ClockThứ Bảy, 28/09/2019 07:00

Nghề nghiệp cho sinh viên: Chú trọng từ kỹ năng mềm

TTH - Trong ba yếu tố mà nhà tuyển dụng lựa chọn nhân sự là kiến thức, thái độ và kỹ năng thì kỹ năng vẫn là điểm trừ của nhiều sinh viên (SV) Huế. Điều này không lạ, nhưng chính SV và cơ sở đào tạo cũng chưa biết cách trang bị tốt.

Sinh viên Huế cần cải thiện ngoại ngữ & kỹ năng mềmCải thiện kỹ năng mềm cho sinh viên

Sinh viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế hướng dẫn trẻ em ở Làng trẻ em SOS Huế vẽ tranh

Thiếu kỹ năng mềm

Bên lề những ngày hội tuyển dụng, chuyện mà đại diện các doanh nghiệp trăn trở vẫn là kỹ năng của SV Huế. Ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, SV Huế có nền tảng kiến thức khá tốt, cần cù, chịu khó và chịu học hỏi không thua kém hai đầu đất nước, nhưng kỹ năng mềm là điều cần phải cải thiện.

Việc đào tạo kỹ năng một vài năm trở lại đã được các trường ĐH quan tâm, nhất là phát huy vai trò của đoàn – hội rèn luyện kỹ năng cho SV, song hiệu quả chưa cao. Thanh Thảo, cựu SV Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, bản thân em tự tin hơn khi trả lời phỏng vấn nhưng vẫn thấy còn lúng túng và thiếu kỹ năng trong việc giải quyết một số vấn đề nhà tuyển dụng, doanh nghiệp đặt ra.

Vấn đề trên không quá khó hiểu. Lý do, theo các chuyên gia là các kỹ năng được dạy hiện nay chỉ mới là một vài kỹ năng đơn giản, các trường chậm cập nhật những kỹ năng mới để đưa vào chương trình cho SV. Việc xác định các kỹ năng nào là cần thiết để đào tạo cho SV thì mỗi cơ sở đào tạo đi theo một hướng hoặc phụ thuộc vào các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm bên ngoài. Bên cạnh đó, nhân lực đào tạo kỹ năng còn thiếu và yếu khi phần lớn xuất phát điểm của họ thuộc lĩnh vực chuyên môn rồi hướng dẫn thêm về kỹ năng.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế tham gia ngày hội tuyển dụng 2019

Bản thân SV cũng lúng túng trong việc lựa chọn các kỹ năng để rèn luyện. Minh chứng là hiện nay các trung tâm đào tạo kỹ năng, trung tâm học liệu – thư viện, trường ĐH có tổ chức chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng nhưng SV chưa biết cách để lựa chọn, đăng ký tham gia. Theo một số khảo sát của các trường ĐH trong nước, có 85% SV thờ ơ, hiểu sai về việc học và rèn luyện kỹ năng mềm. SV xem kỹ năng là môn học phụ trợ.

Chú trọng những kỹ năng phù hợp

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với báo chí: “Trong bối cảnh mới, nguồn nhân lực của Việt Nam phải đáp ứng được ba nhóm kỹ năng: các kỹ năng liên quan đến nhận thức (kỹ năng phân tích, xử lý thông tin phức tạp, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo tri thức); các kỹ năng mềm (đàm phán và giao tiếp nâng cao, năng lực học tập suốt đời, năng lực quản lý và thích ứng); các kỹ năng về công nghệ (kỹ năng công nghệ thông tin nâng cao, phân tích dữ liệu, năng lực kỹ thuật và nghiên cứu, kỹ năng kỹ thuật số).

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho biết, hiện nay trong chương trình của nhà trường đã đưa đào tạo kỹ năng vào giảng dạy. Song, cũng phải tiếp tục nghiên cứu, có những giải pháp đào tạo kỹ năng tốt hơn.

Theo đại diện phòng đào tạo các trường ĐH tại Huế, chương trình giáo dục ĐH thông thường khoảng 2 - 3 năm có những điều chỉnh để cập nhật, đáp ứng với tình hình thực tế. Đó là thuận lợi để lồng ghép kỹ năng mềm nhiều hơn vào chương trình giảng dạy. Xu hướng các trường ĐH trên thế giới là tích hợp kỹ năng mềm vào các môn học chính ở trường học. Cách làm này giúp SV có thể ứng dụng các kỹ năng mềm vào thực tế, nhờ đó người học có thêm thời gian và hoạt động để hình thành kỹ năng một cách tốt nhất và đó cũng là cơ sở để các đơn vị đào tạo tham khảo. Điều lưu ý là, mỗi đơn vị đào tạo chuyên môn phải lựa chọn những kỹ năng cần thiết, phù hợp với triển vọng việc làm của SV để đào tạo, đồng thời phải chuẩn bị nhân lực đào tạo kỹ năng có chất lượng, trong đó có thể liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp.

Thật ra, SV chưa xem trọng các chương trình đào tạo kỹ năng bởi thực tế hình thức đào tạo chủ yếu yêu cầu tính tự giác của người học. Để hiệu quả, ngoài việc nghiên cứu đưa kỹ năng vào chương trình đào tạo, cần có những tiêu chí kiểm tra, đánh giá về kỹ năng. Còn với mô hình rèn luyện kỹ năng từ đoàn – hội, có thể mở ra các cuộc thi để kích thích sự hào hứng của SV tham gia.

Điều quan trọng trong đào tạo kỹ năng vẫn xuất phát từ phía SV. Khi có môi trường để tiếp cận, học và rèn luyện kỹ năng, cần chủ động tìm kiếm, lựa chọn những kỹ năng thích hợp, phù hợp với nghề nghiệp tương lai để học. Kỹ năng được hình thành như một thói quen nên cần rèn luyện lâu dài. Muốn vậy, từ định hướng của nhà trường, người học phải vạch ra kế hoạch rèn luyện kỹ năng bên cạnh học tập kiến thức chuyên môn từ khi bước vào giảng đường ĐH.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top