ClockThứ Năm, 11/09/2014 17:38

Nghiêm túc từ dạy học đến coi thi và xét tuyển

TTH - Bộ GD & ĐT vừa chốt phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn; trong đó có 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Chưa triển khai thi theo bài thi tích hợp.

Điều đáng quan tâm của phương án này là kết quả sẽ được các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) dùng để xét tuyển sinh. Cái lợi dễ dàng nhìn thấy là phụ huynh, học sinh khỏi phải lo kinh phí để thi ĐH, CĐ; các trường ĐH, CĐ cũng tiết kiệm được một phần tài chính trong việc tổ chức tuyển sinh; bức xúc về an toàn giao thông, an ninh trật tự ở đô thị thường xảy ra trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ không còn.

Vấn đề đặt ra là chất lượng thực sự của điểm thi tốt nghiệp PTTH, làm cơ sở để được xét tuyển vào ĐH, CĐ. Dù ngành GD&ĐT đã đẩy mạnh cuộc vận động “nói không với bệnh tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, song trong thực tế đây đó vẫn còn tồn tại. Tình trạng giám thị coi thi làm ngơ để thí sinh quay cóp tài liệu, làm bài chung, thậm chí còn giải đề cho thí sinh vẫn còn diễn ra. Vụ việc mới đây nhất xảy ra tại hội đồng thi Trường THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình), cảnh nhốn nháo trong phòng thi được video ghi lại; nhà trường còn thu mỗi thí sinh 300 ngàn đồng để “chống trượt”. Trước đó từng xảy ra tiêu cực ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) và nhiều hội đồng thi khác… Nhiều người còn lo lắng đây là cơ hội để một số trường ĐH, CĐ ít danh tiếng sẽ tuyển sinh chạy theo số lượng, nảy sinh tình trạng chất lượng đầu vào thấp, đầu ra kém, thừa thầy thiếu thợ, tạo thêm áp lực việc làm cho xã hội.
Điều băn khoăn nữa, nếu căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp để tuyển vào ĐH, CĐ sẽ bỏ sót nhiều tài năng, bởi trong thực tế nhiều người học thì rất thường nhưng có nhiều năng lực đặc biệt, khi ra trường làm việc rất hiệu quả; thậm chí có những phát minh lớn.
Kỳ thi gắn liền với nhiều kỷ niệm của tuổi học trò; ngập tràn nước mắt cả thành công lẫn thất bại! Trần Tế Xương từng thốt lên: “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín. Thi không ăn ớt thế mà cay”. Phương án mới này có thể hạn chế được những rủi ro theo kiểu “học tài, thi phận”; tiết kiệm được một phần kinh phí đáng kể cho xã hội; song cần phải được thực hiện nghiêm túc từ khâu dạy học, đến coi thi và xét tuyển! Bên cạnh đó, cần có cơ chế xét tuyển vào ĐH, CĐ đối với những trường hợp có năng lực đặc biệt, để tránh bỏ sót tài năng!
Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top