ClockThứ Năm, 14/08/2014 05:56

Ngổn ngang làng Đại học Huế

TTH - Làng Đại học Huế (ĐHH) sau gần 17 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng (năm 1998) đã hình thành một số công trình hiện đại, khang trang; nhưng trên tổng thể, bức tranh về một làng ĐHH “hiện đại cấp vùng” vẫn còn lắm ngổn ngang.

Ông Ngô Văn Tuấn, Trưởng Ban cơ sở vật chất ĐHH cho biết, theo Quyết định số 164/QĐ-TTg Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt ngày 17/3/1998, dự án quy hoạch xây dựng làng ĐHH tại 2 phường An Tây và An Cựu có tổng diện tích 135ha. Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 - bước 1 được thực hiện từ năm 1999 đến 2005 với tổng mức đầu tư trên 69 tỷ đồng, giai đoạn 1 - bước 2 được thực hiện từ 2006 đến nay với tổng mức đầu tư trên 349,5 tỷ đồng. Tới nay - sau 17 năm thực hiện, trên khu đất quy hoạch 135 ha của ĐHH tại Trường Bia mới giải phóng mặt bằng khoảng 75 ha và đã xây dựng các công trình Khoa Giáo dục thể chất, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế và khu ký túc xá sinh viên.

 
Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Huế, một trong những công trình khang trang hiện đại tại làng Đại học Huế
Theo quy hoạch được phê duyệt, làng ĐHH sẽ là một tổng thể hoàn chỉnh, hiện đại với các khu học tập, nghiên cứu và phục vụ điều hành; khu ký túc xá với trung tâm dịch vụ công cộng; khu cây xanh công viên, thể dục thể thao bố trí tại trung tâm trường và đệm giữa khu nghiên cứu học tập với khu ký túc xá;... Tuy nhiên, làng ĐHH hiện đại như vậy chưa biết đến khi nào mới có thể hoàn thành bởi đã gần 20 năm mà dự án còn nằm trong giai đoạn 1 với nhiều ngổn ngang.
Hàng trăm hộ dân chưa thể di dời
Vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở làng ĐHH là có hàng trăm hộ dân thuộc phường An Cựu và An Tây nằm trong khu quy hoạch ĐHH vẫn chưa thể di dời đến các khu tái định cư.
Đối diện với Trường ĐH Kinh tế đã được xây dựng khang trang và Khoa Giáo dục thể chất - ĐHH là những khu nhà ở nhếch nhác của hàng trăm hộ dân. Bức xúc bởi nhà cửa chật chội, dột nát, mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì dột nhưng không được sửa chữa vì nằm trong diện quy hoạch, các hộ dân ở đây đang mong mỏi từng ngày sớm được bố trí đến nơi ở mới. Ông Dương Văn Khoang làm nghề xích lô, ở tổ 21, khu vực 4 phường An Cựu than thở: “Tui đến đây ở từ năm 1995. Nhà cửa quá rách nát nhưng xây lại thì không được phép. Gia đình có 8 đứa con, 3 đứa đã lấy chồng còn lại 5 đứa và hai vợ chồng chui rúc trong căn nhà chừng 10m2 ni khổ lắm! Mong chính quyền cho di dời đến chỗ ở mới sớm ngày nào mừng ngày đó. Phường nói sẽ di dời 5-6 năm rồi mà mãi vẫn không thấy động tĩnh”. Đây cũng là tình cảnh của 150 hộ dân ở xóm Gióng, phường An Tây.
Cảnh nhếch nhác ngay trước mặt Khoa Giáo dục thể chất
 
Ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch UBND phường An Cựu cho biết: “189 hộ ở khu vực 4 đã có quyết định thu hồi đất và di dời để thực hiện dự án xây dựng làng ĐHH. Hiện 46 hộ đủ điều kiện đã có quyết định áp giá đền bù từ năm 2013 nhưng do nguồn vốn chưa có nên vẫn chưa bố trí cho bà con; các hộ còn lại thì “đang búi”, chưa có chủ trương và phải chờ ý kiến của tỉnh. Người dân ở đây chủ yếu là dân “nhảy dù” vào dựng nhà, sinh sống trái phép trong vùng quy hoạch nên việc đền bù, giải tỏa rất khó khăn”.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án giai đoạn 2 (2014-2018) cho Đại học Huế tại khu quy hoạch theo Quyết định số 4368/QĐ-BGD ĐT ngày 1/10/2013 để xây dựng các công trình sau tại khu quy hoạch: phòng đọc, phòng máy chuyên ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ; nhà hiệu bộ và thư viện Trường ĐH Kinh tế; nhà làm việc, thư viện và giảng đường lớn của Khoa Luật; khu ứng dụng và đồ hoạ của Trường ĐH nghệ thuật và một số công trình khác. ĐHH sẽ trình bộ phê duyệt trong tháng 10/2014, nếu được cấp vốn thì dự án sẽ thực hiện từ năm 2015-2018”
Ông Ngô Văn Tuấn, Trưởng Ban cơ sở vật chất Đại học Huế.
Theo thông tin từ Ban cơ sở vật chất ĐHH, với 46 hộ đủ điều kiện đã được thẩm định áp giá đền bù tại khu vực trên, ĐHH đã có quyết định phê duyệt và đã chuyển tiền cho Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng cấp thành phố để chuyển tiền cho dân nhưng dân chưa nhận được vì chưa có đất tái định cư. Trả lời câu hỏi vì sao đất tái định cư chưa có, ông Ngô Văn Tuấn cho hay: “Mặt bằng tái định cư (2,32 ha) chưa có vì tỉnh mới phê duyệt, ĐHH mới chọn thầu và thi công nên tiến độ phải chậm, dự kiến tháng 10 mới có”. Ông Tuấn cũng cho biết, 143 hộ còn lại tại khu vực này đang tiếp tục được thẩm định trong năm nay nhưng cụ thể là khi nào thì thuộc về trách nhiệm UBND thành phố mà cụ thể là Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố. “Theo kế hoạch, ĐHH dự kiến sẽ trình UBND tỉnh giải quyết công việc này trong năm 2015. Đa số hộ dân này ở trái phép nên tỉnh rất khó xử lý và chưa có phương án cụ thể để di dời. Có hai phương án dự kiến để di dời số hộ ở trái phép này: một là về khu chung cư tập trung của tỉnh, hai là các nhà ở xã hội khác”, ông Tuấn nói.
Cần nguồn vốn lớn
Việc hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch làng ĐHH vẫn chưa thể bố trí tái định cư ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng làng ĐHH, dẫn đến tình trạng nhếch nhác cũng như nhiều vấn đề tiêu cực xã hội nảy sinh, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của sinh viên ở khu vực này đã nhiều năm nay. “Bức xúc này không phải bức xúc của dân nữa mà của cả ĐHH”, ông Ngô Văn Tuấn nói. Tuy nhiên vấn đề nan giải nhất hiện nay là không có tiền. Diện tích còn lại chưa giải phóng được mặt bằng và di dời dân vì phải chờ kinh phí của Nhà nước”.
Vốn chưa được cấp đủ chính là chỗ “vướng” lớn nhất làm cho dự án xây dựng làng ĐHH cứ mãi giẫm chân tại chỗ. Theo ông Tuấn, để giải quyết cấp thiết giải phóng mặt bằng khu quy hoạch cần 250 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2015-2016 giải phóng 140 hộ dân, vật kiến trúc và đất nông nghiệp cần gần 59 tỷ đồng (theo hồ sơ kiểm kê áp giá của các cơ quan chức năng tỉnh); giai đoạn năm 2017-2018 giải phóng toàn bộ 80 hộ dân còn lại cần khoảng 90 tỷ đồng và giai đoạn năm 2019-2020 giải phóng toàn bộ mồ mả và vật kiến trúc khác cần 100 tỷ đồng. Ngoài kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng là 250 tỷ, việc đầu tư xây dựng cơ bản ở khu vực này cần 500 tỷ nữa.
“ĐHH có trách nhiệm nhưng ĐHH không phải cơ quan công quyền để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Đa số dân ở hai khu vực 4 phường An Cựu là dân vạn dò, dân “nhảy dù” vào dựng nhà, sinh sống trái phép trong vùng quy hoạch khiến cho việc đền bù, giải tỏa rất khó khăn. Còn những hộ dân ở xóm Gióng thì thiệt thòi thật. ĐHH đã có kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp vốn cho giai đoạn tiếp theo nhưng chưa có phản hồi vì thời gian này Nhà nước còn hạn chế đầu tư công theo Nghị định của Chính phủ”, ông Tuấn nói.
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Return to top