ClockChủ Nhật, 23/05/2021 15:15
CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO DOANH NGHIỆP:

Nghĩ lớn, làm cụ thể

TTH - Thừa Thiên Huế hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. 98% trong số đó là các DN nhỏ, siêu nhỏ - những đối tượng đang rất cần chuyển đổi số (CĐS) để thích ứng với trạng thái mới của nền kinh tế cạnh tranh hơn.

Thay đổi nhỏ, lợi ích lớnTìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và cùng phát triển

Tìm hiểu về giải pháp số cho doanh nghiệp

Thay đổi không dễ dàng

COVID-19 đã tạo ra cú hích chưa từng có về nhu cầu CĐS của mọi tổ chức, DN. Ngày càng nhiều người Việt Nam chuyển sang nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, nhiều DN và dịch vụ của Việt Nam cũng thực hiện các biện pháp như đẩy nhanh các dự án CĐS và đưa ra các dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu này.

Theo bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khi CĐS, có rất nhiều rào cản mà các tổ chức, DN phải đối mặt, như văn hoá DN, hay tính minh bạch; hoặc buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh cũ, truyền thống để tạo mô hình kinh doanh mới. Bởi, công nghệ sẽ thay đổi toàn bộ cách mà DN vận hành. Nhưng khó khăn lớn nhất là chuyển đổi con người, thay đổi tư duy.

“Đi tắt đón đầu” CĐS cho DN từ cách đây gần 6 năm, Giám đốc Công ty CP Hồng Đức, ông Trần Minh Đức nhìn nhận: “DN muốn CĐS thành công, người lãnh đạo phải thay đổi tư duy, cương quyết, quyết liệt mới làm được. Làm được rồi, cần sự đồng lòng của tập thể cán bộ nhân viên, khi đó, CĐS mới hiệu quả. Thông thường, cái gì mới thì ngại thay đổi. Vì vậy, khi đưa hệ thống mới vào sẽ tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ nhân sự DN”, ông Đức nói.

Kỹ thuật và chi phí cũng là những thách thức mà DN phải đối mặt khi CĐS. DN sẽ cần thời gian và sự đầu tư về tiền bạc, nhân lực để có thể thay đổi cấu trúc nội bộ cũng như hình thành hệ sinh thái mới.

Các DN lớn thuận lợi là có hệ sinh thái, trong khi DN nhỏ, siêu nhỏ chưa có nhiều dữ liệu, kinh phí ít để đầu tư cho nền tảng, từ hệ thống máy chủ, các giải pháp, ứng dụng…

Gia nhập thị trường chưa lâu với sản phẩm trà viên được người tiêu dùng đánh giá cao, có thể xuất khẩu, Giám đốc Công ty Trà Đình viên Lê Hồng Thuỷ chia sẻ, những DN nhỏ, siêu nhỏ như Trà Đình viên rất cần vốn để CĐS. Có vốn mới nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chuyển đổi công nghệ số, công nghệ sản xuất. “Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới được tỉnh tạo điều kiện có cơ hội vay vốn để chuyển đổi công nghệ tân tiến hơn, nâng cao sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như quốc tế”, ông Lê Hồng Thủy bày tỏ.

Chủ DN trong ngành hàng tiêu dùng kể, đơn vị muốn ứng dụng công nghệ để từng bước thay thế mô hình kinh doanh truyền thống, nhưng “qua tìm hiểu, nghe nhà cung cấp giải pháp trình bày, tôi quyết định giữ nguyên cách làm cũ”. Lý do vị này đưa ra là “vì có quá nhiều thông tin, thuật ngữ chuyên môn, nên không dám chi tiền”.

Cụ thể hóa hỗ trợ

Tại Tuần lễ CĐS Huế - 2021 (từ 27-30/4) mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, CĐS là một hành trình chứ không phải đích đến và trên hành trình đó sẽ có vô vàn khó khăn, thử thách.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN Bùi Thu Thuỷ khẳng định, nếu DN không triển khai CĐS, hậu quả sẽ rất lớn. “Bây giờ không phải chuyện DN muốn hay không muốn mà DN phải làm”, bà Thuỷ nói. Hiện Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình hỗ trợ theo ngành, Bộ KH&ĐT có “Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025” nhằm thúc đẩy CĐS trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng lợi thế cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới cho DN.

Mục tiêu của chương trình giúp nâng cao nhận thức về CĐS cho hơn 800 ngàn DN cả nước, trong đó có DN Thừa Thiên Huế; hỗ trợ kỹ thuật cho 100 ngàn DN và hỗ trợ thí điểm 100 DN điển hình về CĐS.

Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành cũng hình thành mạng lưới tư vấn viên; xây dựng sổ tay CĐS với các cách thức, giải pháp hỗ trợ DN CĐS và tổ chức các khoá đào tạo CĐS online cho cộng đồng DN trên cổng thông tin hỗ trợ DN của Bộ. “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai đào tạo về CĐS cho các DN địa phương”, bà Bùi Thu Thuỷ cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Quốc Sơn, tỉnh hiện có 5 dự án trọng điểm đang nghiên cứu đầu tư, gồm: Hệ thống phân tích các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; Nâng cấp hạ tầng đảm bảo nền tảng CĐS; Phát triển hạ tầng IOT phục vụ CĐS và phát triển dịch vụ đô thị thông minh; Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 và Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ hoàn thiện phát triển chính quyền số.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cam kết, trong quá trình CĐS, các cấp chính quyền luôn ủng hộ DN và các chuyên gia sẽ hỗ trợ, chia sẻ những mô hình chuyển đổi, những kinh nghiệm CĐS cho các DN. Bên cạnh thu hút đầu tư công phát triển nền tảng CĐS, tỉnh xây dựng các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS theo 3 hướng trọng tâm: xây dựng hệ sinh thái CĐS, tiến tới thành lập câu lạc bộ CĐS để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn cho DN và triển khai các chính sách hỗ trợ CĐS, tôn vinh các DN của tỉnh tiên phong trong CĐS.

Ngoài ra, tỉnh cũng có các chính sách hỗ trợ DN tham gia các sàn thương mại điện tử, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ cho DN thành lập mới (về chữ ký số, miễn phí chi phí hoá đơn điện tử, hỗ trợ chi phí thuê kế toán)… “Dự kiến hàng năm, tỉnh bố trí khoảng 100 tỷ đồng và đến 2025 là 500 tỷ đồng để phát triển hoàn thiện các hạ tầng triển khai CĐS của tỉnh”, ông Phan Quốc Sơn thông tin.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top