ClockThứ Tư, 27/07/2011 20:46

Nghệ nhân xứ Huế

TTH - Báo chí đã đưa tin, đồng loạt và trang trọng với lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi của NSƯT La Cháu, nghệ nhân cuối cùng của tuồng cung đình triều Nguyễn ở tuổi 99 vào cuối tuần qua. Có nhiều giai thoại đáng nhớ về con người tài danh này. Chuyện rằng, thuở thiếu thời, một lần La Cháu đang học diễn thì vua Khải Định ngự giá ngang qua Nhà hát Duyệt Thị Đường. Bất chợt, nhà vua hỏi: “Có thằng nào hát hay không, hát cho trẫm nghe nào?”. Nghe lời thầy Đội Em bảo, La Cháu liền hát “Rượu nghiêng hồ càng say cựu ngãi.Nhờ ngàn vàng không cãi người xưa”. Nghe xong, nhà vua liền nói: “Thằng ni hát được đó, hát hay đó”, rồi hỏi tiếp: “Rứa thì mi nhớ cái chi và không cãi cái chi?”. Rất hồi hộp nhưng cụ cũng nhanh chóng trấn tĩnh, tâu: “Muôn tâu bệ hạ, con luôn nhớ những gì thầy dạy và con cũng không bao giờ dám cãi lại lời thầy”.Nhà vua cười, xoa đầu “nghệ sĩ” và cho lui.

Xứ Huế kinh kỳ, thủ phủ một thời, kinh đô một thuở của nước Việt. Vậy nên, cũng chẳng có chi lạ khi đây là nơi tụ hội của những kẻ sĩ, những người tài trên nhiều lĩnh vực khác nhau của cả đất nước. Tôi nghĩ, trong những danh xưng đáng tự hào về Huế đáng kể nhất là nghệ nhân xứ Huế. Xem chừng, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có nghệ nhân nổi tiếng. Tuồng truyền thống có NSƯT La Cháu. Nhã nhạc Cung đình Huế có các cụ Lữ Hữu Thi đã ngoài trăm tuổi là một trong những nghệ nhân cuối cùng của đội nhạc Hòa Thanh, dưới triều vua Bảo Đại xưa hay cụ Trần Kích, cũng vừa mới ra đi năm ngoái ở tuổi cửu thập. Ca Huế có các cụ Minh Mẫn, Thanh Hương. Chuyển qua lĩnh vực khác, có cụ Phan Thế Huế cũng được xem là nghệ nhân điêu khắc gỗ cuối cùng từng phục vụ trong Hoàng cung triều Nguyễn. Hay như nghệ nhân thêu tranh Lê Văn Kinh, người được nhận danh hiệu “Báu vật nhân văn sống”. Và rất nhiều nữa.


Các diễn viên tuồng đồng ấu dưới triều Nguyễn

Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều nghệ nhân xứ Huế một thời. Cảm nhận lớn cứ in đậm trong tôi là sự xả thân vì nghề của họ. Huế không còn là kinh đô của đất nước, sự phát triển của xã hội hiện đại đã như những thách thức lớn đối với việc bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống. Với nghệ nhân xứ Huế còn cả sự nghiệt ngã khi phải đối mặt với cuộc sống đời thường không ít những lo toan cơm áo. Vậy nhưng, vượt lên trên hết thảy là tình yêu, sự trân trọng và gắn bó máu thịt với nghề. Cứ 4 giờ chiều, cụ Lữ Hữu Thi lại thắp nhang cúng Tổ nghề. Hơn 80 năm gắn bó, gần như không một ngày nào cụ bỏ thắp nhang, một tục lệ rất được coi trọng của những nhạc công nhã nhạc và ca Huế. Một việc làm thể hiện cả một tâm nguyện lớn.

Báo chí đã nói về sự ra đi về cõi vĩnh hằng của NSƯT La Cháu với tư cách nghệ nhân cuối cùng của tuồng cung đình triều Nguyễn. Sinh thời, không chỉ lưu danh với những vai diễn để đời, NSƯT La Cháu còn nổi tiếng với câu nói “Con của tui sinh ra, nếu đứa mô không theo nghề hát tuồng thì không phải là con tui”. Nói mà cứ như thật. Các con của cụ: NSƯT La Cẩm Vân, nghệ nhân La Nguyên, đạo diễn La Hùng đều hoạt động nghệ thuật tuồng. Hiện nay, 3 cháu nội của cụ là La Tuấn, La Phước Cường, La Thanh Hải vẫn đang tiếp tục nối nghiệp. Và tôi đã cảm thấy vui khi nghĩ đến một dòng chảy mang tính truyền thống, kế thừa và liên tục trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Huế mà cụ La Cháu đã là một trong những người có công đầu.
 
Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top