ClockChủ Nhật, 14/07/2019 15:00

Nghĩ đến cách làm đồng bộ gắn trách nhiệm cụ thể

TTH - Đó là chia sẻ của PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế khi nói về những giải pháp khắc phục khó khăn trong tuyển sinh sau ĐH, nhất là với nghiên cứu sinh (NCS).

648 thí sinh dự thi kỳ thi năng khiếu của Đại học Huế“Mát lòng” sĩ tử46 thí sinh được xét tuyển thẳng vào các ngành đào tạo thuộc Đại học Huế

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, nhu cầu học sau ĐH trong toàn quốc có xu hướng bão hòa và thiếu ổn định. Trong khi đó, muốn vươn lên ĐH nghiên cứu thì chỉ tiêu đào tạo sau ĐH phải bằng 20 - 30% tổng chỉ tiêu ĐH. Điều này cần sự chung tay trách nhiệm của các đơn vị, đội ngũ cán bộ có học hàm, học vị cao đang trực tiếp tham gia giảng dạy và hướng dẫn.

Tình hình tuyển sinh sau ĐH đến nay thế nào, thưa PGS?

Tuyển sinh cao học đợt 1 của tất cả đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế được gần 800 học viên, đạt gần 40%. Thông thường đợt 1 ít vì vướng dịp tết hoặc các em chưa tốt nghiệp ĐH để tiếp tục học kéo dài.

ĐH Huế đã thông báo tuyển sinh giai đoạn 2 đến hết tháng 8. Tổng chỉ tiêu ĐH Huế hơn 2.000. So với mặt bằng chung cả nước, chỉ tiêu tuyển sinh sau ĐH của ĐH Huế rất cao. Như ĐH Đà Nẵng chỉ lấy 1.300 chỉ tiêu, nhưng ĐH Huế muốn tỷ lệ 10.000 SV ĐH thì có hơn 2.000 học viên cao học để hướng đến ĐH nghiên cứu sau này và mặt khác, do đội ngũ GS, PGS, TS của ĐH Huế khá lớn.

Đó là kết quả chung của ĐH Huế, còn với từng đơn vị cụ thế, kết quả có khả quan?

Khoảng 4 – 5 năm qua tăng nhiều, mỗi năm trên dưới 2.000 học viên là con số khá lớn, xu hướng chung sẽ đến giai đoạn chững lại và không ổn định. Hiện nay nhóm ngành về kỹ thuật, các ngành ra trường tiếp xúc việc làm ngay với doanh nghiệp ít có người lựa chọn học tiếp sau ĐH mà chỉ học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn, kỹ thuật cao. Doanh nghiệp chưa đòi hỏi nhiều đến trình độ quá cao mà cần năng lực, kỹ năng nghề nghiệp trình độ ĐH nhiều hơn. Ngoại ngữ cũng ít người học sau ĐH vì ra trường có việc làm ngay.

Ngoài nhóm ngành y dược và khối ngành về quản lý nhà nước liên quan đến kinh tế, quản lý giáo dục, quản lý đất đai, luật có thể tuyển tốt, trái lại nhiều ngành khác số lượng khó ổn định. Một số ngành chỉ tuyển vài em/lớp. Đây là thực trạng chung của cả nước.

Trường ĐH Y dược, ĐH Huế trao bằng cho nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ

Có vẻ nỗi lo lớn hơn lại dành cho việc thu hút NCS, thưa PGS?

Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu ứng viên phải có bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ. Là tác giả 1 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 3 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ sau: Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm, tính đến ngày đăng ký dự tuyển…

Trước đó, việc thu hút người làm NCS thuận lợi hơn, mỗi năm có 30 – 40 học viên, thậm chí có năm 50 người. Hiện nay, hằng năm ĐH Huế chỉ tuyển được 10 – 15 NCS, giảm 40 – 60% so với trước; một số trường không tuyển được. Đây là khó khăn chung và khiến các đơn vị đào tạo trong cả nước rất đau đầu.

Xu hướng bão hòa, Nhà nước giảm dần việc đề cao bằng cấp mà cần năng lực, những người thực sự cần mới đi học. Tuyển sinh NCS khó và đó là xu hướng tất yếu để những người thực sự say mê về khoa học, những người nghiên cứu của các trường ĐH, các viện đi học.

Tuyển sinh khó ảnh hưởng thế nào đến đội ngũ giảng viên có học hàm học vị cao?

Tuyển sinh khó ảnh hưởng nhiều thứ. Đào tạo chỉ có vài học viên tính ra là lỗ, gây khó khăn cho các trường nhưng muốn giữ ngành, giữ thương hiệu và một số em cần phải học để họ phục vụ xã hội thật.

Tuyển sinh sau ĐH khó ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ, giảng viên học hàm học vị cao vì họ là những người trực tiếp giảng dạy sau ĐH. Song cần nói rõ, giai đoạn hiện tại, tuy khó thu hút NCS nhưng mặt bằng chung ĐH Huế vẫn tuyển sinh cao học khá tốt (năm 2018 đạt gần 100% so với chỉ tiêu).

Vậy, ĐH Huế sẽ có giải pháp gì để thu hút học viên, NCS?

Từ năm 2017 mới bắt đầu triển khai Thông tư 08 nên phải cần vài năm để chuẩn bị các tiêu chuẩn này, thậm chí năm 2020 vẫn còn ít hơn. Có thể tin giai đoạn sau đó dự báo tuyển sinh NCS khả quan hơn.

Sắp tới, ĐH Huế có hội nghị bàn những giải pháp tăng đầu vào và đạt đầu ra cho NCS, bàn nhiều giải pháp như cung cấp học bổng, hỗ trợ ký túc xá, hỗ trợ hội nghị hội thảo quốc tế có đăng bài kỷ yếu, tham gia vào nhóm nghiên cứu mạnh, đề tài các cấp...

Chúng tôi sẽ bàn luận về trách nhiệm của GS và PGS trong việc thu hút NCS, giống kiểu khoán chỉ tiêu. Cao học khó khoán vì tùy ngành nhu cầu khác nhau nhưng sẽ gắn trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trường, khoa chuyên môn, nôm na là có thưởng có phạt, có thể dựa vào đó xét thi đua.

ĐH Huế sẽ có giải pháp quảng bá tuyển sinh tốt hơn, từ trường về đến khoa. Các khoa nắm và liên lạc mạng lưới cựu sinh viên và đây có thể là nguồn đầu vào để tuyển sinh cao học. ĐH Huế có những hỗ trợ chung còn các trường có chính sách riêng, thậm chí họ đi khắp miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để liên kết trong phạm vi cho phép của Bộ.

PGS cho rằng việc gắn trách nhiệm tìm nguồn học viên sau ĐH cho các đơn vị và cán bộ sẽ tạo được sự đồng thuận?

Tôi nghĩ, đây là trách nhiệm chung và các cán bộ, giảng viên có thể cộng đồng trách nhiệm. Nước ngoài và nhiều đơn vị trong nước cũng làm như thế, giữa GS, PGS và NCS phải tự tìm kiếm với nhau để hợp tác. Lâu nay, ĐH Huế chưa làm vấn đề này mạnh nhưng sắp tới có thể họp bàn và triển khai.

Muốn vươn lên ĐH nghiên cứu thì chỉ tiêu đào tạo sau ĐH phải bằng 20 – 30% so với tổng chỉ tiêu ĐH. Vấn đề này ĐH Huế đã có định mức tầm nhìn nên chỉ tiêu đương nhiên phải giữ. Còn vấn đề xã hội phải thay đổi, ai cần đi học rất khó dự báo, nhưng trước tiên mỗi đơn vị, cán bộ đều cần phải nỗ lực hơn trong việc thu hút người học.

Tuyển sinh sau ĐH khó, liệu có tạo ra sự dễ dãi để thu hút người học?

NCS rõ ràng đã có barie nghiêm ngặt. Đối với thi cao học, thực ra chúng tôi làm không hề dễ, thí sinh thi vào ĐH Huế thấy rất nghiêm túc, có ngân hàng đề, không miễn môn thi nào, tức là phải thi 3 môn ngoại ngữ và hai môn cơ sở, chuyên ngành.

Vấn đề hiện nay là phải tạo điều kiện để ôn tập tốt, định hướng tốt cho thí sinh những kiến thức mới mà thí sinh chưa được cập nhật cho các môn thi đầu vào, vì có những em ra trường lâu rồi nên các trường phải cung cấp đề cương tốt, có giảng viên hướng dẫn kiến thức để ôn tập tốt, đó cũng là mong muốn nhất của thí sinh. Quan điểm của chúng tôi là tạo các điều kiện thuận lợi, hợp lý nhất để họ tự tin dự thi và học sau ĐH.

HỮU PHÚC (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top