ClockChủ Nhật, 26/12/2021 13:48

Nghĩ về cây mưng

Cây mưng là loài cây thường chỉ mọc ở ven ao hồ, đầm bãi. Tán cây như chiếc dù khổng lồ xanh giữa cánh đồng quê. Cây có mặt ở chốn đồng quê để tỏa bóng, che chở cho những người dân một nắng hai sương, làm nên chỗ nghỉ ngơi êm dịu sau những giờ làm lụng đẫm mồ hôi dưới trời nắng gắt. Cơ hồ như vì thương nỗi đồng quê nhọc nhằn, trầm lắng nên cây gọi chim về hót, gọi trâu về tắm. Đôi khi như sợ người quên lãng, cây bừng nở. Dâng thành triền đỏ thắm. Nghiêng trời. Rồi rơi rơi... như máu rỏ. Hoa có hương vị mồ hôi muối trên áo người nông dân. Có mùi trâu đằm ngoài đồng bãi...

Bên hàng xóm nhà tôi, có người vợ, đợi khi chồng đi vắng, chị đem dao kéo cắt hết hoa, lấy cây gậy đập cho rơi hết những triền thắm ở trên cao. Vì một nỗi hương vị của hoa luôn khiến chị đau đầu bất an. Tương tự như câu chuyện về cây hoa sữa. Nhiều người đọc thơ ông Hải Như, nghe nhạc ông Hồng Đăng đem hoa sữa về trồng suốt dọc phố. Cuối tháng 10, khi trăng đầu đông gọi trăng mùa thu, cả phố say lử vì hương cây quá nồng. Thế là thành “đao phủ”, ngả hết bao đời cây. Nhựa ứa ra - những giọt nước mắt cây. Oan uổng. Kệ!

Thế đó, cái đẹp đặt không đúng chỗ nhiều khi thành bi kịch. Bi kịch của những người cuốn theo thời thượng. Họ yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp mà không thấu hiểu tình cây.

Chỗ ở của cây mưng trong mỗi ngôi nhà ở Huế có lúc lên ngôi chủ, người ta tin rằng cây đem thịnh vượng cho gia chủ. Xưa trong những nhà vườn Huế, sau vị trí độc tôn của cây mai vàng, là nơi ngụ cư của rau vườn bốn mùa tươi tốt. Là những cây vả, khóm thơm, rau bồ ngót, cây lá lốt mọc thành triền. Rồi đến cây nhãn, cây mít, cây khế, cây đào, cây hồng, vú sữa, măng cụt... Toàn những loại cây trái gần gụi, cần thiết nuôi người. Gió thơm. Ong đến làm mật. Người xưa nói: “Tấc đất, tấc vàng” chớ đâu có xa xỉ, hoang phí. Bởi thế, trồng cây không chỉ vì đẹp mà còn phải có ích, khai thác, tận hưởng cho bằng hết lộc cây, lộc đất. Đẹp mà hạn chế ích lợi, thậm chí không có ích thì rất xa xỉ, rất hình thức.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi, cây mưng (người Hà Nội gọi là lộc vừng) vì sao lại rất đẹp ở Hồ Gươm giữa thủ đô Hà Nội?

Rồi tự tìm cách lý giải khá thú vị rằng, người nông dân Lê Lợi, sau chiến thắng giặc Minh, về phố, trả lại gươm thần cho rùa vàng, đất nước thanh bình, lên ngôi vua đã chọn loài cây bừng quê Thanh đặt vào phố. Từ đó mà cây bừng được mang tên mới. Ký ức làng sâu nặng trong tim vua Lê Thái Tổ đã nở thành hoa lộc vừng chăng? Có phải vì thế mà lộc vừng ở Hồ Gươm mang dáng rồng thiêng?

Có thể chứ. Nhưng dù suy tưởng của tôi là đúng hay chưa đúng thì tôi luôn có niềm tin rằng, ai làm nên bài thơ đô thị cũng đều bắt đầu ở tấm lòng với con người và hồn cây xứ sở. Nghệ thuật mà xuất phát từ tấm lòng, luôn xứng đáng là nghệ thuật bậc thầy. Nhờ thế mà những thế hệ đến sau được đọc những trang sử viết bằng cỏ cây đất nước, thấm đẫm tâm tình của tiền nhân. Tôi nghĩ thế, tin thế. Và, tôi bỗng nhớ cái cách GS. Trần Quốc Vượng khi nói về Hồ Gươm, ông từng vẽ vòng cánh tay vào không gian, khẳng định: “Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...”

... Tôi cũng không muốn con người bây giờ nông nổi, vì cái đẹp nhất thời mà bứng hết những loài cây từ đồng quê về phố. Tôi không muốn cây mưng - vẻ đẹp khoáng đãng, nhân hậu, hồn vía của đồng quê, bị biến thành cái đẹp thừa thãi, vô duyên nơi phố thị chật hẹp, bị đối xử “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Cây mưng trong tôi là loài cây thảo dân, là tâm hồn đồng bãi. Tôi muốn chúng được trả về tỏa bóng nơi đồng bãi, như cái cách của tổ tiên cây đã làm với người nông dân. Để lại phần đất hiếm hoi trong phố thị cho rau xanh, cỏ hoa gần gũi, thân thiết.

Tôi cũng mong trong các khu vui chơi cộng đồng, trong các trường học, những công sở sẽ lại mát xanh những loài thảo hoa dịu dàng, xinh tươi, nơi có không gian rộng rãi, những cây quả kiên ngoan đẫm hương xứ sở lại tỏa bóng mát, hương thơm, trái ngọt để thiên nhiên, con người xứ Huế thêm trù phú, mến yêu.

PHƯỢNG CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại

TIN MỚI

Return to top