ClockThứ Bảy, 02/01/2021 08:27

Nghĩ từ đỉnh Sa Mù…

TTH - Tạm biệt Sa Mù, lại vẩn vơ mơ “ngọn núi ảo ảnh” của Huế sẽ có những vườn lan muôn hồng nghìn tía khoe sắc tỏa hương; những vườn dâu tây, cà chua cherry ngọt ngào thơm lựng;…

Men sông Truồi thăm Thiền viện Trúc LâmSăn ảnh trên đỉnh Bạch Mã

Vườn ly ly chuẩn bị cung cấp cho khách hàng dịp tết

Tết, thiếu gì thì thiếu, nhưng hoa thì nhất định không. Bạn tôi là một tu sĩ Phật giáo. Ông trụ trì một ngôi chùa khá nhỏ và nghèo. Nhưng chọn hoa để dâng cúng thì rất khó tính. Hoa tết được ông chọn thường là lan hồ điệp, bởi ở chùa, lễ lạc thường kéo dài từ trong tết cho đến tận rằm tháng Giêng với nào tất niên, giao thừa đón năm mới, mừng vía đức Di Lặc, các lễ cầu an đầu năm… Chọn hồ điệp nguyên chậu, khoảng chục chậu kết làm một lẵng sẽ vừa đẹp vừa giữ được lâu, đỡ mất công vài ngày phải thay hoa một bận…

Còn nhớ, cách đây độ ba, bốn mươi năm, hồ điệp là loài phong lan ngoại nhập rất quý. Ngày ấy cùng mấy người bạn lên thăm chùa Huyền Không ở thôn Xước Dũ, Hương Hồ (Huyền Không 1), lần đầu tiên nhìn thấy “nữ hoàng của các loài hoa lan” này, ai cũng sững sờ ngây ngất. Nghe rỉ tai giá mỗi chậu như vậy lên tới cả chỉ vàng, mà một chỉ vàng hồi ấy với nhiều người là cả gia sản, chúng tôi nghe mà lùng bùng lỗ tai và càng chiêm ngắm ngưỡng mộ. Nay thì hồ điệp bán quanh năm đầy ngoài thị trường, tết càng được bày bán nhiều hơn nữa, đủ màu, đủ sắc, giá cũng không quá đắt đỏ…

Nhiều nhưng vẫn khó lọt “mắt xanh” ông bạn nhà sư của tôi. Hồ điệp được ông chọn kết phải là loại có chuỗi mập, dài, nhiều hoa và thật sung mãn. Lên thăm chùa, ai nhìn mấy lẵng hoa ai cũng phải trầm trồ. Ông tiết lộ loại hồ điệp ấy phải nhập từ Đài Loan, trong nước chưa vườn nào trồng đạt. Bất ngờ trong chuyến công tác cuối năm, tôi đã bắt gặp những chậu hồ điệp đẹp không thua gì của chùa ông lại được nuôi trồng thành công nơi vùng đất gió Lào nắng bỏng

***

Quảng Trị, nơi được xem là “chảo lửa” của miền Trung. Miền đất mà ai đến cũng thường đều trong tâm thế hành hương về với chiến trường xưa để tưởng niệm, để dâng lên anh linh các anh hùng liệt sĩ nén nhang của lòng tri ân. Phối hợp tham quan thì chủ yếu là lên Lao Bảo thăm khu cửa khẩu, mua sắm hàng Thái… Vậy mà chuyến công tác cuối năm đến đây, tôi lại được mời đi xem… phong lan.

Thoạt tiên là cảm giác hơi ngạc nhiên, bởi lan nào sống và phát triển nổi với khí hậu khắc nghiệt như Quảng Trị? Vậy nhưng đó là chuyện nghiêm túc. Lan “made in Quảng Trị” 100%, từ ươm cấy mô tạo giống cho đến nuôi dưỡng, phát triển, xuất bán... Tất tật đều ngay trên đất Quảng Trị.

Lan hồ điệp khoe sắc trên đỉnh Sa Mù

Từ thành phố Đông Hà, theo Quốc lộ 9 ngược lên hướng tây khoảng 120km, trại hoa lan tọa lạc ở khu vực đèo Sa Mù thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Sa Mù cao so với mực nước biển hơn 1.000m, với bình độ như vậy nên nơi đây khí hậu thường rất mát mẻ.

Năm 2016, tỉnh Quảng Trị giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ) xây dựng dự án nghiên cứu, thử nghiệm các loài hoa ôn đới. Dự án được lập, bảo vệ và đã rất nhanh chóng được tỉnh ủng hộ, “chưa có bất kỳ dự án nào được ủng hộ, thông qua nhanh đến như thế”- theo ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm. Không phụ lòng tin tưởng của tỉnh, với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, trung tâm tích cực khởi động ngay. Việc san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà lưới, nhà kính… lần lượt nên vóc nên hình. Đầu tháng 8/2018 khu nghiên cứu rộng 7ha hoàn thành. Lan hồ điệp, ly ly, tulip, dâu tây, cẩm tú cầu, cà chua cherry… được đưa vào thử nghiệm và đều cho kết quả rất tích cực. Đặc biệt là lan hồ điệp, không dừng ở nghiên cứu nữa mà rất nhanh chóng đã trở thành hàng hóa. Hàng chục ngàn chậu với sức sống sung mãn, sắc hoa tươi tắn rạng rỡ không cần phải “mang ra chợ” vẫn ngay tại chỗ cháy hàng.

Lúc chúng tôi đến, trại lan Sa Mù đang có đến hai vạn rưỡi chậu hồ điệp với nhiều màu sắc khác nhau: Trắng, vàng, hồng, tím, cam… Những ngồng hoa dù mới chỉ nở bông đầu tiên, nhưng tôi ướm đo đã dài đến cả mét, đường kính hoa cả 10cm, so với những chậu hồ điệp ở ngôi chùa mà đầu bài tôi đã kể có vẻ không hề  thua kém, đâu cứ gì phải nhập từ Đài Loan?!! Hỏi giá, Giám đốc Đào Ngọc Hoàng cho biết 80.000đ/chậu, bán sỉ. Và hiện cung không đủ cầu. Khách hàng không chỉ có Quảng Trị mà cả từ Đà Nẵng, Huế, Nghệ An… cũng đã nghe tiếng gọi điện đặt hàng. Dịp tết, hàng có khi đã được đặt hết từ đầu tháng 12.

Điều quan trọng là trung tâm hiện đã chủ động sản xuất được nguồn giống tại chỗ bằng việc nuôi cấy mô, cứ liên tục gối vụ, lứa này xuất bán lập tức đã có lứa khác thay thế. Việc sản xuất cũng đã được tự động hóa hầu hết nên tiêu tốn rất ít nhân công. Khách du lịch trong và ngoài tỉnh biết tiếng cũng tìm về tham quan, check-in rộn rã khiến đỉnh Sa Mù vốn lạnh lẽo trở nên tươi vui, ấm áp…

***

Rời Sa Mù quanh co đèo dốc, hun hút quãng đường hơn trăm cây số trước mặt nữa mới về tới Đông Hà phố thị. Vùng đất một thời mịt mù đạn bom khói lửa nay đã xanh mướt những vườn cây, những trung tâm huyện lỵ, những cụm dân cư nhà cửa san sát đông vui. Mừng cho dân mình, mừng cho Quảng Trị anh em đã bước sang trang mới.

Thế rồi lại vẩn vơ nghĩ về Huế thương quê mình, về ngọn núi huyền thoại mang tên Bạch Mã. Cũng bình độ tương đương và có khi còn hơn cả Sa Mù. Khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm. Nhưng ưu điểm là từ Huế về, từ Đà Nẵng ra và leo lên tận đỉnh thì đoạn đường cũng chỉ có trên dưới 50 cây số. Đây là khu nghỉ dưỡng, khu du lịch nổi tiếng có gần cả trăm năm nay. Không ít doanh gia từng ngắm nghía muốn đến đầu tư. Nhưng vì đẹp quá, quý và nổi tiếng quá nên các ý tưởng đề xuất đều “bị” soi, “bị” cân nhắc rất kỹ, vậy nên cơ bản là chưa có dự án nào khởi động.

Những vườn lan 4.0 như ở Sa Mù, dùng nước tự chảy, sử dụng năng lượng mặt trời, hạ tầng nhà xưởng tác động chẳng đáng kể đến môi trường; công nghệ thì lực lượng cán bộ kỹ thuật của Huế có lẽ không thiếu, hoặc nếu… “lười” nữa cứ cắp cặp ra học bạn. Thừa sức để “ngọn núi ảo ảnh” của Huế có những vườn lan muôn hồng nghìn tía khoe sắc tỏa hương; những vườn dâu tây, cà chua cherry ngọt ngào thơm lựng;… Đó trước hết là kinh tế, bởi chỉ riêng Huế thôi, thị phần cho hoa đang còn rất lớn. Cứ xem các nhà vườn nhập hoa bán tết nườm nượp mỗi năm thì rõ. Sau nữa, sẽ tạo thêm sản phẩm hấp dẫn cho du lịch Bạch Mã- nơi mà cho dù chưa đầu tư nhiều vẫn đã thu hút không ít du khách từ nhiều nơi tìm đến mỗi dịp hè về.

Khó như vùng “chảo lửa” Quảng Trị, bạn còn làm được. Huế mình, tại sao lại không?

Bài, ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
500 runner tham gia giải chạy “Bạch Mã Mountain Trail 2024”

Hưởng ứng Ngày động, thực vật hoang dã thế giới, sáng 3/3, tại Vườn Quốc gia Bạch Mã diễn ra giải chạy “Bạch Mã Mountain Trail 2024”, với sự tham gia của khoảng 500 runner, chinh phục những cung đường tuyệt đẹp xuyên giữa núi rừng Bạch Mã.

500 runner tham gia giải chạy “Bạch Mã Mountain Trail 2024”
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao
Mưa rơi qua Vọng Hải Đài

Một ngày mùa hè đẫm mưa, tôi đã có mặt trên Vọng Hải Đài. Những cơn mưa xuyên qua không gian từ sâu thẳm trời xanh, đổ xuống thành thác vang lên muôn ngàn giọt ngân nga như tiếng huyền cầm ai đem ra đổ nhạc. Đó là ngày mưa tôi chưa bao giờ được mưa trong đời, khi chỉ kịp trùm vội tấm bạt nilon trắng lên chiếc võng lắc lư giữa rừng già, cuộn chặt mình như con sâu trong tấm võng, căng mắt nhìn ra màn trời trắng xóa thinh không. Cố tìm xem, có giọt mưa nào rơi về từ huyền sử.

Mưa rơi qua Vọng Hải Đài
Return to top