ClockChủ Nhật, 28/05/2017 09:31

Nghĩ về chuyện “cả nhà làm quan”

TTH - Thời phong kiến, khi quyền lực tập trung vào một hoặc một số người thì chúng ta không bàn đến làm gì. Đáng bàn là thời đại dân chủ vẫn còn mà vẫn còn tình trạng “cả họ làm quan”.

Bộ Nội vụ công bố kết luận kiểm tra về việc bổ nhiệm “người nhà làm quan”. Ảnh: Dangcongsan.vn

Thời gian gần đây, báo chí “rộ” lên chuyện “cả gia đình làm quan”.

Đọc những thông tin xuất hiện “khá dày” như thế, người ta có cảm giác rằng chuyện này bây giờ mới xảy ra, hoặc xã hội bây giờ mới quan tâm. Thật ra tình trạng này có từ lâu, thậm chí rất lâu rồi. Từ xa xưa ông cha ta chẳng phải đã từng nói: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa”. Gần hơn nữa thì có: “Một người làm quan cả họ được nhờ”.

“Quan chức” chỉ là một cách nói dân gian. Còn trong văn bản hành chính thì ghi nhận các chức danh, ví như  “Cán bộ trung cao cấp” – là chỉ những người có quyền hành trong bộ máy nhà nước. Còn dân thì quan niệm, hễ những người đã làm ở khu vực nhà nước là “cán bộ” - cán bộ nhà nước. Họ ít biết và cũng chẳng quan tâm đến khái niệm “công chức, viên chức”, cũng là một người như mọi người, làm công ăn lương, thực hiện một nhiệm vụ nào đó của Nhà nước.

Gọi gì thì thời nào cũng có người có quyền hành để điều hành tổ chức, xã hội.

Thời phong kiến, khi quyền lực tập trung vào một hoặc một số người thì chúng ta không bàn đến làm gì. Đáng bàn là thời đại dân chủ vẫn còn mà vẫn còn  tình trạng “cả họ làm quan”. Hiện tượng này cho thấy, tư tưởng phong kiến còn in dấu rất đậm tại không ít nơi trong bộ máy chính quyền trong thời đại ngày nay. Cha làm “quan to” thì bằng cách nào đó tác động để con làm “quan nhỏ ”, dâu rể anh em họ hàng làm “quan nhỏ hơn”. Có vẻ như đây là một cuộc “giằng co” giữa hai tư tưởng dân chủ và phong kiến. Ở những nơi nào tư tưởng phong kiến “thắng thế” thì tình trạng “cả nhà làm quan” xảy ra. Cái khó giải quyết tận gốc vấn đề là ở chỗ, tư tưởng rõ là phong kiến nhưng lại được bao bọc “rất tinh vi” bởi hình thức dân chủ .

Thật ra ở đây cũng nên nhìn nhận công bằng là, họ hàng thân thích của những người có chức, có quyền cũng có quyền và nghĩa vụ công dân như mọi người, nghĩa là họ làm được tất cả những gì pháp luật, những quy định không cấm. Ví dụ như họ làm cán bộ quản lý, thì hãy nên xem xét ở khía cạnh năng lực, đạo đức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Sẽ không công bằng nếu chỉ nhìn “hiện tượng”.

Tuy nhiên, đến đây thì có một vấn đề cần lý giải, đó là có hay không việc tạo ra tính khách quan, công bằng trong cơ hội thăng tiến (ở đây là cán bộ quản lý) cho mọi người.

Rất nhiều nơi khi dư luận nêu tình trạng trên, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phần lớn là thực hiện “đúng quy trình”. Cũng dễ hiểu, bởi cái quy trình về “công tác cán bộ” của chúng ta có những quy định hết sức chặt chẽ, từ tiêu chuẩn bằng cấp, quá trình công tác, chất lượng công việc… Việc đáp ứng những tiêu chuẩn này đối với một người không phải là quá khó trong điều kiện hiện nay. Vấn đề là vì sao người này được chọn mà không phải là người nào khác. Có thể lý do nó nằm ngoài những quy định, nhưng đôi khi lại là yếu tố “quyết định”, đó là ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Nếu những lãnh đạo không công tâm, khách quan thì những ý muốn của họ trong việc chọn người, rất dễ “cài cắm”. Có thể bằng những “gợi ý bóng gió”, bằng cái mà người ta thường gọi là “ê kíp”…  để tác động vào từng khâu trong quá trình làm công tác cán bộ từ quy hoạch, bồi dưỡng đào tạo, đề bạt. Những quy định dù có chặt chẽ đến bao nhiêu cũng khó mà điều chỉnh hết mọi hành vi của con người. Ví dụ như một câu bóng gió của người lãnh đạo “Thằng A nó được đấy chứ…”. Những gợi ý đại loại như vậy khó có thể nói là vi phạm quy định, nhưng thường được xem như những gợi ý có sức ảnh hưởng rất lớn đến “lá phiếu”.

Có hai tác động để điều chỉnh một hành vi. Thứ nhất là quy định (trong đó có luật) và dư luận xã hội. Trong công tác cán bộ, những quy định được ban hành đầy đủ nhưng vẫn không điều chỉnh được hành vi (cả gia đình làm quan) thì chính lúc này cần đến “công cụ” – dư luận xã hội. Phải chăng báo chí nêu nhiều tình trạng này trong thời gian gần đây là đang thực hiện chức năng “dư luận xã hội" để điều chỉnh hành vi? Điều này rất nên khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho dư luận xã hội thực hiện tốt chức năng của mình.

Tình trạng “cả nhà làm quan”, hay nói khác đi là một người làm lãnh đạo, bằng sự tác động dưới các hình thức nào đó để những người khác thân quen cùng làm lãnh đạo là một hiện tượng không bao giờ mất đi trong xã hội. Bởi đã là lãnh đạo thì có quyền lực. Đã có quyền lực mà nếu thiếu kiểm soát sẽ có lạm dụng quyền lực. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, cùng với việc ban hành những quy định chặt chẽ, hướng đến sự công bằng, hợp lý, chúng ta phải đẩy mạnh sự giám sát của xã hội thông qua dư luận xã hội. Đây là một công cụ hết sức quan trọng để điều chỉnh hành vi con người.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi

Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: “Tùy ba mẹ!”, trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Chuyện người đàn ông làm bánh Huế

Xưa nay chuyện bếp núc, nhất là làm các món bánh, mứt đòi hỏi đôi bàn tay mềm mại khéo léo nên đa phần do người phụ nữ đảm trách. Ấy thế nhưng lại có một chàng trai theo đuổi đam mê này, đó là Trần Thanh Quang, một nghệ nhân trẻ năm nay 45 tuổi, là chủ nhân một quán trà, bánh, mứt khá “chất” ở Huế.

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế
Chuyện chiếc chìa khóa

Cậu bé điều khiển chiếc xe cup 50 vào cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) để đổ xăng.

Chuyện chiếc chìa khóa

TIN MỚI

Return to top