ClockThứ Tư, 26/08/2020 06:00

Nghệ nhân Nhân dân Thanh Hương, giọng ca đồng điệu tài danh đã đi

TTH - Với tấm lòng yêu thiên nhiên, Thanh Hương sống chí thú trong cảnh nhà đơn sơ, đạm bạc, chung thủy với người chồng đã đi xa.

Chân dung Nghệ nhân Nhân dân Thanh Hương. Ảnh: Phạm Bá Thịnh

“Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ mê đàn bầu”… Lời ca dao ấy nhắc nhở một thời xa xưa không có sức thuyết phục một người con gái ở làng quê Thanh Phước. Nàng vẫn mê tiếng réo rắt, cung bậc nỉ non của độc huyền cầm; nàng vẫn sống bình yên trong âm hưởng bổng trầm, da diết của ngón đàn bầu đượm hồn dân tộc. Mà không mê, không say sao được cái tình tự quê nhà thấm đậm trong tiếng đàn bầu? Và, khi người sử dụng thành thục, nhuần nhuyễn đàn bầu lại là thân phụ. Từ cái nôi thanh âm ấy nàng đã được nuôi dưỡng, chắt chiu tâm hồn nghệ thuật đàn ca Huế.

Sinh năm 1928 ở làng Thanh Phước, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, cô gái yêu tiếng đàn bầu ấy có nghệ danh là Thanh Hương, sống cùng thời với các nghệ nhân tên tuổi trong làng điệu nghệ, như Minh Mẫn, Vân Phi, Quế Trân, Nguyễn Kế, Trần Kích, Phạm Văn Thiết, Nguyễn Văn Tân… từ thời thiếu nữ cho đến nay luôn gắn liền với nghiệp cầm ca. Năm tháng kéo dài trong từng âm hưởng cung đàn, nhịp phách, lời ca.

Được sự dìu dắt của người cha, vốn là một người chơi đàn bầu đến mức tuyệt kỹ, với sự thông minh, linh lợi và lòng yêu nghề, Thanh Hương tự đi tìm thầy học theo lối truyền khẩu bộ môn ca Huế. Bằng chất giọng khỏe, trong, trầm ấm, rõ lời, cộng với sự sáng trí, học mau, tiếp thu nhanh, Thanh Hương sớm thành công trong nhiều bài bản, làn điệu ca Huế và dân ca. Thanh Hương đã học thuộc được nội dung nhiều bài ca Huế thuộc hệ thống bài bản lớn như Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, 10 bài Ngự, thuộc nhiều làn điệu lý, dân ca, hò, vè, chầu văn…

Thanh Hương từng nhiều lần thâu đêm suốt sáng, cùng với đồng nghiệp Quế Trân, Vân Phi, Minh Mẫn để ca tri âm, với các ngón đàn tài hoa của Nguyễn Hữu Ba, Bửu Lộc, Tôn Thất Toàn, Tôn Thất Viễn Dung, Nguyễn Văn Tân, Trần Kích, Nguyễn Kế, Phạm Văn Thiết... qua các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, nguyệt cầm, tỳ bà, đàn nhị… Bà đã cùng giới điệu nghệ sống hết mình vì cung đàn, tiếng ca. Thiên nhiên dường như cũng đồng cảm với nghệ thuật ca Huế, đồng điệu với tài hoa của văn nghệ sĩ xứ Thần kinh.

Với tấm lòng yêu thiên nhiên, Thanh Hương sống chí thú trong cảnh nhà đơn sơ, đạm bạc, chung thủy với người chồng đã đi xa. Thanh Hương cùng với người con trai đã trải qua những thăng trầm, biến thiên của cuộc sống. Vượt lên những khó khăn của số phận, Thanh Hương luôn giữ được sự thuần khiết, thanh nhã của tâm hồn Huế, giữ chất lượng trong sáng qua các làn điệu trữ tình. Bà cũng đã tự chọn cho mình một làn điệu để say mê: Tứ đại cảnh.

Trước năm 1975, Thanh Hương được nhạc sĩ Ngô Ganh mời vào cộng tác tại Đài Phát thanh Huế một thời gian. Qua làn sóng, Thanh Hương đã gửi tiếng lòng đồng điệu đến muôn phương. Cùng thời điểm này, Thanh Hương cũng được Trường Quốc gia Âm nhạc Huế mời giảng dạy một số chương trình ca Huế. Đã có một thế hệ học trò được đào tạo trưởng thành qua phương pháp truyền khẩu của nghệ sĩ Thanh Hương.

Nghệ nhân Nhân dân Thanh Hương và thế hệ ca Huế trẻ

Khi tuổi đã cao, sức khỏe không được sung mãn như xưa, nhưng nghệ sĩ Thanh Hương vẫn là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà Văn hóa Huế. Thanh Hương vẫn chịu khó tham gia bất kỳ hoạt động âm nhạc dân tộc nào diễn ra trong thành phố hoặc các miền quê. Cứ miệt mài luyện tập, hát ca khi có điều kiện một cách hồn nhiên nghệ sĩ Thanh Hương được giới mộ điệu, các nhạc hữu dành cho những tình cảm thương yêu đặc biệt. Ngược lại, Thanh Hương cũng tạo cho đồng nghiệp nguồn cảm hứng nhẹ nhàng mà sâu lắng. Tiếng hát cung đàn Huế vì thế mà vọng ngân, rung động bao tâm hồn chung mạch nguồn ca Huế xưa, nay.

Năm 2019, nghệ nhân ưu tú Thanh Hương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Ngày 24/8/2020 giới nghệ sĩ và những người mộ điệu nghệ thuật ca Huế vô cùng thương tiếc trước tin Nghệ nhân Nhân dân Thanh Hương đã vĩnh viễn ra đi.

Dù giọng ca đồng điệu tài danh Thanh Hương từ nay không còn ngân vọng nữa nhưng trong sâu thẳm lòng của bao người, âm hưởng tuyệt vời, đầy tình yêu quý nghệ thuật của Thanh Hương luôn tha thiết hòa thanh.

Võ Quê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ đội, dân quân và Nhân dân chung tay vệ sinh môi trường biển

Sáng 31/3, tại bãi biển xã Hải Dương, thành phố Huế, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với địa phương, lực lượng dân quân và đoàn viên thanh niên đã tổ chức chương trình Ngày Chủ nhật xanh ra quân vệ sinh môi trường biển.

Bộ đội, dân quân và Nhân dân chung tay vệ sinh môi trường biển
Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân
Chén vỡ… hóa rồng!

Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Chén vỡ… hóa rồng
Người có uy tín phát huy vai trò tuyên truyền, vận động Nhân dân

Sau gần ba năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), đời sống KT-XH vùng ĐBDTTS Thừa Thiên Huế có những chuyển biến đáng kể. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong ĐBDTTS.

Người có uy tín phát huy vai trò tuyên truyền, vận động Nhân dân

TIN MỚI

Return to top