ClockThứ Tư, 02/03/2016 17:53

Nghệ sĩ không chuyên

TTH - Gọi là nghệ sĩ không chuyên bởi hàng ngày họ làm những công việc ngoài nghệ thuật. Sáng tác âm nhạc, làm thơ… với họ nhiều khi rất ngẫu hứng.

Võ Phương Anh Lợi cùng bạn thử nhạc

Chính là tình yêu

Tôi nhận ra anh Dũng ngay khi anh loay hoay dựng xe! Tác phong nhanh nhẹn, anh xởi lởi: “Nghe cô mở quán cà phê là anh phải lên ủng hộ ngay”. Anh em đang hàn huyên chuyện xưa chuyện nay thì anh bỗng bỏ dở câu chuyện khi nhìn thấy cây đàn ghi ta ở góc nhà. Vừa so dây đàn, anh vừa rút từ túi áo đưa cho tôi bản nhạc in trên tờ giấy A4, tựa bài hát là  “Thôn ca”’, lời thơ và nhạc Nguyễn Trung Dũng. Tôi trố mắt: “Vụ ni mới à nghe, anh Dũng giờ là nhạc sĩ à?”. “Cô, biết một mà không biết hai!”. “Anh sáng tác khi nào vậy?”; “Lâu rồi, mà thôi, để anh hát cho mà nghe”. Dứt lời, anh gảy đàn và bắt đầu cất giọng ca nhịp nhàng, vừa hát vừa rung vai, lắc đầu theo điệu paso, thể hiện những ca từ tha thiết về quê hương. Thêm một bài nữa, rồi một bài nữa. Lời nhạc du dương của những bài “Lưng đồi chiều thu”, “Hát về tình yêu đôi lứa”… anh em chúng tôi lại cười vui khi nghe anh hát các bản “Liên khúc Hồ Xuân Hương”, “Cầu mưa”… Tôi không hiểu nhiều về âm nhạc, chỉ thấy trong mỗi lời hát, mỗi tiếng đàn là cả một niềm đam mê.

Suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, ngày nghỉ hưu, Võ Phương Anh Lợi giành tất cả cho đời sống âm nhạc. Anh có chất giọng khỏe và ấm. Tuy không nổi tiếng nhưng anh có thể chuyển những câu thơ của bạn bè thành những nốt nhạc rất nhanh, thậm chí có khi ngẫu hứng anh ôm đàn nhìn vào một bài thơ rồi hát. Trong suy nghĩ của Võ Phương Anh Lợi, nghệ thuật là tài sản vô giá, nó cho anh cuộc sống khỏe mạnh về tinh thần. Đến với âm nhạc, anh nhận được nhiều sự thân thiện. Có lẽ vì thế, bất cứ ở đâu Võ Phương Anh Lợi cũng có thể cất giọng hát. Anh hát say sưa.

Phương Anh Lợi và Trần Đại biểu diễn tại đêm thơ Nguyên tiêu

 

Người kỹ sư năm xưa của Nhà máy xi măng Long Thọ Hoàng Trọng Mộc cũng cuốn mình theo niềm đam mê sáng tác. Nhà thơ Lâm Vũ Nhi và tay đàn Trần Đại luôn đồng hành cùng anh trong các cuộc vui những ngày anh còn ở Huế. Anh vào Nam sống sau ngày nghỉ hưu. Dù cuộc sống có chút thăng trầm nhưng anh không hề xao lãng niềm đam mê phổ nhạc từ những bài thơ của bạn bè xứ Huế, như Lâm Vũ Nhi, Ngàn Thương, Đỗ Văn Khoái… Có dịp về Huế, anh lại tìm vài người bạn, sẽ có vài bản nhạc để tặng, để cùng nhau hát…

Hát cho nhau nghe

Mỗi người một món, người mang đồ uống, người mang bánh hoặc một món ăn tự chế biến. Và điều không thể thiếu là những nhạc cụ. Không định kỳ, họ tụ tập ở đâu đó tùy theo điều kiện và thời gian. Khi ngẫu hứng, lúc có ai vừa sáng tác xong một bài hát, một bài thơ để cùng hát, cùng ngâm, cùng thưởng thức và bình luận.

Ai từng tham gia một lần với họ thì khó từ chối khi lần sau được mời. Không thể so sánh với các buổi âm nhạc tổ chức quy mô, bởi nhạc cụ chỉ là một, hai cây đàn ghi ta. Hôm nào Như Tích cao hứng thì dùng mấy tách trà để tăng thêm âm điệu cho giọng ngâm thơ của chị. Có khi Trần Đại vừa hát vừa đàn vừa dùng tay vỗ vào hông đàn để mong diễn tả hết niềm phấn khích khi giọng ca của ai đó đang ở đỉnh điểm. Nhà thơ Lâm Vũ Nhi cố thể hiện tài dẫn chương trình trước khi có người hát hay ngâm thơ… Cứ thế, người diễn được thả hồn vào cuộc chơi, người thưởng thức có lúc lại lặng người trước những cảm xúc. Những người không sáng tác, như Linh Trang, Hoa Huệ, Hàn Ni… thì thể hiện hết sự nhiệt tình của mình vào giọng ca, vào biểu hiện khi diễn xuất… Ngoài đam mê và năng khiếu, họ còn có vốn sống theo dòng thời gian. Có người từng là ca sĩ trước năm 1975, có người vừa đạt giải trong các cuộc thi như Võ Phương Anh Lợi đạt giải Tiếng hát dòng Hương qua ca khúc “Tự tình dòng Hương”… Nhiều người đã xuất bản thơ, đĩa nhạc như “Ở đây mùa nào lá cũng rơi” (thơ, nhạc) của Nguyễn Văn Vũ, tặng thưởng Tác phẩm xuất sắc năm 2015 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật… (Nhiều tác phẩm được đăng trên các báo, tạp chí văn học như “Nhớ Huế”, nhạc Nguyễn Trung Dũng, thơ Lê Bá Ngữ (Tạp chí Sông Hương); “Tự tình dòng Hương”, nhạc Võ Phương Anh Lợi, thơ Ngàn Thương; “Hoa vàng ơi, lá vàng ơi”, nhạc Hoàng Trọng Mộc, thơ Đỗ Văn Khoái (Báo Thừa Thiên Huế)…

Nhạc sĩ Trần Hữu Ý, giảng viên âm nhạc Trường đại học Sư phạm Huế nhận xét: “Gia đình tôi có 3 thế hệ chuyên về âm nhạc. Nhưng khi hòa mình với nhóm bạn không chuyên thấy đôi lúc nhiệt huyết ở họ còn cao hơn. Để có một tác phẩm, họ phải lao động vất vả, đa số mộc mạc về ngữ pháp. Nhưng, sự trăn trở cho mỗi bài hát giúp ca khúc của họ rất gần gũi với cuộc sống. Nhất là trong lĩnh vực nhạc truyền thống.”.

Mỗi năm vài lần tổ chức những cuộc vui, mỗi lần lại có thêm vài người mới… Cứ thế, họ cho nhau những giá trị tinh thần trong cuộc sống. Họ là những nhà thơ, những nhạc sĩ, hầu hết họ không sống bằng thơ, bằng nhạc. Chính nhạc và thơ đã làm cuộc sống của họ thêm đa sắc màu.

Bài, ảnh: Hương Lan

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top