ClockThứ Ba, 14/08/2018 14:20

Ngủ gật - nguy hiểm rình rập trên những chuyến xe

TTH - Điều khiển phương tiện chở khách bất kể ngày đêm, tài xế không được nghỉ ngơi dẫn đến buồn ngủ là một trong những nguyên nhân chính xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Tài xế ngủ gật, xe tải đông lạnh lật nhào xuống đường

Theo quy định, tài xế không được chạy xe quá 10 tiếng/ngày và không được chạy 4 tiếng liên tục (ảnh có tính minh họa) 

Ám ảnh ngủ gật

Mới đây nhất, vụ tai nạn thương tâm khiến 13 người chết ở Quảng Nam, trong đó có tài xế trú xã Phong Bình (Phong Điền) mà nguyên nhân ban đầu được xác định có thể tài xế ngủ gật như một lời cảnh báo đối với giới lái xe.

Anh Hoàng Văn M. (Phú Vang), một trong những lái xe 16 - 24 chỗ chuyên nhận vận chuyển khách từ du lịch, cưới hỏi, hay thậm chí chạy đường dài cho biết, không riêng gì anh mà nhiều đồng nghiệp khác ám ảnh bởi những cơn ngủ gật khi tay vẫn cầm vô lăng.

Theo anh M., vào những mùa cao điểm như mùa cưới thường nhận kín “sô”, và chạy liên tục. Có ngày chạy 3-4 chuyến, hết trong tỉnh là đi ngoại tỉnh với chiều dài hàng trăm km, điều này dẫn đến mệt mỏi và ngủ gật khi chở khách; nhất là những chuyến chạy đường dài, liên tục và qua đêm. Thời điểm như thế tâm lý cứ cho là tỉnh táo nhưng mắt cứ nhíu lại, khi giật mình mới biết chạy lấn làn rồi hoảng hốt, đạp phanh. Sau những lần như thế, anh M. đã rút kinh nghiệm cho bản thân là tài xế phải biết dừng nghỉ đúng lúc.

“Lúc nào có hiện tượng ngủ gật, tôi thường tấp vào vệ đường chợp mắt 30 phút rồi dậy chạy tiếp. Khách đi trên xe thông cảm cho mình chứ nếu lao đầu chạy tiếp sẽ rất nguy hiểm cho tất cả”, anh M., chia sẻ.

Buồn ngủ là nỗi ám ảnh lớn đối với cánh tài xế, đặc biệt là với tài xế chạy xe đường dài mới vào nghề (ảnh có tính minh họa) 

Tài xế Trương V. P. (TP. Huế)- một trong những tài xế có gần 10 năm hành nghề chạy xe tuyến Huế - Đà Nẵng, cho rằng vì áp lực công việc, mưu sinh kiếm thêm thu nhập mà nhiều người bất chấp, chạy liên tục không cho bản thân nghỉ ngơi. Bản thân anh P. hồi đầu mới vào nghề cũng như thế, có khách là chạy nên tranh thủ thời gian có thể mà quên đi việc tái tạo năng lượng, sức khỏe dẫn đến một số lần tay cầm lái nhưng mắt vẫn cứ lim dim. Có trường hợp suýt gây ra tai nạn.

“Thay vì có thêm tiền nhưng tai nạn có thể rình rập thì nay mình chỉ chạy khi ngủ đủ giấc, tỉnh táo, vừa đảm bảo an toàn cho khách lẫn bản thân”, anh P. tâm sự và đã khuyên nhiều đồng nghiệp trẻ mới vào nghề như thế.

Bất chấp quy định

Nói về vụ tai nạn giao thông nghiệm trọng mới đây, nhiều tài xế khác cho biết, gần như khi những chuyến xe dịch vụ chở khách cưới hỏi, chạy thành đoàn thường có gắn hai chữ “song hỷ” đều có thể dễ dàng “qua mặt” cơ quan chức năng kiểm tra trên các tuyến đường. Khi thấy những đoàn xe này cơ quan kiểm tra hay thông cảm cho qua vì là ngày vui của người ta, cho đi để kịp giờ làm lễ.

Ông Lê Thế Bính, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải khẳng định, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất chặt chẽ, khoa học về thời gian tài xế được chạy bao nhiêu giờ trên ngày và thời gian nghỉ ngơi để vừa đảm bảo sức khỏe lẫn an toàn giao thông. Cụ thể, không được chạy xe quá 10 tiếng/ngày và không được chạy 4 tiếng liên tục mà phải có thời gian nghỉ ngơi ít nhất là 15 phút sau 4 tiếng chạy.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều tài xế không tuân thủ quy định. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn ngoài việc tài xế ngủ gật là tâm lý coi thường của hành khách trong quá trình đi xe mà rõ ràng nhất chính là không thắt dây an toàn, hoặc thắt theo kiểu đối phó.

“Thời gian qua, sở đã xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh vận tải và tước quyền giấy phép lái xe trong vòng 30 ngày đối với một số trường hợp vi phạm nói trên. Với một số trường hợp xe có đăng ký kinh doanh khi bán cho người khác phải trả lại phù hiệu kinh doanh cho Sở Giao thông vận tải và sang tên, đổi chủ trong thời gian một tháng”, ông Bính thông tin.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
An toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn:
Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông nói chung và của “cánh tài xế” là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top