ClockChủ Nhật, 11/11/2018 07:30

Ngô Đình Bảo Vi ước mong từ Trúc chỉ

TTH - Nghệ thuật Trúc chỉ đã khẳng định là giá trị mới không chỉ cho Huế mà cả Việt Nam. Ngoài người sáng lập - họa sĩ Phan Hải Bằng - còn có sự đóng góp thầm lặng của nữ họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi - người đã định hình, phát triển mảng ứng dụng của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

“Khu vườn” của các nữ họa sĩTrúc chỉ - quà tặng quốc kháchTriển lãm “Hành trình Trúc chỉ”

 Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi. Ảnh: M. Hiền

Cuộc gặp hữu duyên

Vẻ như, cô gái đến từ Đồng Tháp Ngô Đình Bảo Vi đang đi ngược với số đông khi học mỹ thuật ở TP. Hồ Chí Minh nhưng lại chọn Huế để theo đuổi sự nghiệp. Như định mệnh, một ngày họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi gặp Trúc chỉ ở Đà Lạt trong triển lãm đầu tiên họa sĩ Phan Hải Bằng tổ chức ở XQ Đà Lạt Sử quán. Họa sĩ Bảo Vi nhớ mãi, giây phút ấy, tim chị như ngừng đập bởi đã tìm thấy điều mãi tìm bấy lâu. Chị chia sẻ: “Trên hành trình sáng tạo, tôi gặp Trúc chỉ. Đó là cuộc gặp hữu duyên lớn nhất đã thay đổi mọi thứ. Tôi đến với Trúc chỉ vì tìm thấy điều tương đồng với hành trình của mình. Nghệ thuật Trúc chỉ là mảnh đất mới, rộng lớn cho người làm sáng tạo. Sự vận dụng của nó trải dài và chưa có dấu hiệu gây khó khăn cho bất kỳ một ý tưởng hay một concept nào”.

Chỉ sau 10 ngày ra Huế trải nghiệm với Trúc chỉ, Bảo Vi quyết định từ bỏ xưởng đồ da đang phát triển tốt mà chị đã vất vả gây dựng ở TP. Hồ Chí Minh để theo Trúc chỉ về Huế. Thời điểm ấy, Trúc chỉ do họa sĩ Phan Hải Bằng sáng lập vẫn thuần về nghệ thuật. Khi “gặp” họa sĩ Bảo Vi, Trúc chỉ hoạt động song song hai mảng, mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng. Bảo Vi đảm nhận thiết kế các ứng dụng trong thiết kế sản phẩm, đồ lưu niệm, thiết kế trang trí nội ngoại thất, phụ kiện thời trang, trang sức… Trúc chỉ.

Mỹ thuật ứng dụng ngoài các dòng tranh trang trí, còn có nhiều mẫu thiết kế làm quà tặng, các nghệ phẩm phụ kiện cho cá nhân mang tính tiếp biến, như: Dù, nón, quạt, ví, cà vạt, đèn lồng... đi vào đời sống xã hội như là một giá trị được chấp nhận. Sáng tạo mỹ thuật có công năng mang đến cái đẹp để chiêm ngưỡng thì sáng tạo ứng dụng ngoài việc phải đẹp còn có công năng sử dụng. Bảo Vi bày tỏ: “Tôi đến với Trúc chỉ bằng tâm thế kiếm tìm, tôi luôn tìm cách mở ra tất cả khả năng mà trúc chỉ có thể. Sau 6 năm hoạt động, chúng tôi - những người làm việc cùng trúc chỉ vẫn còn ngạc nhiên vì khả năng ứng biến chưa có điểm dừng của nó”.

Tác phẩm “Khai hoa” bằng đồ họa Trúc chỉ. Ảnh: M. Hiền

Từ nỗ lực sáng tạo của những người như họa sĩ Phan Hải Bằng, Ngô Đình Bảo Vi… Trúc chỉ được chọn làm quà trao tặng Nhật Hoàng khi ngài đến Huế, được tỉnh chọn làm quà tặng cho các doanh nghiệp xuất sắc cuối năm 2017, được Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ chọn tặng cho tỉnh Phú Thọ nhân giỗ Tổ Hùng Vương. Mới đây, Trúc chỉ vừa tham gia vào các dự án mỹ thuật đương đại, như dự án mỹ thuật đương đại đường hầm Quốc hội, dự án múa và triển lãm Oversea vừa diễn ra ở Lyon, Pháp…

Đưa Trúc chỉ vươn xa

Ở Trúc chỉ, Bảo Vi ngoài việc là họa sĩ thiết kế, cô còn là người quản lý, chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động. Mỗi ngày làm việc của họa sĩ Bảo Vi đều là một ngày mới với những khai mở mới. Ngoài những nghệ phẩm mang hơi hướng truyền thống đã định hình, chị và các cộng sự đang dốc sức tạo ra một trúc chỉ ứng dụng mang tính đương đại. Chị tâm niệm: “Họa sĩ Phan Hải Bằng đã tạo dựng nên Trúc chỉ, tôi có trách nhiệm duy trì, nuôi dưỡng, phát triển và các bạn cộng sự là những người thừa hưởng, làm việc với giá trị mới mẻ này”.

Từ định hướng ấy, mỗi một tạo tác đều tâm niệm sự ra đời của nó phải mang về niềm tự hào cho văn hóa Huế, văn hóa Việt. Nữ họa sĩ hào hứng: “Với khả năng dường như vô hạn mà chúng tôi nhận thấy ở Trúc chỉ, chúng tôi mong muốn tinh thần Việt sẽ hiện hữu ở khắp nơi qua hình thái nghệ phẩm này. Chúng tôi tạo ra giá trị này cho người Việt, cho đất nước Việt Nam này, vậy thì tại sao trong mỗi ngôi nhà Việt lại không có Trúc chỉ?"

Một công đoạn làm Trúc chỉ. Ảnh: Hoàng Hải

Bảo Vi cho hay, chị vẫn mong muốn tạo tác nên những dòng nghệ phẩm phổ thông hơn với mục đích tạo nhiều việc làm hơn cho địa phương nhưng vẫn chưa có dự án khả thi. “Hy vọng tôi có thể tìm kiếm được phương thức hữu dụng nhất cho mong muốn này. Ao ước phát triển giá trị mới này cho Huế, Việt Nam. Vì thế, Trúc chỉ cần được sự quan tâm giúp đỡ đồng hành vĩ mô của các thành phần, các tổ chức xã hội và cả của chính quyền mới có thể xây dựng và khẳng định một giá trị có tính bền vững”, Bảo Vi mong mỏi.

Hỏi chị có giây phút nào hối tiếc khi từ bỏ những gì có được ở chốn Sài thành để về Huế, Bảo Vi lắc đầu: “Ba tôi là người Huế, một nửa dòng máu chảy trong tôi mang hình dáng bờ sông Hương, núi Ngự. Có lẽ đó là lý do lớn nhất giúp tôi thích nghi được với sự thay đổi. Khi một người tìm thấy lẽ sống, mục đích, niềm vui sống, sẽ không có phút giây nào có điều gì giống như hối tiếc có dịp len lỏi”.

MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trúc chỉ & hành trình lan tỏa

Những ngày qua, triển lãm Trúc chỉ tại Hà Nội được công chúng Thủ đô đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người trầm trồ, ngỡ ngàng trước khả năng biểu cảm của một loại hình nghệ thuật được khai sinh từ Huế.

Trúc chỉ  hành trình lan tỏa
Trúc Chỉ - vì một giá trị văn hóa đậm tính Việt

“Năng” là tên một cuộc triển lãm Trúc Chỉ, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ngày 14/7 do Công ty TNHH MTV Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam tổ chức. “Năng” cũng là mở đầu cho chuỗi triển lãm kỷ niệm 10 năm Trúc Chỉ hình thành, cùng với “Thắm” (tại Hà Nội) và “Hợp” (TP. Hồ Chí Minh) tới đây. Dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Ngô Đình Bảo Vi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam về hành trình 10 năm của Trúc Chỉ, khởi nguồn từ Huế.

Trúc Chỉ - vì một giá trị văn hóa đậm tính Việt
Return to top