ClockChủ Nhật, 05/03/2017 06:41
Tân Giám đốc Đại học Huế - PGS.TS. Nguyễn Quang Linh:

"Nghiên cứu khoa học sẽ thúc đẩy đào tạo chất lượng cao"

TTH - Mong muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ mới, đưa Đại học Huế trở thành một đại học vùng mạnh, hàng đầu ở khu vực miền Trung và cả nước đã được PGS.TS. Nguyễn Quang Linh - tân Giám đốc Đại học Huế chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần. Ông nói:

Giám đốc Đại học Huế - PGS.TS. Nguyễn Quang Linh

Đại học Huế phải có các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo liên kết với nước ngoài thông qua các dự án hợp tác quốc tế mà trước hết là tập trung vào những ngành có năng lực tốt. Như vậy, thông qua hợp tác quốc tế, chúng ta có cơ hội để nâng cao năng lực, có nguồn thu tốt, đầu tư cho phát triển. Bên cạnh đào tạo có chất lượng cao, Đại học Huế sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có kết quả tốt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn để chuyển giao và đẩy mạnh thương mại các sản phẩm khoa học công nghệ; đồng thời, có các kết quả nghiên cứu tốt để xuất bản các bài báo đủ chất lượng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI (Viện thông tin khoa học quốc tế). Vị thế của Đại học Huế, nhờ đó sẽ được cải thiện đáng kể trong xếp hạng quốc tế và trở thành một trong những đại học hàng đầu của khu vực.

* Trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,… Đại học Huế sẽ tập trung vào lĩnh vực nào nhất và vì sao, thưa PGS?   

Chúng tôi tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học, bởi kết quả nghiên cứu khoa học sẽ thúc đẩy đào tạo chất lượng cao, nhất là đào tạo sau đại học, thúc đẩy khởi nghiệp tốt cho sinh viên khi tốt nghiệp.

Để có các nghiên cứu tốt đòi hỏi thầy và trò Đại học Huế phải có tư duy mới, nghiên cứu gắn liền với hiệu quả bởi, chúng ta vẫn đang nghiên cứu những gì chúng ta có trong khi xã hội lại cần những kết quả nghiên cứu mà thầy và trò Đại học Huế chưa có.

Các kết quả nghiên cứu của chúng ta chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp, chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm và, trong điều kiện nguồn ngân sách cho nghiên cứu khoa học bị hạn chế nhưng các địa phương hay các bộ lại đòi hỏi rất cao và thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngành.

* Đại học Huế có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học lớn thứ ba trong cả nước. Đây cũng là sức mạnh của Đại học Huế. Theo ông, cần có chính sách giữ chân người tài ra sao để phát huy hơn nữa sức mạnh của đội ngũ này?

Mặc dầu thu nhập ở các nơi khác như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hấp dẫn hơn rất nhiều nhưng các nhà khoa học của Đại học Huế vẫn rất muốn đóng góp cho sự phát triển của Đại học Huế nói riêng và Huế nói chung.

Từ điều này, chúng tôi đang xây dựng một đề án thu hút nhân tài ở lại Huế và đến với Huế bằng các hình thức: Tạo môi trường làm việc thoải mái nhất để tự do sáng tạo và tự chủ chuyên môn; đề xuất với tỉnh có chính sách ưu tiên về nhà ở và nơi định cư tại làng giáo sư Đại học Huế tạo điều kiện đăng ký nghiên cứu khoa học theo các ý tưởng mới và đầu ra có tiềm năng thương mại, ứng dụng; các nghiên cứu khoa học và công nghệ của các nhà khoa học Đại học Huế trước hết được ưu tiên ứng dụng và triển khai trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, địa phương cũng quan tâm đầu tư thêm kinh phí để hỗ trợ cho các nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Huế...

* Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, Đại học Huế cần có hướng đi thế nào, đổi mới ra sao trong đào tạo và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo để giữ vững thương hiệu?

Xu thế phát triển các cơ sở giáo dục đại học là tự chủ và tự chủ đại học sẽ có cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Sinh viên Huế tìm hiểu thông tin về các trường đại học Hoa Kỳ tại Triển lãm giáo dục Hoa Kỳ do Đại học Huế tổ chức 

Trong bối cảnh cạnh tranh về số lượng sinh viên, Đại học Huế vẫn giữ vững chất lượng đào tạo, coi trọng chất lượng đầu vào, đẩy mạnh việc đào tạo chất lượng cao thông qua: Đổi mới các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội; cung cấp đủ thông tin, tài liệu học tập, chú trọng những tài liệu mới bằng tiếng Anh; xem sinh viên là trung tâm và nâng cao thời gian tự học; giảng viên tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn và dẫn dắt sinh viên vừa học, vừa sáng tạo và tiếp cận nghiên cứu khoa học; sinh viên có cơ hội để thực tập, thực hành và sáng tạo để khởi nghiệp; có chính sách khuyến khích sinh viên học tập tốt thông qua học bổng, cơ hội nghiên cứu, cơ hội tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng mềm, tiếp cận với các doanh nghiệp, các cơ sở tuyển dụng lao động hay trao đổi sinh viên với các trường đại học ở nước ngoài, như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan.

* Định hướng chiến lược đến năm 2030 của Đại học Huế là trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động theo tiêu chuẩn quốc gia và khu vực. Đạt được mục tiêu này, theo PGS, Đại học Huế cần phải làm gì?

Đại học Huế đang chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo và tiêu chuẩn của AUN để hội nhập và phát triển. Các giải pháp đó là: Chương trình đào tạo có khả năng liên thông, có trao đổi với các chương trình đào tạo của các nước như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU; thay đổi cách học tiếng Anh để sinh viên tốt nghiệp phải có năng lực tiếng Anh tương đương B1 hay IELTS = 5.0, hay các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; đào tạo sinh viên học đi đôi với hành để sinh viên tốt nghiệp có kiến thức tốt, kỹ năng nghề nghiệp giỏi và kỹ năng mềm tốt; tăng cường xây dựng và thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên với các quốc gia nói trên; đầu tư cho các giảng viên có các đề tài nghiên cứu thông qua các nhóm chuyên ngành; tích cực hợp tác công tư trong đào tạo và nghiên cứu để huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, xã hội và các địa phương; đẩy mạnh trao đổi các chương trình giảng dạy và thỉnh giảng với các đối tác nước ngoài để giảng viên Đại học Huế có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến và nghiên cứu ở các nước có nền công nghệ cao; hỗ trợ các ngành khoa học và giảng viên các ngành đó có cơ hội giao lưu, tiếp cận và trao đổi khoa học văn hóa, du lịch, lịch sử và nghệ thuật của Việt Nam với các nước khác; ưu tiên và đầu tư cho các nhóm khoa học tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế tại Huế; kết hợp với các giới chức và tổ chức, như Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Công thương và Sở Du lịch xây dựng các chương trình giao lưu về kinh tế, khoa học, du lịch với các tỉnh/thành phố khác trong nước và nước ngoài. 

Xin cảm ơn PGS!

NGỌC HÀ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

TIN MỚI

Return to top