ClockThứ Sáu, 15/05/2015 10:17

Nghệ sỹ Văn Tân với niềm đam mê với những vai diễn về Bác Hồ

TTH.VN - Có một nghệ sỹ mang vẻ ngoài rất bình dị, thường lẫn trong đám đông song ông luôn tỏa sáng trên sân khấu mỗi khi thể hiện hình tượng Bác Hồ. Đó là nghệ sỹ Văn Tân, người đã có trên 40 năm thể hiện hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam với tổng số gần 1.800 buổi diễn.

Càng đến gần ngày kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015), nghệ sỹ Văn Tân càng bận rộn. Khi thì ông có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện hình tượng Bác trên sân khấu, lúc lại đang biểu diễn hình tượng Bác Hồ với thầy cô giáo và học sinh tại Trường Trung học cơ sở xã Hồng Thái, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đúng ngày 19/5, ông cũng có lịch diễn tại xã Văn Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) với vai Bác Hồ với Đảng.

Với nụ cười đôn hậu, người nghệ sỹ đã ở tuổi “xưa nay hiếm” ấy chia sẻ: "Có rất nhiều nghệ sỹ hóa thân vào hình tượng Hồ Chủ tịch thành công. Mỗi người có một thế mạnh riêng khi hóa thân thành vị “Cha già dân tộc.” Nghệ sỹ Sĩ Hùng, Ngọc Thủy, Tiến Hợi thể hiện tốt khi Bác là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Còn tôi chỉ thể hiện được hình tượng Bác thời những năm 1954-1960, lúc người ở giai đoạn khỏe mạnh nhất."

Cơ duyên đưa nghệ sỹ đến với vinh dự đóng vai Bác Hồ bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, lúc đó ông đang là diễn viên Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc. Một năm sau ngày Bác mất, Trung ương có chỉ thị về việc đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu, phim ảnh.

Nghệ sỹ Văn Tân tên thật là Nguyễn Văn Tân, sinh ngày 10/8/1943, tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông may mắn được hai lần được gặp Bác Hồ trước khi vào vai Người; đó là vào năm 1961 và 1963 trên chính quê hương mình. Từ đó hình ảnh Bác luôn hiện lên trong tâm trí người nghệ sỹ ấy.

Với mong muốn một lần được thể hiện hình tượng Bác trên sân khấu, ông đã lấy cây đay ngâm kỹ, đập dập dùng sợi tết thành râu, tóc giả, tự hóa trang, tự viết hoạt cảnh, tập diễn với đoàn kịch Hà Bắc.

Năm 1974, lần đầu tiên Văn Tân diễn xuất hình tượng Bác Hồ trong vở kịch ngắn chính ông sáng tác mang tên "Kỷ niệm cao quý." Kết quả thật bất ngờ, rất nhiều người xem xong đã công nhận Văn Tân hóa trang giống Bác và diễn cũng có nhiều nét giống Bác. Đó là những động viên, khích lệ để Văn Tân càng tự tin, ra sức nghiên cứu sâu hơn ngôn ngữ, động tác của Bác.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Văn Tân tuổi đời còn rất trẻ, lại chọn thể hiện hình tượng Bác khi người đẹp nhất (từ 70-75 tuổi) nên cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, ở ngoài đời ông lại có tới 17 điểm yếu khi đóng vai Bác; đó là cổ ngắn, mũi thấp, nhân trung ngắn, tai nhỏ, ngực ưỡn, lưng gãy, chân đi vòng kiềng... Với Văn Tân, khó nhất là việc bắt chước giọng nói của người bởi Bác Hồ có chất giọng miền Trung pha Bắc rất trầm ấm, còn giọng của ông lại cao.

Để khắc phục những điểm yếu trên, ông phải cạo tóc sau gáy, đội tóc giả, đắp tai, mũi, trán và tập đi nhanh, hai mũi bàn chân thẳng... Ông cũng cho rằng mình may mắn được hai thầy giỏi là nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Đình Nghiêm và nghệ sỹ ưu tú Bích Nguyệt dạy hóa trang, làm tóc giả; được học đạo diễn và được ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) hướng dẫn thêm về dung mạo, cốt cách, phong thái của Người.

Ông cũng được các bác Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười góp ý, chỉ bảo tận tình; được cụ Hà Huy Giáp - nguyên Viện trưởng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh - giảng giải cặn kẽ những đức tính của Bác để có được cảm nhận chân thực nhất về một hình tượng vĩ đại mỗi khi nhập vai Người. Song song với đó ông cũng tự tìm đọc, nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu sách báo, tranh, ảnh, các tác phẩm về Bác và xem nhiều phim tư liệu, nghiên cứu giọng Bác qua băng ghi âm rồi dành nhiều thời gian để tập luyện.

Tạo được hình tượng đã khó, giữ được hình tượng với đầy đủ phong thái, cốt cách của người trên sân khấu lại càng khó hơn. Xác định được điều này, nghệ sỹ Văn Tân thường xuyên tập thể dục giữ sức khỏe, ăn uống điều độ, kiêng bia rượu. Ông cũng từ bỏ việc hút thuốc cùng thói quen để bao thuốc và bao diêm rỗng đựng tàn trong túi áo. Giờ đây trong hai túi áo kaki của ông luôn đựng đầy kẹo, có dịp là ông lại chia kẹo cho trẻ em, khán giả.

Để giữ cho hình ảnh Bác mãi thanh cao trên sân khấu, Văn Tân thường sử dụng ren co ngực, bụng. Ông cũng mặc bộ quần áo kaki được đích thân ông Vũ Kỳ chọn theo mẫu bộ kaki của Bác (mẫu hiện trưng bày tại Học viện Nguyễn Ái Quốc) và đi đôi dép cao su được phục chế theo đúng mẫu dép của Bác ở bảo tàng.

Mặc dù đã đóng vai Bác Hồ hàng nghìn lần nhưng với nghệ sỹ Văn Tân lần nào cũng như lần đầu tiên nhập vai. Ông kể rằng những lần đi biểu diễn như vậy đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đẹp trong đó có những kỷ niệm không bao giờ quên. Rồi ông kể rất rành rọt những buổi biểu diễn ở Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An... rằng không ít khán giả chạy đến níu “Bác” và khóc: “Bác Hồ ơi, thấy Bác khỏe, cháu thấy ấm lòng. Được tận mắt ngắm Bác, còn gì hạnh phúc hơn”... Những lúc ấy, khóe mắt người nghệ sỹ cay cay và nước mắt cứ trực trào ra.

Ông cũng nhớ như in những lần được biểu diễn phục vụ đoàn tử tù miền Nam ra thăm miền Bắc tháng 5/1992 và phục vụ các đại biểu anh hùng lực lượng vũ trang Quân khu 9 tháng 12/1992. Cả hai lần biểu diễn này, nhiều cán bộ cách mạng lão thành, những chiến sỹ trung kiên đã ôm ông khóc, xúc động nói lên niềm tôn kính đối với Bác.

Qua hơn 40 năm thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, nghệ sỹ Văn Tân được khán giả, đồng nghiệp công nhận là người thể hiện hình tượng Người trên sân khấu thành công nhất.

Nói về Văn Tân, nghệ sỹ ưu tú Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, cho rằng thành công người nghệ sỹ ấy có được một phần là do ông có lợi thế hóa trang giống Bác Hồ, nhưng quan trọng hơn là nghệ sỹ đã cố gắng thể hiện được phong cách của Người qua những tư liệu về các cuộc tiếp xúc, thăm hỏi hoặc nói chuyện của Bác với nông dân, công nhân, phụ nữ, bộ đội, trí thức, thiếu nhi...

Tại “Hội thảo về nghệ sỹ Văn Tân 40 năm thể hiện hình tượng Bác Hồ” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức tháng 1/2014, giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, ghi nhận: "Dấu ấn đẹp nhất của Văn Tân là khi bước ra sân khấu, anh đã dựng nên một hình ảnh Bác Hồ mà người ta đã được nhìn thấy trên phim ảnh, trên tranh. Để có được điều đó anh phải có một lòng yêu kính Bác Hồ hết sức thiết tha."

Bên cạnh đam mê thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, nghệ sỹ Văn Tân cũng đã viết gần 40 hoạt cảnh và kịch ngắn, trong đó chủ yếu là những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp với những tặng thưởng như Huy hiệu Bác Hồ, Huy chương Chiến sỹ Văn hóa, Huy chương Vì Thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Bằng lao động sáng tạo; Giải thưởng Đào Tấn và nhiều Bằng khen, Giấy khen của nhiều tỉnh, thành trong cả nước... Ông cũng được ghi nhận đạt kỷ lục Việt Nam về số lần thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Song người nghệ sỹ 73 tuổi ấy vẫn luôn mong muốn mình tiếp tục được đứng trên sân khấu thể hiện tình cảm của mình với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc để hình tượng Bác mãi đẹp trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế./.

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Return to top