ClockThứ Sáu, 23/11/2012 13:55

Nghĩa tình sinh viên

TTH - Tôi về Huế làm nghề dạy học tính đến nay cũng đã gần 35 năm. Từ mấy chục năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), là tôi lại nhận được hàng chục bức thư của các cựu sinh viên từ nhiều nơi gửi về chúc mừng, thăm hỏi.

Các sinh viên đang học tập, sinh sống và làm việc ở Huế, rất nhiều em đến tận nhà để tặng hoa, để trò chuyện thân tình cùng chúng tôi. Nhiều lần tôi cũng nhận đượcnhững món quà ân nghĩa từ các anh chị em sinh viên. Tôi coi đó là những kỷ niệm đẹp trong đời dạy học của mình. Cách đây đã lâu, một sinh viên quê ở Quảng Nam, sau kỳ nghỉ hè đã mang đến tặng tôi mấy củ khoai Trà Đỏa, một loại khoai ngon nổi tiếng của địa phương. Em nói với tôi những củ khoai này do chính bố mẹ em trồng trên đất ruộng pha cát… Một sinh viên ở Thanh Hóa, sau khi ra trường, về dạy ở Quảng Xương, lĩnh tháng lương đầu tiên, em đã mua 2 chiếc áo, một kính tặng cha, một kính tặng thầy… Những món quà như vậy, với tôi thật giàu ý nghĩa.

Minh họa: Hương Trà

Lúc mới bước chân vào trường sư phạm, tôi đã nghe nhiều người nói: Nghề dạy học là nghề chở đò đưa khách qua sông. Khách qua sông rồi thì không mấy người nhớ đến bến cũ, người xưa. Nhưng tôi thì lại thấy không phải ai cũng vậy. Sinh viên các thế hệ ở Đại học Huế, giờ đây nhiều người đã trở thành đồng nghiệp cùng trường, cùng khoa với chúng tôi, nhiều người đã công thành, danh toại, đã có học hàm, học vị, có chức vụ cao từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương. Không ít người là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, là nghệ sỹ danh tiếng của nước nhà… Nhưng không phải vì vậy mà họ sớm quên những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường đại học. Được gặp lại nhiều cựu sinh viên trên nhiều tỉnh, thành của đất nước: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang v.v… người đang làm nghề cầm phấn cũng như người đã chuyển sang làm các công việc khác để mưu sinh…, chúng tôi vẫn luôn thấy ở họ đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”… Thật là cảm động biết bao khi được biết không ít sinh viên ra trường đã lâu, trên đường đi công tác, dù chỉ dừng lại ở Huế trong một khoảng thời gian rất ngắn mà vẫn tranh thủ từng phút, từng giờ đến tận nhà gặp gỡ, chào hỏi các thầy cô giáo mà họ đã từng được học.

Nghĩa thầy trò chúng tôi còn thấy rõ trên nhiều việc làm, nhiều cách ứng xử rất đẹp của anh chị em sinh viên. Một cô giáo bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày ở bệnh viện, một thầy giáo mất vì tuổi già, sức yếu đã được nhiều sinh viên tới bệnh viện, tới nhà cùng với gia đình các thầy cô chăm sóc, lo toan mọi việc chẳng khác gì con cháu ruột thịt.

Nghĩa tình sinh viên một mặt được thể hiện ở đạo nghĩa thầy trò, mặt khác lại nằm ở nghĩa bè bạn. Học cùng lớp, cùng trường với nhau trong mấy năm trời, sinh viên đã tạo được sự gắn kết bạn bè rất bền chặt, rất lâu dài. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường họ giúp nhau học hành, chia sẻ với nhau từng đồng tiền, bát gạo, tấm áo lúc khó khăn, thiếu thốn. Chẳng may có bạn gặp trắc trở trong việc riêng tư, việc gia đình thì tập thể lớp và bạn bè thân thích cùng chung tay, góp sức nâng đỡ, làm chỗ dựa giúp cho bạn có thể trụ vững trong cuộc sống. Chúng tôi đã từng biết nhiều sự việc rất cảm động trong cách ứng xử với bè bạn của sinh viên. Rồi nữa, khi tốt nghiệp ra trường, đi công tác ở bốn phương trời, trong nước có, ngoài nước có, nhiều người vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với bạn cũ, người xưa… Không ít “Hội đồng môn” đã tổ chức được các buổi gặp gỡ rất thân tình nhân kỷ niệm lần thứ 10 hoặc 15, 20 năm ngày họ tốt nghiệp. Không ít lần tôi được dự những cuộc gặp gỡ này của các cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Huế. Tôi thấy tình bè bạn ở họ sao mà chân thành, mà đằm thắm đến vậy. Đặc biệt anh chị em đã dành tất cả sự ưu ái của nghĩa tình giữa con người với con người cho những người bạn không may gặp hoạn nạn hoặc gia đình họ có bất trắc về việc này, việc nọ… Dưới đây, tôi xin được kể lại một câu chuyện nhỏ về nghĩa bạn bè của sinh viên mà tôi được chứng kiến và tôi cũng thầm nghĩ rằng: chuyện này, việc này không phải ở đâu cũng có.

Năm 1985, mới ra tết được mấy ngày, một nữ sinh viên của Khoa Ngữ văn (ĐHSP Huế), quê ở Quảng Bình không may bị mất trên dòng sông Hương. Tập thể lớp của bạn đó, hợp lực cùng khoa và gia đình đã lo toan rất chu đáo, đưa thi hài của bạn về mai táng ở quê nhà. Từ ngày ấy đến nay, suốt 27 năm qua, cứ vào tối mồng 8 tháng giêng hàng năm, anh cựu lớp trưởng Lê Ngọc Hùng cùng với cô giáo Trang (vợ anh) và một số bạn bè cũ đang công tác, sinh sống ở Huế, Phong Điền, Quảng Điền… như các anh chị: Hà, Nguyệt, Lai, Lan, Trắc, Quang, Yến, Cảnh, Đô… đã đến bờ Nam dòng Hương Giang làm lễ giỗ cúng người bạn xưa đoản mệnh. Mong muốn của các anh chị là để tưởng nhớ người bạn cũ và cũng để an ủi được phần nào cha già, mẹ yếu của bạn. Nghĩa cử này thật cao cả, thật đẹp đẽ biết bao.

Viết về nghĩa tình của sinh viên đối với thầy cô giáo và đối với bạn bè thật khó mà nói hết mọi điều, mọi chuyện, khó mà nêu hết tên sinh viên mà chúng tôi hằng quý mến, yêu thương. Tôi chỉ xin được nói rằng: Cũng như nhiều thầy cô giáo khác, chúng tôi thật là hạnh phúc khi được sống, được làm việc ở những nơi mà đạo thầy trò, nghĩa bạn bè luôn được coi trọng, đề cao…

Trần Hoàng

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên làm thêm ngày tết

Những ngày tết, thay vì đi chơi, du xuân cùng bạn bè và người thân, nhiều sinh viên quyết định chọn đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

Sinh viên làm thêm ngày tết
Return to top