ClockThứ Năm, 17/03/2016 06:52

Nghệ thuật cần sự tận hiến

TTH - NSND Ngọc Bình chia sẻ: “Tôi đặc biệt ghiền ánh đèn sân khấu, mặc dù bước ra rất nóng, cường độ đèn pha 1000W, như lò sưởi, nhưng lại có sức hút ghê gớm, bắt gặp ánh sáng đó thấy trong người rạo rực một niềm đam mê biểu diễn. Nghề này giàu thì không giàu nhưng nghiện rồi thì…”

Người “ghiền” ánh đèn sân khấu

NSND Ngọc Bình không thể nào quên thời điểm năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc thì gia đình phải sơ tán về Hưng Yên. Thường thì ban ngày đi học, tối lại được nghe các ông các bà trải chiếu ca tri âm tri kỉ. Lúc đó 6 tuổi, được nghe những lời ca ấy, tự dưng ông thấy yêu mến nghệ thuật dân tộc đến lạ và ngọn lửa nghệ thuật sẵn có trong dòng máu đã hun đúc ông. Đến năm năm 1972, khi mới 14 tuổi, Ngọc Bình được tuyển vào  Đoàn ca kịch Trị Thiên Trung ương và được đào tạo 6 tháng trước khi vào biểu diễn phục vụ chiến trường. Vai diễn đầu tiên của ông là Châu Tuấn trong vở “Thoại Khanh – Châu Tuấn” là kỷ niệm đẹp không thể nào quên.

NSND Nguyễn Ngọc Bình (trái) trong vở “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”. Ảnh: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế

Những năm 80, Ngọc Bình đi lưu diễn và thường xuyên phải xa nhà ít nhất là 4 tháng mỗi lần, có khi đi sáu tháng liên tục. Ở thì ở nhà dân, ăn thì ăn cơm tập thể. Năm 1984, ông nhận thấy anh em văn nghệ sĩ ban ngày rảnh rỗi, ban đêm mới biểu diễn, thời gian uổng phí quá nên nảy ra ý tưởng dựng một vở kịch. Ông đề xuất tác phẩm “Ngọn lửa tình yêu” của nhà biên kịch Minh Hằng. Khi được hỏi ai dựng? Ông trả lời: “Ba tôi là đạo diễn, tôi từng lấy sách vở ba tôi đọc nên cũng biết sơ sơ, nếu mọi người tin tưởng thì tôi sẽ dàn dựng”. Lúc đó, dựng một vở chẳng có công cán gì nhưng ông mê lắm. Vở đầu tiên này của ông đã được đoàn Nghệ thuật truyền thống cũ, cải lương Sông Hương, đoàn kịch nói Bình Trị Thiên cũ dựng và biểu diễn… Sau này, ông đi học đạo diễn tại Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Thời điểm trước khi đi học Ngọc Bình đã dựng 34 vở.

Với vai trò đạo diễn, NSND Ngọc Bình tâm đắc vở diễn “Điều không thể mất” (1999) của Lưu Quang Vũ. Ông đã giành Huy chương vàng (HCV) 2001 Liên hoan khu vực duyên hải phía Bắc. Nhưng vở thành công nhất có lẽ là Hồi ức màu đỏ (2010). Tác phẩm này thành công trên nhiều phương diện. Đó là hiệu ứng về mặt chủ đề phản ánh và sự thu hút khán giả cũng như những kết quả mà vở này gặt hái được với 31 giải thưởng cá nhân, tập thể. HCV vai Hồ Chí Minh, đạo diễn, giải thưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho vai diễn, êkip dàn dựng. NSND Ngọc Bình  đóng vai trò vừa là diễn viên, vừa chuyển thể và cả dàn dựng.

NSND Ngọc Bình tâm sự: “Tôi thật sự yêu nghề, say nghề. Nghệ thuật đối với tôi như là “thuốc phiện”. Ông yêu tiếng hát, tiếng nhạc tập diễn ở hội trường. Mỗi lần xa cơ quan đi công tác hay đi thăm bà con, ngày thứ nhất không sao, nhưng qua ngày thứ hai thì nhớ da diết, nhớ vì không nghe được tiếng đàn, tiếng hát và sự chộn rộn của anh em nghệ sĩ.

“Âm mưu và tình yêu”  của đôi vợ chồng trẻ

Năm 1981, đám cưới của ông được tổ chức. Trưa cưới xong thì tối, hai vợ chồng theo đoàn đi diễn vở “Âm mưu và tình yêu” của đại văn hào Sin-lơ ở Mỹ Chánh (Quảng Trị). Ông đóng vai chính là anh chàng thiếu tá Phec-đi-năng và vợ ông đóng vai nàng Luy- dơ. Khi bắt đầu lên diễn, nghệ sĩ Xuân Đàm (trưởng đoàn) lên giới thiệu. Hai diễn viên chính trong vở hôm nay là đôi vợ chồng mới cưới đóng vai chính và xin đề nghị khán giả chúc mừng. Nhạc nổi lên, khán giả vỗ tay chúc mừng tưng bừng đến... 5 phút. Tối đó hai vợ chồng ông có một đêm diễn hay nhất, diễn hết mình bằng tất cả tấm lòng và tài năng của người nghệ sĩ.

Năm 2012, khi đón nhận danh hiệu NSND, ông chia sẻ, rất khó để làm việc thành công nếu như chỉ có một mình nghệ sĩ. Muốn có sự thành công phải có sự đóng góp của nhiều người. Ông chỉ đóng vai chính trong cuộc đó. Bên cạnh đó, NSND Ngọc Bình còn có một nỗi lo về trách nhiệm. Nếu trước đây mình làm thì sự chú ý nghề nghiệp chính là sự tự ý thức của cá nhân. Nhưng bây giờ với vai mới của người nghệ sĩ, thì những gì liên quan đến nghệ thuật cũng cần có biểu hiện gì đó khác trước đi. Nhưng để muốn hơn trước cũng khó cực kỳ khó và cần cố gắng hơn nữa.

Khi được hỏi NSND là một danh hiệu cao quý mà Nhà nước vinh danh cho người nghệ sĩ, đó có phải đó là đỉnh cao nhất của một sự nghiệp? Ông trả lời: “Người nghệ sĩ phải tạo ra được những công trình, vai diễn sống trong lòng công chúng. Tận hiến cho đến giây phút nhắm mắt xuôi tay, chứ không phải dừng lại khi có danh hiệu là xong”.

Với những bạn trẻ trong nghề, NSND Ngọc Bình chia sẻ “Anh không bao giờ được một cái gì đó mà trước đó không bị mất. Muốn đạt được cái gì thì trước đó anh phải chấp nhận mất cái gì. Nghĩa là anh phải hi sinh. Muốn có được danh hiệu, thành quả thì anh phải hi sinh lợi ích riêng, tính toán riêng. Còn nếu chân trong chân ngoài, ham mê tiền bạc thì khó để đạt được thành quả gì đó trọn vẹn.

Tham gia trên 70 vai diễn cả kịch và điện ảnh, vai  NSND Ngọc Bình  thích nhất là Đi-mi-nốp trong “Trên mảnh đất người đời” (1981). Đây là một vở kịch của Nga do nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể. NSND Ngọc Bình chia sẻ: “Tôi thích vai diễn này vì đó là một nhân vật có nhiều tâm trạng trái chiều nhau. Thứ nữa, là mình được biểu diễn nhân vật đó qua nhiều thời kì, lúc một chàng thanh niên trẻ, lúc là một trung niên với sóng gió cuộc đời, rồi một ông lão. Vốn dĩ người diễn viên như tôi lại thích tính phức tạp để mình có rất nhiều trải nghiệm. Đó cũng là vai diễn lúc tôi mới cưới vợ xong, hai vợ chồng đóng hai vai chính”.

Trường Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Du xuân ở bảo tàng

Ngoài các điểm du xuân vui nhộn, trang trí đẹp mắt, những năm gần đây một trong những điểm đến vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người tìm tới đó chính là bảo tàng. Bảo tàng vì thế cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.

Du xuân ở bảo tàng
Return to top