ClockChủ Nhật, 29/05/2016 12:28

Nghĩ về tính liên kết

TTH - Cách đây đúng một tuần, tại Đà Nẵng, ngành du lịch ba tỉnh Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam đã cùng ký biên bản thỏa thuận sử dụng thương hiệu điểm đến chung với tên gọi “The Essence of Vietnam” (Tinh hoa đất Việt), đánh dấu bước tiến mới trong chuỗi liên kết du lịch của ba tỉnh, đã được xúc tiến, xây dựng trong nhiều năm qua.

Dù lộ trình thực hiện đang được các bên xúc tiến xây dựng nhưng việc có thương hiệu điểm đến chung, ba địa phương rõ ràng sẽ có tiếng nói chung, sự hợp sức chung trong hoạt động tạo sản phẩm, tổ chức xúc tiến, quảng bá (marketing) - một khâu quan trọng trong phát triển du lịch. Với Huế, hướng đi chung này chắc chắn sẽ là cơ hội tốt trong thúc đẩy quảng bá du lịch của địa phương vốn còn nhiều khó khăn, chưa thể vươn xa trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, nhân lực khiêm tốn.

Câu chuyện liên kết du lịch (không chỉ trên phương diện markettin) cũng đang là vấn đề nóng trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt khi hội nhập khu vực, quốc tế ngày càng sâu rộng. Như nhận định của T.S Trần Du Lịch (T.P Hồ Chí Minh) là nếu không liên kết, để địa phương nào cũng tự phát thì sẽ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước ASEAN.

Về liên kết, ba tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế đã có những khởi động khá sớm, cách đây hàng chục năm, bắt đầu từ tour “Con đường di sản miền Trung”. Hội tụ đầy đủ các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất của du lịch Việt Nam tại khu vực (lịch sử văn hóa, các di sản, thiên nhiên, biển đảo, đô thị), sự liên kết là giải pháp cần thiết giúp ba  địa phương phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả, tạo điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền, giúp tiết giảm chi phí.

Các chương trình liên kết đã đem lại hiệu qủa thấy rõ. Riêng năm 2016, ngoài ký kết biên bản thỏa thuận sử dụng thương hiệu điểm đến chung, một loạt hoạt động đang được ba địa phương xúc tiến như tổ chức roadshow tại CHLB Đức, tham gia hội chợ du lịch tại Nhật Bản vào tháng 9 tới; xúc tiến mở hai đường bay mới: Bangkok–Đà Nẵng, Osaka–Đà Nẵng; tổ chức đón các đoàn fam trip quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Nga...); làm phim giới thiệu du lịch ba địa phương...

Những giải pháp toàn diện hơn trong liên kết, phát triển du lịch cũng được đặt ra như tiến hành xây dựng bộ thông tin chung về du lịch vùng nhằm tổng hợp và cập nhật thông tin chung, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách liên kết vùng; tổ chức các khóa đào tạo tiếng Nhật, Trung, Hàn để phục vụ khách từ thị trường Đông Bắc Á... Ngành du lịch Huế cũng đã khởi động, tăng cường các kênh hợp tác khác như mở các đường bay thẳng mới đến Huế, tổ chức các đoàn famtrip hai chiều trong nước đến các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Tây, sang Thái Lan...

Tuy nhiên, trong tốc độ phát triển chung, du lịch Huế đang có xu hướng chững lại. Theo số liệu thống kê, năm 2015 Huế đón 3,12 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 2.985 tỷ đồng. Trong khi Đà Nẵng đón 3,4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 12.768 tỷ đồng. Số khách du lịch đến Huế năm 2015 cũng thấp hơn Quảng Nam (3,8 triệu lượt).

Để bảo đảm phát triển ổn định và có bước phát triển cũng như ngăn chặn nguy cơ tụt hậu trong xu thế cạnh tranh điểm đến, du lịch Huế cần có những giải pháp tốt,  đặc biệt là giải pháp liên kết để xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực... Bên cạnh chủ động mở rộng, tăng cường liên kết ngoài, ngành du lịch tỉnh cần tăng cường liên kết tại chỗ, tức ngay trên địa bàn tỉnh. Liên kết giữa vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân. Mối liên kết này cần phải có một nhạc trưởng thực sự; những cơ chế, chính sách cụ thể bởi thiếu sự liên kết chặt chẽ trong hoạt động du lịch ở Huế đang là thực tế  hiện nay.

NHẬT NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top