ClockThứ Năm, 24/07/2014 09:54

Nghĩa tình tháng Bảy

TTH - Những ngày tháng 7 này, tôi thấy nhiều hơn những chuyến xe chở các cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa. Tại các địa danh lịch sử như Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn... mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến viếng. Trong dòng người đó, bên cạnh những cựu binh già ngực gắn đầy huân huy chương còn có các mẹ, các chị, đoàn viên thanh niên, thiếu niên... Tất cả một lòng thành kính tri ân.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng khắc khoải về mất mát hy sinh thì chưa bao giờ nguôi ngoai, nhất là với những người từng vào sinh ra tử. Với tôi, dù đã 26 năm trôi qua vẫn không thể nào quên về những đồng đội đã hy sinh. Đó là mùa hè năm 1988, đơn vị tôi (Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư 325) nhận nhiệm vụ ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Đại đội chúng tôi chốt giữ đồi Cô Ích, một trong những địa điểm gần địch nhất. Thời điểm đó, địch không còn tấn công bằng bộ binh, mà thường xuyên bắn phá vào trận địa bằng pháo tầm xa, cối các loại.

Thậm chí địch dùng cả các loại súng phòng không 37ly, 12ly7, hoặc DKZ (súng chống tăng, diệt lô cốt) đặt trên điểm cao 1.250 bên kia sông Lô bắn thẳng vào trận địa. Khi đó, tôi là tiểu đội trưởng, phụ trách hầm đôi gồm 7 người. Hầm chúng tôi nằm trên đỉnh đồi, được coi là vị trí tiền tiêu của tiền tiêu, bởi là nơi gần địch nhất và cũng chịu pháo địch nhiều nhất. Ban ngày, chúng tôi rút vào hầm trong lòng núi nghỉ ngơi, giao trận địa cho phía sau quan sát. Ban đêm lại thay nhau gác, vừa đề phòng thám báo địch xâm nhập, vừa nghe ngóng cảnh giới nếu địch bắn phá vào trận địa, đường tải lương của trung đoàn thì kịp thời cảnh báo để các đơn vị ẩn náu an toàn. Hơn 8 tháng giữ chốt Cô Ích, hầm chúng tôi có 1 trường hợp hy sinh, 1 bị thương. Tôi áy náy mãi về trường hợp của Chiến, người ở Gia Lâm (Hà Nội). Chập tối hôm đó là ca trực của tôi, trời có giông. Tuy có nghe tiếng ầm ì như sấm đất từ dãy Răng Cưa ở sâu trong đất Trung Quốc vọng lại, nhưng do mới tiếp nhận chốt, chưa nắm được địa điểm đặt các khẩu cối, quy luật bắn và cách nhận biết khi địch bắn, tôi đã không kịp thời cảnh báo cho mọi người ẩn nấp. Chiến bị thương ở gần mắt khi đang đứng ngoài cửa hầm...

Trường hợp hy sinh của Cao Xuân Khái (quê Tĩnh Gia, Thanh Hoá) thì tôi không thể nào quên. Chúng tôi ở trên đỉnh đồi, mỗi ngày cử hai người luân phiên nhau xuống sông tắm rửa và lấy nước phục vụ sinh hoạt chung của cả hầm. Chập tối hôm đó, đang trực ở cửa hầm, thấy mọi người tranh cãi nhau, Khái đã xin được đi lấy nước. Tốp lấy nước của các hầm khác lên trước, Khái do đổi gác ra chậm, chạy sau. Đúng lúc đó một loạt đạn 12 ly 7 bắn thẳng vào trận địa. Có lẽ do tốp đi lấy nước hơi sớm, trời còn sáng nên bị địch phát hiện. Khi địch ngưng bắn, chúng tôi truyền xuống dưới hỏi, nhưng không ai thấy Khái. Biết có chuyện chẳng lành, đơn vị cử người men theo đường lấy nước và tìm thấy Khái gục ngã ven đường, phần bụng bị đạn 12 ly 7 xé toang. Hầm chúng tôi hôm đó lặng đi, chẳng ai nói với ai câu nào, chẳng thiết ăn uống. Riêng tôi cứ bị ám ảnh mãi về vệt máu nhuộm đỏ những mảnh đá vôi bị pháo tả tơi, sáng loà trong ánh tà dương... Khái được đưa về chôn cất ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. Từ đó đến nay tôi luôn khao khát có dịp trở lại thăm căn hầm mình từng chốt giữ, thăm hang Dơi, ngã ba Thanh Thuỷ, cầu Sập, Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên để thắp cho Khái và những đồng đội đã hy sinh một nén nhang...

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các đoàn thể, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân có nhiều việc làm thiết thực để chăm sóc người có công với nước, tri ân những anh hùng liệt sĩ. “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Sự tri ân đó xuất phát từ tấm lòng và được thực hiện một cách tự nguyện, từ việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, tu sửa nghĩa trang đến chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công... Tôi rất tâm đắc với tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngày kỷ niệm của các ngành chỉ tổ chức các năm chẵn để tránh lãng phí, nhưng với Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7) thì không có khái niệm năm lẻ, năm nào cũng phải được tuyên truyền, tổ chức tri ân thật tốt, thiết thực.

Tuy nhiên, với một đất nước trải qua mấy cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài còn biết bao trường hợp vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan đến nay công lao, đóng góp to lớn của họ vẫn chưa được ghi nhận, tôn vinh, đền đáp xứng đáng. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người có công, khắc phục những sai sót, tiêu cực, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội.

Với khoảng 4,8 triệu người trong diện rà soát toàn quốc (riêng Thừa Thiên Huế có trên 35 nghìn đối tượng) thì đây là cuộc tổng rà soát có qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Trách nhiệm này không chỉ đặt nặng trên vai các cơ quan quản lý Nhà nước, mà cần sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể. Nếu chúng ta không làm hết trách nhiệm, để sót các đối tượng có công là có tội với những người đã hy sinh để chúng ta có cuộc sống hoà bình, hạnh phúc hôm nay.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top