ClockThứ Hai, 22/10/2018 08:28

Nghị lực của cô gái mang căn bệnh xương thủy tinh

TTH - Nhiều năm nay, chị Lê Thị Linh (23 tuổi) ở thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền phải chống chọi với căn bệnh xương thủy tinh.

Dù đau đến đâu Linh vẫn làm hoa giấy phụ giúp gia đình

Trong ngôi nhà nhỏ vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, Linh nằm bất động trên chiếc giường nhỏ, đặt sát tường, bên cạnh là chiếc cửa sổ nhỏ, đủ để ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào giúp chị cảm nhận được ngày và đêm. Linh là con út trong gia đình có 5 anh, chị đều đã lập gia đình.

Rót chén nước mời chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tơ, mẹ Linh chia sẻ: Chưa đầy hai tháng tuổi, hai chân của Linh không thể duỗi thẳng, xương cứ gãy sau mỗi lần va chạm, di chuyển... Mỗi lần như vậy, hai vợ chồng lại bế Linh lên phố cách nhà hơn 40km để được chữa trị. Từ đó, Linh phải chống chọi với căn bệnh xương thủy tinh quái ác khiến xương giòn, dễ gãy mà bệnh chưa có thuốc chữa đặc hiệu.

Qua thời gian, bệnh làm đôi chân của Linh biến dạng. Sau tám năm chạy chữa, bác sĩ yêu cầu phải nằm yên một chỗ, hạn chế di chuyển để không ảnh hưởng tới xương.

Bà Tơ xót xa: “Số lần Linh bị gãy xương nhiều đến nỗi vợ chồng tôi không nhớ hết được. Chỉ cần ngồi lệch tư thế là xương lại gãy, vì thế trong sinh hoạt hằng ngày, tôi phải chăm sóc từng li từng tí để tránh va chạm, rủi ro. Gia cảnh khó khăn, chồng không có nghề nghiệp ổn định, các con đều khó khăn, thuốc chữa trị bệnh xương thủy tinh lại quá đắt và phải điều trị lâu dài nên có lúc vợ chồng tôi phải cắn răng nhìn con đau đớn”.

Cắn răng chịu đựng sau một cơn đau, Linh bộc bạch: “Cứ trở trời, hay cử động là chân em lại đau như hàng ngàn mũi kim châm. Mỗi lần đau, ba, mẹ lại thay nhau chườm nước nóng để em bớt đau. Lúc nào chịu không được thì uống thuốc giảm đau, nhưng không dám uống đều vì em còn đau dạ dày. Nhiều khi em chỉ cắn răng chịu. Không được học hành, không có bạn bè..., nhiều khi em nghĩ, hay mình chết đi, để ba mẹ bớt gánh nặng. Sau này được anh chị dạy chữ, rồi tiếp cận với mạng xã hội, học được cách làm hoa giấy, em thấy yêu cuộc đời hơn. Em cũng quen được những người bạn giống như em, chia sẻ cùng em những khát khao mà chúng em không bao giờ thực hiện được”.

Qua cơn đau, Linh lại mày mò làm những tấm thiệp, làm hoa để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. “Tiền thuốc của em hàng tháng hơn 2,5 triệu đồng, trong khi tiền làm hoa mỗi tháng của em chỉ 300 đến 500 ngàn đồng. Em chỉ mong những cơn đau ít lại để em có nhiều thời gian hơn để làm việc phụ giúp ba mẹ”, Linh ao ước.

Mọi sự giúp đỡ Linh xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Tơ, thôn Nhất Phong, xã Phong Chương (Phong Điền), điện thoại 0354839926; hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế, điện thoại 0914078282; số tài khoản: 4011201000840 tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Trường An, TT Huế (ghi hỗ trợ em Lê Thị Linh, xã Phong Chương, Phong Điền)

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô gái khiếm thị và hành trình du học

Bọn trẻ ở Trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp (GD-HN) trẻ em mù thường kháo nhau, chị Yến Anh giỏi lắm, là người khiếm thị nhưng lại đi du học, rồi tốt nghiệp thạc sĩ bằng giỏi hẳn hoi… Chúng xem Yến Anh như tấm gương sáng để nỗ lực phấn đấu.

Cô gái khiếm thị và hành trình du học
Nghị lực của chị Hàng

Từ một người rụt rè, tự ti, chị Đỗ Thị Hàng (Phú Lộc) đã tìm cho thấy cho mình bến đỗ bình yên. Trên hành trình gian nan ấy, chị đã cùng đồng hành, sẻ chia và tiếp thêm tự tin cho những người chung cảnh ngộ mất đi thị lực.

Nghị lực của chị Hàng
Đêm hội Trăng rằm cho học sinh A Lưới

Tối 8/9 tại Nhà văn hóa xã Hồng Thượng (A Lưới) UBND huyện A Lưới tổ chức chương trình Đêm hội Trăng rằm cho các em học sinh Trường tiểu học Hồng Thượng.

Đêm hội Trăng rằm cho học sinh A Lưới

TIN MỚI

Return to top