ClockChủ Nhật, 02/08/2020 18:21

Ngôi nhà mơ ước

Những ấm áp giấu tênNhững ngày mưa có rêu xanhNỗi buồn hoa phượngKẻ vui người buồn

“Mẹ ơi vào ăn cơm”. Hương cất tiếng gọi mẹ. Từ lúc trở về từ tòa án, bà Hoa đã ngồi nơi chõng tre trước sân nhà suốt một tiếng đồng hồ. Hương để ý thấy, cái tư thế ngồi của mẹ vẫn giữ y như lúc cô mang cho bà ly nước chè xanh cô vừa vò sáng nay, trước khi quay vào bếp làm mớ cá vụn dì Mừng mang cho. Dì Mừng làm nghề chài lưới trên sông, nhà ngay phía trước ngõ. Từ lúc ba mẹ con Hương về đây ở, thỉnh thoảng dì lại mang cho mớ cá. Đám cá sông lụn vụn, nhỏ xíu bằng ngón tay, vẫn còn nhảy long tong trong rổ.

Bà ngoại và mẹ Hương thích nhất là loại cá này kho khô. Từng con cá khô cong queo, vàng ươm màu mật, lại cay xé lưỡi, ăn bao nhiêu cơm cũng không ngán. Nhưng Hương ngán nhất là khâu làm cá. Từng con cá nhỏ xíu, phải đánh cho thật sạch vảy, còn phải nặn hết bụng, rất kỳ công. Ngoại Hương lúc nào cũng bảo, cá kho khô, con cá phải “ngó đuôi” mới đạt chuẩn. Hương thì còn lâu mới khiến con cá ngó được đuôi mình.

Bữa cơm trưa nay, chỉ có dĩa cá kho, với tô canh mướp hái trong vườn. Hồi mới về đây, cái len đất chút xíu phía bên hông nhà đầy cỏ dại. Hương với nhỏ em xắn tay áo cuốc sạch cỏ, rồi xin mấy hạt mướp bên nhà hàng xóm gieo xuống. Đâu vài tuần, dây mướp đã leo kín mấy cái đọt nứa bà ngoại kéo về từ vạt nứa trước nhà ông Chín. Vậy mà mùa mướp đã gần qua hết. Sáng nay, lúc Hương ra thăm vườn, đã thấy mấy dây mướp bắt đầu khô. Những quả mướp nhỏ tong teo Hương hái lúc sáng, đã là những quả cuối cùng của mùa mướp năm nay.

Lát nữa, Hương phải đến tiệm cà phê ở khu phố Tây làm việc. Ca chiều bắt đầu từ 1 giờ. Hương không muốn giục mẹ vào nhà, dù mâm cơm trên bàn đã bắt đầu nguội. Hôm nay hẳn cô phải đến chỗ làm muộn. Cô lấy điện thoại nhắn tin cho bà chủ. Sáng nay, cô cũng vừa nhận một lớp dạy thêm. Chỉ còn vài ngày nữa là nhập học, nhưng khoản học phí chuẩn bị cho học kỳ đầu tiên trước khi cô bước chân vào đại học, Hương vẫn chưa gom góp đủ. Mẹ nói, Hương chỉ cần làm thêm ở quán cà phê là được. Nơi đó giúp Hương trau dồi thêm ngoại ngữ khi thường xuyên được giao tiếp với khách nước ngoài. Bà vẫn có thể nuôi được Hương học hết bốn năm đại học. Hương biết, là mẹ xót con gái, khi thấy cô vừa thi xong tốt nghiệp là lao ra ngoài kiếm tiền.

19 tuổi, Hương không muốn là gánh nặng của mẹ. Hương biết, trong buổi sáng nay, việc ba không chu cấp cho cô đã được ghi vào bản án, vì cô đã trên 18 tuổi. Vậy thì cô phải gắng tự lập thôi. Mà Hương nghĩ, ngay cả đứa em gái mới 15 tuổi của mình, chắc gì hằng tháng ba đã gửi tiền cho nó. Ba còn bận lo cho đứa con trai sắp chào đời của mình, đâu còn hơi sức mà lo lắng cho chị em cô.

Trưa nay, nắng có vẻ hơi to. Căn nhà nhỏ nóng hầm hập. Hương nghiêng đầu ngó mẹ ngồi ngoài sân. Lo bà bị nắng rọi lên người cũng không biết, vậy thì ốm mất. May mà giàn sử quân tử đủ rợp bóng, che hết cái chỏng tre sập xệ. Chỗ đó, ông ngoại hồi còn sống vẫn thích ngồi uống trà, nhất là những đêm trăng vàng rực. Cây sử quân tử đã chết mấy lần. Mỗi lần cây chết, bà ngoại lại ra vựa cây, kiếm một cây mới về trồng. Bà cũng như ông, thích ngồi đó uống trà ngắm trăng. Nhưng mẹ nói, từ hồi ông mất ba năm trước, bà chẳng bao giờ ra ngồi đó nữa. Mấy ngày này không để ý, giàn sử quân tử đã nở hoa đỏ rực. Hèn gì tối hôm qua lúc đi làm về, Hương nghe trong sân một mùi hương ngọt lịm.

Lúc Hương lần nữa ra giục mẹ vào ăn cơm, mới biết bà Hoa ngồi bên ngoài lặng lẽ khóc. Dù trên gương mặt bà chẳng có vệt nước mắt nào, nhưng đôi mắt vẫn còn đỏ hoe ấy đã nói cho Hương biết. “Mẹ buồn nhiều lắm sao? Không có ba, chúng ta vẫn sống tốt”. Hương nói với mẹ bằng chất giọng nhẹ nhàng, nhưng đầy khẳng định. Sự quả quyết trong giọng nói của Hương khiến bà Hoa phải ngẩng đầu nhìn con gái. Bà nghĩ, không có chồng bên cạnh, cũng chẳng có gì phải buồn. Chẳng qua bà xót xa nghĩ, hơn nửa đời người, vậy mà giờ phút này bà phải quay về tay trắng. Đến mái nhà cho con cũng không giành lấy được. May mà còn nhà bà ngoại cho tụi nhỏ tá túc.

Bà Hoa không biết, những khoản nợ mà chồng bà cung cấp cho tòa từ đâu ra. Ông nói là khoản vay do làm ăn thua lỗ. Chẳng hiểu sao những khoản vay ấy đều đầy đủ pháp lý, suýt chút nữa bán căn nhà nhỏ của vợ chồng bà còn không trả đủ. Chị gái bà giận dữ bảo: “Sao từng này tuổi rồi, mà mày còn dại thế, lại để chính thằng chồng sống với nhau gần hai chục năm nó lừa cho. Nó chuyền hết của sang tổ khác rồi, nên đổ nợ lên đầu mày đấy. Rồi mày có cất riêng được chút tiền nào không, còn phải có cái để lo cho hai đứa con chứ?”. Bà Hoa nghe chị gái hỏi mà lòng lạnh băng. Sống với nhau mấy chục năm, hết lòng hết dạ vun vén cho nhau còn không đủ, sao nỡ dấm dúi riêng mình. “Để tau kiếm mấy thằng xã hội đen lên đánh hai đứa nó một trận mới được. Chứ sao nuốt trôi cơn tức này. Mà con kia cũng gớm nhỉ, cướp chồng người ta, còn cướp luôn cả căn nhà, ghê thật”. Bà Hoa hốt hoảng xua tay. Đánh đấm gì chứ. Bà buồn mấy cũng được, nhưng không muốn để hai đứa con nhìn thấy cha mẹ chúng trở mặt thành thù.

Bà Hoa nhìn căn nhà ba gian xập xệ, nóng hầm hập. Gần 40 năm dãi dầu mưa nắng, căn nhà cũng đã cũ nát lắm rồi. Đây là căn nhà mà cha mẹ bà đã tự tay xây nên. Lúc ấy tuy còn nhỏ, nhưng bà vẫn còn nhớ rất rõ. Những đêm mùa hè vo ve tiếng muỗi, sau một ngày làm thuê và bươn chải với gánh rau ngoài chợ, ba mẹ bà lại chong đèn tự mình đẩy cát, trộn xi măng. Từng viên gạch, từng bức tường ở cái nhà này, đều do đôi bàn tay của họ làm lấy. Miệt mài như vậy suốt mấy tháng ròng, căn nhà nhỏ mới nên hình nên dáng. Hồi xây căn nhà này, tuổi mẹ bà chắc cũng bằng bà bây giờ. Bà nhớ hôm cả nhà dọn về nhà mới, ba bà đã khóc. Ông bảo, cả đời mình đi xây nhà cho người ta, may mà cuối cùng cũng xây được cho vợ con một căn nhà.

Bà nhớ lúc hai vợ chồng bà gom góp tiền mua được miếng đất, lúc cầm cuốn sổ đỏ trên tay, chồng cũng ôm lấy bà mà rớt nước mắt. Giọt nước mắt vui mừng và hạnh phúc. Rồi lúc hai người dựng được căn nhà nho nhỏ trên mảnh đất ấy, chồng bà cũng khóc. Ông bảo cuối cùng cũng giã từ được kiếp ở trọ nay đây mai đó. Đêm đầu tiên nằm ngủ trong căn nhà mới, hai vợ chồng thao thức suốt đêm không ngủ được vì vui. Vợ chồng đều làm thuê làm mướn, tằn tiện mãi mới có được một ngôi nhà. Họ đều nghĩ, có lẽ cả cuộc đời này, cả hai sẽ ở trong ngôi nhà này, nhìn hai đứa con lớn lên, rồi gả chồng cho tụi nó, rồi mình già đi, rồi chết trong chính ngôi nhà ấy. Ai mà biết, giữa đường lại ly tan, còn theo cách bẽ bàng này.

Nhìn mẹ mặt mày ảo não, chẳng có chút tinh thần nào, khiến Hương cũng khó chịu trong lòng. Gần cả nửa năm nay, lần nào từ tòa án về, mẹ cũng đều như vậy. Hôm nay biết ba mẹ ra tòa, Hương đã muốn đi cùng, nhưng bà nhất quyết không chịu. Hương biết, mẹ vẫn còn ấm ức về việc chia tài sản trong ly hôn. Bà bảo tại mình dại, nên mới khiến cả hai đứa con thành ra bơ vơ không nhà. “Mẹ thật có lỗi với hai đứa”, bà Hoa chua xót. Hương thấy mũi mình cay xè. “Căn nhà đó cũ lắm rồi. Cũng đến lúc chúng ta phải lên kế hoạch cho ngôi nhà mới thôi. Mẹ quên con vừa đậu khoa kiến trúc à?. Thế nào con cũng xây cho mẹ một căn nhà thật đẹp. Sẽ nhanh thôi. Nên mẹ phải ăn cơm mới có sức mà chờ đến ngày con xây nhà mới chứ”, Hương vừa nói vừa đưa tay kéo mẹ vào nhà. “Phải nhanh nhanh ăn cơm thôi mẹ, con còn phải đến chỗ làm. Chậm thêm chút nữa, kế hoạch về ngôi nhà của con lại bị đẩy lùi thêm một chút đó”.

Câu nói của Hương cuối cùng cũng thành công chọc cười bà Hoa. Bà đưa tay xoa đầu đứa con gái. “Được. Có thêm cả mẹ, kế hoạch của con chắc chắn sẽ nhanh chóng thành hiện thực. Mẹ cũng muốn chiều nay ra chợ sớm. Không thì rau héo hết không bán được. Kế hoạch của con lại phải lùi thêm chút nữa thì buồn”. Hai mẹ con nhìn nhau cười xòa, cùng bước vào nhà. Sau lưng họ là ánh nắng ban trưa đổ xuống sân rực rỡ đến chói mắt. Những chùm hoa sử quân tử lay động theo từng cơn gió, mùi thơm ngọt lịm cứ quẩn quanh lưu luyến, khiến một trưa gắt nắng cũng trở nên dịu lại.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Return to top