ClockChủ Nhật, 12/11/2017 08:46

Ngóng nắng...

TTH - Xứ này mưa suốt. Quanh năm ngày tháng bàng bạc một màu buồn. Mưa rả rích trên mái tôn, xối xả tuôn tràn khắp ngõ ngách.

Mưa đến mức quần áo chẳng mấy khi thấy mùi hương nắng, lúc nào vải vóc cũng lạnh lẽo trên da thịt con người. Những người đàn bà ở khu chợ trung tâm thành phố thường ngồi chống cằm nhìn mưa. Lượng khách ngày một ít đi, họ chỉ tranh thủ những ngày tạnh ráo hiếm hoi mới đổ xô đi mua sắm. Hàng họ ế ẩm lại thêm bực mình chuyện gia đình khiến mẹ trông càng rầu rĩ.

Nhìn qua màn mưa sang phía đối diện bên đường, Hiên thấy đứa em dâu vênh vểnh vào ra mà ghét. Cái giống đã không ưa nhau mà ngày nào cũng phải chạm mặt thật bực bội vô cùng. Mẹ than “không biết kiếp trước tôi ăn ở thế nào mà kiếp này khổ vì dâu con đến vậy”. Than thở thì được gì, mỗi lần Hiên định “xử lý” em dâu thì mẹ đều can. “Nhà này còn có bố mẹ, chưa đến lượt các con phải lo việc đó. Cứ để nó đấy, mẹ khắc có cách”. Cách của mẹ là “chín bỏ làm mười”, là dùng lời lẽ thiệt hơn rủ rỉ bên tai. Nhưng mẹ ơi, người đã hiểu thì không cần để người khác phải nói. Còn một khi đã không chịu hiểu thì mẹ nói thế, nói nữa cũng bằng thừa. Hôm nay không vì nghĩ đến đứa em trai đang nằm cấp cứu trong bệnh viện thì chắc Hiên đã nổi trận lôi đình.

Chiều qua, lúc Hiên đang lúi húi dọn vội đống hàng bị ngấm nước mưa thì một người bạn làm y tá trong bệnh viện gọi điện báo tin em trai Hiên tai nạn. Thảo nào mà từ sáng ruột gan Hiên cứ nóng như lửa đốt. Vợ chồng đứa em về quê ngoại đã hai ngày, nhẽ ra phải có mặt ở nhà từ trưa để lo bán hàng. Ấy thế mà điện thoại không đứa nào nghe máy. Phải đến cuộc thứ sáu mới thấy giọng em dâu nói tỉnh bơ: “Anh ấy bị tai nạn sơ sơ. Mọi người đừng lo”. Vậy mà bạn Hiên nói nặng lắm, mất nhiều máu. Mẹ không chịu ngồi yên, đòi Hiên đèo thẳng lên bệnh viện. Lên đến nơi thấy con dâu nằm ở ghế chờ trước cửa phòng cấp cứu ngủ ngon lành. Em trai Hiên lúc ấy đang trong phòng mổ. Cú va chạm bất ngờ khiến nó dập nát cánh tay, bác sĩ phải phẫu thuật gấp để chỉnh hình và cố định xương. Một lúc sau em dâu tỉnh dậy kể khơi khơi:

- Hôm nay may mà anh Tú xoay người đỡ cho con. Nếu không chắc con đã te tua chứ chẳng lành lặn thế này.

- Nó là con mẹ đứt ruột đẻ ra. Nó bị nặng như vậy mà tại sao con không chủ động gọi về nhà? Mẹ hỏi còn nói bị sơ sơ? Nhỡ nó có mệnh hề gì thì con tính nói sao với mẹ?

- Ôi dào. Mẹ biết thì cũng có giải quyết được gì đâu. Với cả trong bệnh viện con có người quen. Có họ lo rồi, mẹ đừng bận tâm.

***

Mặt Túc cong cớn nhìn lúc nào cũng như cũng muốn thách thức lòng kiên nhẫn của người khác. Cả khu chợ ai cũng bảo nhà Hiên vớ được cô con dâu dữ tướng. Lần đầu em trai dẫn Túc về ra mắt Hiên đã muốn than trời. Cái sự xộc lệch không thể diễn tả bằng lời khi mà trên mặt cô em dâu tương lai bói không ra một nét nào hài hòa chứ đừng nói là phúc hậu. Mẹ lắc đầu than “tướng dữ vậy không biết mai mốt con cái ra sao”. Vậy mà em trai Hiên chết điêu chết đứng. Bỏ bê học hành giữa chừng, rồi kéo nhau về ăn vạ gia đình bắt cưới. Ngăn không nổi, bố mẹ đành gật đầu đồng ý. Có bao nhiêu của nả dồn hết vào hai sạp hàng giao cho chúng làm ăn. Không biết chúng tính toán kiểu gì mà bán hàng chẳng thấy lãi đâu lại cứ ăn thâm vào vốn. Hai sạp rồi dồn thành một sạp, tiền lấy hàng thì hết véo mẹ một ít lại véo Hiên một ít. Mẹ Hiên thì bị khớp nặng, ngày nào cũng tập tễnh buôn bán tích cóp từng đồng lo cho con cái. Ấy vậy mà em trai Hiên không đoái hoài thương, lúc nào cũng đội vợ lên đầu.

Những ngày mưa, Hiên bế con đứng trên tầng ba nhìn xuống thấy Tú dậy từ sớm lúi húi một mình quét dọn nhà cửa, dọn cả sạp hàng. Em dâu ngày nào cũng ngủ đến chín giờ sáng mới uể oải thức dậy, chờ chồng mua sẵn đồ ăn sáng. Nhiều lúc Hiên cứ thắc mắc sao vừa xấu người xấu nết như Túc mà lại tốt phước vậy trời? Em trai cô từ bé không biết động tay chân làm việc nhà, một cái bát cũng không biết rửa. Vậy mà lấy vợ xong, cọ từ bồn cầu vệ sinh đến chợ búa cơm nước. Túc từ khi về làm dâu chưa bao giờ thấy quét cái nhà hay nấu cho bố mẹ chồng một bữa cơm tươm tất. Dịp lễ tết sang nhà bố mẹ ăn cơm chỉ như khách. Dọn ra thì đến, ăn xong lại về. Bỏ mặc chị chồng bụng chửa vượt mặt xoay xở với bát đũa bề bộn trong khi đứa con nhỏ quấy khóc ầm ĩ trong nhà.

Hiên nhiều lần định nói thẳng vào mặt nhưng mẹ đều ngăn. Mẹ thì lúc nào thì cũng sợ người ta dị nghị. Mà cũng tại xóm chợ này chật chội quá, nhà liền nhà, sạp nối sạp. Chị chồng, em dâu lườm nhau cũng thành đề tài bàn tán của đàn bà suốt những ngày mưa. Mẹ cả đời sống hiền lành, nhường nhịn mãi thành thói quen ngấm vào trong máu. Nhiều lúc nhìn mưa ở xứ này Hiên thấy sao nó u buồn đến vậy. Nó giống những con người ngại sự đổi thay, ngại cả quyền tranh đấu để đòi hạnh phúc. Nên người ta dễ dung hòa với cả điều trái với lẽ thường để mưu cầu cái vỏ bọc bình yên.

 * * *

Chồng Hiên là dân công trình nên vắng nhà quanh năm suốt tháng. Hiên dọn về ở cùng nhà bố mẹ đẻ để lúc ốm đau còn có thể cậy nhờ. Ngoài việc chăm con thì hàng ngày Hiên phụ mẹ nấu nướng, giặt giũ và thỉnh thoảng đi lấy hàng trên chợ đầu mối. Từ hôm Tú bị tai nạn, một mình mẹ không thể kiêm ba sạp hàng thành ra Hiên càng bận bịu hơn. Ấy vậy mà em dâu không hiểu vì lẽ gì mặt cứ nặng như chì. Từ viện về nhà nhìn thấy mẹ hì hụi dọn hàng không thèm mở miệng chào. Hiên dậy sớm đi chợ chọn nguyên liệu ngon, nấu mấy món bổ dưỡng vừa mang vào đến nơi thì bị Túc đuổi như đuổi quỷ. “Không ai ăn đâu. Chị mang về đi” đính kèm với bộ mặt khinh khỉnh. Mẹ nhờ mua được ít hoa quả nhập, Túc nói mỉa “đồ ngon quá, ăn không nuốt được. Mẹ để mà ăn”. Tiền bán hàng hộ mẹ ghi ra chi tiết từng món một rồi cẩn thận đưa lại con dâu. Không một lời cảm ơn, Túc cầm nắm tiền xòe ra như muốn hỏi “ủa, ít vậy thôi sao?”. Mẹ không nói được gì, ức nghẹn chạy về nhà khóc. Hiên lúi húi dưới bếp, chợt nghĩ nếu không vì cơn mưa thì có khi cô đã lao sang bên đó mắng Túc một trận cho đỡ tức.

Em trai xuất viện, chưa về đến nhà đã lầm lì bảo:

- Đừng tưởng con đi vắng mà cả nhà hùa vào bắt nạt vợ con.

Hiên cười khan:

- Thử hỏi cả cái chợ này xem ai bắt nạt được vợ em thì chị gọi làm sư phụ. Người ta nhìn thấy con dâu nhà này họ sợ còn phải đứng nép vào một góc.

Hiên chưa nói hết câu đã thấy Túc chạy ra gục vào vai chồng khóc:

- Thôi anh ạ. Là lỗi tại em. Anh đi về đi, đừng nói nữa.

Hiên nổi da gà vì trình độ diễn xuất của em dâu. Đàn bà cỡ đó quả là cao tay, thử hỏi đã mấy người làm được. Trước mặt chồng thì tỏ ra non nớt, tội nghiệp. Sau lưng chồng thì đủ gan thách thức cả thiên hạ. Em trai Hiên khờ quá, yêu như thể bị bùa mê thuốc lú. Hiên định nói mấy lời thật sâu cay mà cửa nhà bên đó đã đóng sầm lại. Hiên bảo mẹ từ giờ kệ tụi nó đi, mẹ đừng lo mãi nữa. Chưa gì Hiên đã nghĩ đến cảnh sau này mẹ mình già có khi con dâu tìm cách đuổi ra đường. Mấy chuyện đó trong thiên hạ đâu có thiếu. Mới nghĩ đến đó mà Hiên thấy xứ này buồn quá. Hay là một buổi sáng nào đó bảo bố mẹ dỡ sạp mà đi. Đi đến nơi nào tràn trề ánh mặt trời thì có khi đời mới vui hơn đôi chút. Sao cứ phải giằng níu mãi những điều không hạnh phúc. Huống hồ hàng hóa thì ế ẩm, đâu còn thời buôn may bán đắt như xưa mà nuối tiếc. Mẹ cười bảo đi đâu được mà đi, cơ nghiệp ở đây, bàn thờ tổ tiên cũng ở đây. Người già kỳ lạ vậy, cả đời sống theo một lối cũ, nghĩ nếp nghĩ cũ. Nếu có ý nghĩ gì tươi mới chắc cũng sẽ trôi theo dòng nước sau một cái rùng mình.

Người xóm chợ dạo này rất thích chạy qua sạp hàng nhà Hiên để kể tốt về con cái họ. Họ khoe mảnh vải mới được con dâu mua tặng nhân chuyến du lịch nước ngoài. Thấy cái vòng ngọc trai này không? Của con trai tui đó, nó nói mua cho mẹ diện khi đi ăn cỗ. Thằng cả nhà tôi mới gửi biếu tiền quà bánh, đã nói bố mẹ không cần tiền vậy mà nó cứ khăng khăng. Bà đi đảo Cô Tô bao giờ chưa? Nghe nói đẹp lắm đúng không? Con dâu bảo đặt vé máy bay biếu bố mẹ đi cơ mà tôi tiếc tiền nên giả vờ kêu không thích. Mẹ nghe xong chỉ cười chỉ gật, mắt ráo hoảnh mà lòng ầng ậc nước. Đàn bà kỳ lạ lắm, thường thì họ rất biết thông cảm, sẻ chia. Nhưng đôi khi lại thích động vào nỗi đau người khác. Ai cũng muốn tỏ ra mình là người hạnh phúc. Chỉ tội cho mẹ chẳng có gì để khoe. Con trai nhu nhược, con dâu hỗn hào. Đến con gái như Hiên đi lấy chồng còn mò về phiền mẹ. Chắc mẹ thấy đời mình khổ quá nên nhiều hôm ngồi khóc vụng một mình.

Hiên bế con đi ngang qua sạp hàng nhà Túc. Con bé nhìn thấy mợ liền reo gọi “mợ ơi”. Túc quay ngoắt vào trong, miệng nựng nịu đứa trẻ nhà hàng xóm. Con Hiên hồn nhiên quá, nó vẫn cầm chùm nho chìa về phía đó ngọng nghịu mời “mợ ăn nho, ăn nho”. Túc chưa có con nên hằn học với cả một đứa nhỏ. Bỗng nhiên Hiên thấy Túc nghèo nàn và đáng thương. Làm sao nói với Túc muốn sống hạnh phúc thì trái tim phải đủ ấm. Muốn làm mẹ thì phải học cách làm con cho thật tốt. Làm sao có thể nói với nhau về những ngày nắng ấm. Khi mưa cứ rả rích trên mái tôn từ ngày này qua ngày khác. Những người đàn bà ngồi chống cằm trong cơn mưa đã không còn chuyện gì đáng để nói với nhau.

Nhưng mẹ bảo “chắc mưa nốt tuần này là trời sẽ nắng”…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người không trở về

Ông đã không trở về giữa dòng người hân hoan chiến thắng trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Người không trở về
Qua đêm giông gió...…

Khu phố mà vợ chồng chị mới chuyển đến ở khá yên tĩnh. Có lẽ cũng vì điều đó mà khi đến xem ngôi nhà có ban công rực rỡ sắc hoa này chị đã đồng ý mua luôn.

Qua đêm giông gió  …
Nhà dột

Nhà nằm trên rừng toàn cây cối um tùm lại nghe nói trong lòng đất từng nuốt trọn xác mấy chiếc máy bay địch. Giờ đất ấy như cục nam châm hút sét.

Nhà dột
Có con chim khách

Bà nằm đó tưởng tượng ra màu lông của chú chim. Hẳn phải là màu xanh da trời, hay màu trắng của những đám mây? Nên tiếng hót mới trong trẻo cao vút như chạm tới đỉnh trời.

Có con chim khách
Mẹ lấy chồng

Từ độ trong năm đã thấy mẹ nói gióng “sau tết mẹ lấy chồng”. Tưởng chỉ đùa vậy thôi hóa ra mẹ lấy thật. Nhẹ hều như chuyện chẳng có gì to tát. Như là mẹ qua sông đi chợ, như ba lô quần áo kia chỉ đủ để mẹ đi thăm bạn bè cũ vài ngày.

Mẹ lấy chồng
Return to top