ClockThứ Tư, 10/03/2021 10:05

Nghĩa trang thời 4.0

TTH - Trong thời kỳ mà mọi thứ đã và đang được số hóa thì những tập tục tâm linh cũng dần dà được chuyển đổi số. Thực tế tại Huế, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng quá trình hiện đại hóa các nghĩa trang đang ngày càng rõ nét.

Chốn an yên ở Hương An ViênHuế: Công viên nghĩa trang sinh thái Hương An Viên tổ chức đại lễ cầu siêu

Dẫu ở đâu cũng hướng về nguồn cội

Không phải ngẫu nhiên chạp mộ đầu năm trở thành nét văn hóa tâm linh tốt đẹp, lưu truyền ngàn đời của con dân nước Việt.

Dịch COVID-19 khiến nhiều chuyến hồi hương ăn tết dang dở. Cũng vì thế mà ngoài những dự định bị hoãn, nhiều người tiếc nuối vì không thể hướng về nguồn cội. Anh Hồ Minh Thành, quê ở Phong Điền, định cư tại TP. Hồ Chí Minh hơn hai chục năm nay, mỗi năm thường trở về quê đúng dịp tết.

“Về quê ngày tết không chỉ để thăm hỏi bà con, làng xóm mà quan trọng hơn là để viếng mộ cha mẹ, ông bà sau một năm dài đằng đẳng. Năm nay, tôi và gia đình không thể trở về quê vì dịch COVID-19, phần mộ của cha mẹ phải nhờ người bà con thăm nom, dù vậy trong lòng luôn canh cánh, không thể yên tâm”, anh Thành chia sẻ.

Tôi chợt nhớ đến vụ việc hàng trăm hũ tro cốt người quá cố gửi tại một ngôi chùa nào đó ở TP. Hồ Chí Minh bị lẫn lộn do di dời, rơi mất tên họ, di ảnh khiến không thể nhận biết. Do vậy, nỗi trăn trở của anh Thành có lẽ rất nhiều người Việt sẽ thấu hiểu. Dẫu cho những làng quê bây giờ đổi khác nhưng đa số nghĩa trang, nghĩa địa vùng nông thôn vẫn nằm heo hút, thậm chí lọt thỏm trong rừng sâu. Việc thăm nom vì thế khó khăn, buộc phải có bàn tay gia chủ.

Thời buổi hiện đại nhưng tại nhiều vùng nông thôn, tập tục, lệ làng vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức con người chưa thể dứt. Có những khu lăng mộ tiền tỷ “nghênh ngang” giữa làng nhưng cũng còn rất nhiều khu nghĩa địa sơ sài, thiếu bàn tay chăm sóc, thiếu quy hoạch đồng bộ.

Công viên nghĩa trang Hương An Viên được quy hoạch ngăn nắp, gọn gàng

Nếu có một so sánh thì có lẽ ở một số làng quê như, An Bằng (Vinh An, Phú Vang), Phong Hải (Phong Điền), chi phí xây cất lăng mộ ngang ngửa với người Nhật về sử dụng dịch vụ nhà lưu tro cốt. Song, khi mà chúng ta vẫn còn dậm chân với thứ vật chất truyền thống thì người Nhật đã áp dụng công nghệ cao, tiết giảm chi phí, tạo ra sự thuận tiện cho con người. Khá tương đồng với người Việt, các gia đình ở Nhật Bản thường đi thăm mộ người thân ít nhất mỗi năm một lần. 10 năm trước, bởi khoảng cách quá xa nên chi phí thăm mộ ở xứ mặt trời mọc rất đắt đỏ. Bây giờ, các nhà cung cấp dịch vụ đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ cao, hình thành nên những nhà lưu giữ tro cốt và họ chỉ cần đi một chuyến tàu điện ngầm sẽ tới nơi.

Không phải bây giờ mà từ lâu, một số nước trên thế giới, bên cạnh những nghĩa trang hiện đại, đã có những nghĩa trang online. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó khi khắp cả ba miền những công viên nghĩa trang hình thành với đầy đủ các dịch vụ, người thân quản lý các phần mộ chỉ thông qua điện thoại thông minh.

Sự chuyển dịch trông thấy

Trong định hướng phát triển Thừa Thiên Huế những năm tiếp theo, mục tiêu trọng tâm chính là đưa tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, ngoài phát triển kinh tế, việc chỉnh trang đô thị là rất quan trọng. Với các đề án, dự án đã và đang thực hiện, giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, trong đó việc di dời các phần mộ tự phát cần có sự đồng thuận giữa chính quyền lẫn người dân. Điều đó nghĩa là trong tương lai, sẽ cần có những nghĩa trang đồng bộ và phù hợp.

Hiện nay, Hương An Viên (phường Hương An, TX. Hương Trà) là dự án điển hình đang làm thay đổi cách nhìn nhận của người dân địa phương về một nghĩa trang truyền thống. Các phần mộ được quy hoạch ngăn nắp, gọn gàng, đúng quy định của Nhà nước; lối đi dẫn đến từng phần mộ được lát đá, trồng hoa, cây cảnh...

Ngoài ra, khách hàng dù ở bất kỳ nơi đâu, cũng có thể thăm viếng, chứng kiến việc chăm sóc mộ phần thân nhân thường xuyên thông qua các ứng dụng như Zalo, Facebook...

Tại các vùng quê, tiến trình xây dựng nông thôn mới khiến tư duy cố hữu của người dân ít nhiều thay đổi.

Bà Trần Thị Lý (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) kể, khi chồng qua đời cách đây không lâu, thay vì chôn cất tại các khu vực nghĩa địa tự phát, bà đã chọn khu nghĩa trang tập trung xã để an táng. Tất cả chi phí xây dựng chừng hơn 40 triệu đồng, đó là con số phù hợp với người dân nông thôn hiện nay.

“Nhiều người khi có tang sự thường tự ý chọn khu đất để mai táng mà không hề biết địa điểm ấy chính quyền địa phương có cho phép hay không. Việc làm đó khiến hạ tầng vùng nông thôn nhếch nhác, đồng thời có thể vi phạm pháp luật. Do vậy, việc chọn nghĩa trang tập trung hay công viên nghĩa trang được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng là giải pháp tốt”, bà Lý nói.

LT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn

Thế là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thỏa nỗi ước mong trở về với Huế quê hương, khởi đầu là bức tượng được dựng trong công viên ở ngã ba sông Hương và sông hộ thành Đông Ba...

Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn
Có đường… cứ thế là đi

Công viên hay phần đường dành cho người đi bộ được xây dựng phục vụ nhu cầu vui chơi, đi lại của người dân, thế nhưng lại có không ít người vô tư điều khiển xe máy chạy vào, gây nên tình trạng nguy hiểm, mất an toàn giao thông.

Có đường… cứ thế là đi

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top