ClockThứ Tư, 15/07/2015 15:41

Nghề truyền thống khó vào trường nghề

TTH - Chiêu sinh học viên học nghề đã khó, đến với nghề truyền thống lại khó hơn. Nghệ nhân ở các làng nghề giàu kinh nghiệm nhưng vẫn manh mún và tự phát. Trong khi đó, giáo viên dạy nghề truyền thống có kinh nghiệm lại thiếu bằng cấp và ngược lại…

Khó chiêu sinh    

Lâu nay, các làng nghề truyền thống chưa thu hút được đông đảo lực lượng lao động. Nhiều làng nghề ở trong cảnh thiếu vốn sản xuất, thông tin thị trường và mặt bằng sản xuất. Thế nên, không ít lao động, tính toán thiệt hơn khi học nghề truyền thống, bởi phải mất một thời gian dài mới thuần thục, trong khi nhiều nghề khác đem lại thu nhập ngay. Chính tâm lý của người học và những khó khăn trong tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nên trường nghề rất khó tuyển sinh. Trường trung cấp Nghề Huế là một trong 7 trường được Bộ Lao động TB&XH đưa vào danh mục hỗ trợ đầu tư đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ, song xem ra số học viên theo học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà trường không quản ngại khi đến các làng nghề để chiêu sinh, song số lượng học viên theo học nghề truyền thống vẫn không khả quan.
Trình diễn nghề dệt Zèng ở A Lưới tại Festival Nghề truyền thống năm 2015
Đặc thù của nghề truyền thống đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo. Người thợ phải được học làm sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, thời gian từ vài năm trở lên mới có thể độc lập gia công sản phẩm có giá trị hàng hóa. Trong khi đó, các lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống mới dạy cho học viên làm những sản phẩm đơn giản hoặc chỉ gia công một công đoạn nào đó của sản phẩm. Tiếp xúc với một nhóm thanh niên ở làng nghề đúc đồng, họ cho rằng: Không muốn học ở trường nghề vì không muốn ràng buộc. Học nghề ở các làng nghề tự do hơn, thích đến mấy giờ thì đến, thích làm sản phẩm được chừng nào thì làm. Học được nghệ nhân giỏi lại mau tiến bộ.
Ở các làng nghề, việc truyền nghề chủ yếu bằng phương pháp hướng dẫn, chỉ bảo... trực tiếp bởi các nghệ nhân cao tuổi. Các nghệ nhân dạy bằng kinh nghiệm là chủ yếu và tổ chức lớp học tại gia đình của họ. Vì vậy, tùy thuộc vào khả năng của mỗi nghệ nhân, sự tiêu thụ sản phẩm trên thị trường sẽ tạo ra sức hút của nghề cho học sinh theo các lớp học. Họ ít có nhu cầu thay đổi về nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức trong việc đào tạo nên vẫn còn rất manh mún và tự phát. Tất nhiên, cách thức này sẽ tốn ít kinh phí, dễ học, dễ dạy nhưng lại thiếu chuẩn xác, thiếu sự đóng góp hoàn thiện của tập thể bởi mỗi nghệ nhân truyền một kiểu. Hơn nữa, chủ hộ sản xuất ở các làng nghề chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường nên đầu ra của sản phẩm không ổn định. Anh Nguyễn Ngọc Toàn, một lao động ở làng mộc Mỹ Xuyên (Phong Hòa –Phong Điền) cho rằng: “Học ở các làng nghề sẽ nhanh làm được sản phẩm, tự do nhưng lại không được đào tạo bài bản, không được tiếp cận với máy móc có quy mô. Do đó, lao động cứ tự học lẫn nhau, lại sản xuất tại nhà nên thiếu sự đồng nhất, sản xuất không đúng quy trình nên doanh nghiệp khó chấp nhận sản phẩm”. 
Giáo viên không đạt chuẩn
Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã mở ra hướng mới phát triển đào tạo lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong đó có phát triển nhân lực cho làng nghề truyền thống. Máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng phục vụ công tác đào tạo nghề truyền thống đã có nhưng vẫn khó xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề truyền thống đạt chuẩn. Học nghề truyền thống cũng như học văn hóa, hễ nơi nào có thầy giỏi, nghệ nhân có tiếng thì may ra mới có người đến đăng ký học. Thế nên, trường nghề đành khắc phục bằng cách mời các nghệ nhân, giảng viên dạy nghề truyền thống về dạy thỉnh giảng theo thời vụ. Tuy nhiên, mức thù lao rất thấp (30.000 đồng/tiết học) nên ít người mặn mà. Chưa kể, khi nghệ nhân đứng lớp là phải soạn giáo án, có đủ bằng cấp, có chứng chỉ dạy nghề…
Một số quy định khá rườm rà, gây khó khăn trong việc dạy nghề truyền thống. Chẳng hạn, nữ không quá 40 tuổi, nam không quá 45 và dĩ nhiên phải có bằng đại học nghề, nếu muốn dạy trung cấp Nghề. Ông Lê Mạnh Dũng, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Huế cho biết: Cái khó lớn nhất của việc dạy nghề truyền thống Huế là không tuyển được  giáo viên giảng dạy. Theo quy định của Nhà nước, giáo viên dạy nghề phải có bằng cấp, trong khi đó hầu hết những thợ giỏi về ngành nghề truyền thống thì không có bằng cấp gì nên không thể tuyển họ vào giảng dạy được.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, vi tính, ngoại ngữ thông thạo xin vào dạy trường nghề không ít, nhưng họ lại thiếu các ngón nghề gia truyền, kỹ năng, kỹ xảo thực hành, nhất là những nghề truyền thống. Trước bất cập đó, trường nghề xoay xở bằng cách tuyển thợ lành nghề ở các làng nghề truyền thống rồi tiếp tục đào tạo nâng cao theo đúng quy định dành cho giáo viên dạy nghề mới may ra có giáo viên đáp ứng các yêu cầu trong đào tạo nghề truyền thống. Thực tế, cách làm này đã được trường nghề áp dụng, song mới tuyển được giáo viên ở nghề điêu khắc.
Chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy nghề chính là yêu cầu cấp thiết đối với trường nghề lúc này, vì không thể có đội ngũ thợ giỏi khi không có thầy giỏi. Đồng thời, cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các nghệ nhân tích cực tham gia công tác truyền nghề . Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Huế, giai đoạn 2015-2020, trường sẽ tổ chức, cơ cấu một khoa nghề truyền thống có quy mô để tiếp tục chiêu sinh.
Bài, ảnh: Huế Thu – Phước Ly
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Return to top