” của bể thủy sinh”. Ngoài gia công, tạo tác các loại bể thủy sinh, còn là người chuyên vệ sinh, chăm sóc bể cho khách hàng. Với đồ nghề chuyên dụng, ngoài vai trò “bà đỡ”, chàng trai trẻ này còn là “khai sinh” của rất nhiều bể thủy sinh ở Huế.

Nhìn vị khách 30 tuổi nọ mải mê bên những hồ thủy sinh, chúng tôi mới hiểu hơn phần nào về nghề này. Trần Nghị, khách hàng trẻ cởi mở chia sẻ: “Mình thật sự đam mê bể thủy sinh, đó là một không gian rất khác, đẹp, yên bình. Hiện tại mình chỉ đầu tư bể nhỏ vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Mình biết nếu chỉ có đam mê thì không đủ để duy trì một bể thủy sinh chuẩn, vì vậy người chơi phải không ngừng tìm tòi và học hỏi thêm”.

Dự định mở một quán cà phê về thủy sinh để gặp gỡ, giao lưu với những người cùng sở thích, và có thêm nhiều bằng hữu, Lê Quốc Bảo Tịnh đang nỗ lực hằng ngày để đạt được mong muốn của mình. Với chàng trai trẻ này, tình yêu dành cho thủy sinh không chỉ là đam mê, mà còn là cái tâm của một nghệ sĩ.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Từng là đầu bếp của một nhà hàng hạng sang ở TP. Hồ Chí Minh, cháu gái tôi quyết định về lại Huế làm việc. Một buổi đi làm, buổi còn lại nhận làm bánh sinh nhật. Khách thấy mẫu mã đẹp lại đặt hàng nên có việc làm quanh năm. Cộng hai khoản tiền thu nhập, cháu tôi bắt đầu có tiền dành dụm.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề
Được & Mất

Nghe giới thiệu tưởng ngon lành, chuyên nghiệp lắm. Một lần này thôi nhé, lần sau dù có nhét vàng cũng cạch! …

Được  Mất
Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế

Đưa một chữ thiện vào triết lý kinh doanh, Tập đoàn TH đã phát triển TH True Milk trở thành thương hiệu sữa có giá trị dinh dưỡng cao, đáng tin cậy, được người Việt yêu mến. Huế có nền văn hóa Phật giáo tồn tại lâu đời, khi văn hóa đó thấm sâu vào sản phẩm đặc trưng của Huế thì hòa trong đó không chỉ đẹp, ngon, tinh tế mà còn mang có sự lợi lạc về cuộc sống cho khách hàng, khách du lịch.

Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế
Số hóa trong nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) hướng đến phát triển kinh tế số đang được ngành nông nghiệp tỉnh bước đầu triển khai mang lại hiệu quả nhất định, thiết thực.

Số hóa trong nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top