Thế giới

Ngoài Delta, nhiều biến thể khác của virus SARS-CoV-2 vẫn đang được theo dõi

ClockThứ Năm, 09/09/2021 18:57
TTH.VN - Theo tin từ Reuters, song song với việc virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, một loạt các biến thể mới cũng xuất hiện với tên gọi theo bảng chữ cái Hy Lạp - hệ thống đặt tên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng để theo dõi các biến thể COVID-19 mới. Một số biến thể đã được “trang bị” khả năng dễ lây lan hơn hoặc trốn tránh kháng thể của vaccine.

WHO theo dõi biến thể mới, nghiên cứu nọc rắn làm thuốc trị COVID-19Biến thể Delta làm phá sản “giấc mơ” miễn dịch cộng đồngBiến thể Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện

Ngoài Delta, nhiều biến thể khác của SARS-CoV-2 vẫn cần được quan tâm. Ảnh: Getty Image

Các nhà khoa học vẫn tập trung vào Delta, hiện là biến thể thống trị trên toàn thế giới, nhưng vẫn đang theo dõi một số biến thể khác của virus SARS-CoV-2 để xem điều gì có thể sẽ xảy ra trong một ngày nào đó.

Delta vẫn là biến thể thống trị 

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vẫn là mối lo ngại lớn nhất. Biến thể này lây lan mạnh ở những quần thể chưa được tiêm chủng ở nhiều quốc gia và đã được chứng minh là có khả năng lây nhiễm cho một số người đã được tiêm chủng với tỷ lệ cao hơn so với chủng gốc ban đầu.

WHO đã phân loại Delta là một biến thể đáng lo ngại vì có khả năng làm tăng tính lây truyền, gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine và các phương pháp điều trị.

Theo Shane Crotty, một nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego, “siêu năng lực” của Delta là khả năng truyền bệnh. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng những người bị nhiễm Delta mang tải lượng virus trong mũi cao hơn đến 1.260 lần so với những người nhiễm chủng virus ban đầu. Một số nghiên cứu của Mỹ cũng cho thấy tải lượng virus ở những người đã được tiêm chủng bị nhiễm Delta ngang bằng với những người không được tiêm chủng, nhưng cần phải nghiên cứu thêm.

Trong khi chủng gốc ban đầu mất đến 7 ngày để gây ra các triệu chứng, Delta có thể gây ra các triệu chứng nhanh hơn trong từ 2-3 ngày, khiến hệ thống miễn dịch có ít thời gian hơn để phản ứng và tăng cường phòng thủ.

Lambda – trên đà thoái trào

Biến thể Lambda, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 12 năm ngoái, từng được xem như một mối đe dọa tiềm tàng mới, nhưng phiên bản này của virus SARS-CoV-2 dường như đang thoái trào.

Theo dữ liệu của GISAID, một cơ sở dữ liệu theo dõi các biến thể SARS-CoV-2, mặc dù các trường hợp liên quan đến Lambda đã tăng lên trong tháng 7, nhưng các báo cáo về biến thể này đã giảm trên toàn cầu trong 4 tuần qua.

WHO phân loại Lambda là một biến thể được quan tâm, nghĩa là nó mang các đột biến bị nghi ngờ gây ra sự thay đổi khả năng lây truyền hoặc gây ra bệnh nặng hơn, nhưng vẫn cần được tìm hiểu. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể này có các đột biến kháng lại các kháng thể do vaccine tạo ra.

Cần quan tâm đến biến thể Mu

Mu, biến thể trước đây được gọi là B1621, được xác định lần đầu tiên ở Colombia hồi tháng 1. Đến ngày 30/8, WHO chỉ định đây là một biến thể cần quan tâm do một số đột biến liên quan.

Mu mang các đột biến chính, bao gồm E484K, N501Y và D614G, có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm khả năng bảo vệ miễn dịch.

Theo Bản tin của WHO được công bố vào tuần trước, Mu đã gây ra một số vụ bùng phát lớn ở Nam Mỹ và châu Âu. Trong khi tỷ lệ số ca nhiễm biến thể Mu đã giảm xuống dưới 0,1% trên toàn cầu thì tỷ lệ này ở Colombia lên đến 39% và ở Ecuador là 13%. Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ lưu hành của biến thể Mu ở 2 nước này vẫn “liên tục tăng”.

WHO cho biết sẽ tiếp tục theo dõi Mu để biết những thay đổi ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở những khu vực mà biến thể này đang đồng lưu hành với biến thể Delta. Maria van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị các bệnh mới nổi của WHO, cho biết sự lưu hành của biến thể này đang giảm trên toàn cầu nhưng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. Trong một cuộc họp báo vào tuần trước, cố vấn y tế của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cũng khẳng định giới chức Mỹ đang theo dõi biến thể này, nhưng đến nay, Mu không được coi là một mối đe dọa ngay lập tức.

Chủng ngừa có vai trò quan trọng

Việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhiều người hơn có vai trò rất quan trọng vì những nhómngười không được chủng ngừa sẽ tạo cơ hội cho virus lây lan và đột biến thành các biến thể mới.

Các chuyên gia nói rằng nỗ lực đó phải được đẩy mạnh trên phạm vi quốc tế để giữ cho các biến thể không xuất hiện một cách không được kiểm soát trong cộng đồng các nước nghèo, nơi hiện vẫn chỉ có rất ít người được tiêm chủng.

Mặc dù vậy, trong khi các loại vaccine hiện tại có khả năng ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, chúng không ngăn chặn được sự lây nhiễm. Virus này vẫn có khả năng nhân lên trong mũi, ngay cả ở những người đã được tiêm chủng. Do vậy, theo Tiến sĩ Gregory Poland, một nhà phát triển vaccine tại Mayo Clinic, để đánh bại SARS-CoV-2 sẽ cần một thế hệ vaccine mới có khả năng ngăn chặn sự lây truyền. Cho đến lúc đó, Tiến sĩ Poland và các chuyên gia khác cảnh báo rằng thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước sự gia tăng của các biến thể COVID-19 mới.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top