ClockThứ Ba, 27/10/2015 16:43

Ngư phủ...trên núi

TTH.VN - Những diện tích nương rẫy “nhượng” cho thủy điện A Lưới (huyện A Lưới) giờ trở nên mênh mông nước cũng là nơi chốn mưu sinh của nông dân bỗng chốc trở thành…ngư phủ.

Mặc áo phao đánh cá

Lên xã Hồng Thái (huyện A Lưới) hỏi thôn Tu Vay, bà con ở đây vẫn ậm ờ chưa rõ. Thế nhưng, hỏi xóm đánh cá thủy điện thì một thanh niên gác luống cày bên đường nhanh nhảu: “Đi hết con đường, rẽ trái thêm hai dốc là tới.”

Hỏi ra mới biết, trước đây, bà con Tu Vay vốn làm nương rẫy, lúa nước. Từ năm 2011, khi thủy điện A Lưới dần tích nước đến nay đã đạt cao trình phát điện, những diện tích đất nông nghiệp của bản làng bị nước nhấn chìm, bổng chốc thôn dân Tu Vay có một nghề mới: Đánh cá trên sông A Sáp.

Đang lúi húi tranh thủ đan lại tấm lưới trước sân nhà, Hồ Văn Bê (thôn Tu Vay) nói về cái “đời” ngư phủ của mình: “Nhà mình mấy thế hệ theo nương rẫy, trồng lúa nước. Làm rẫy thì phải đi xa, không có ăn. Khi thủy điện dâng nước lên, làm nghề đánh cá có thu nhập hơn vì sông A Sáp chỉ sau lưng nhà. Mình làm nghề cá mới chỉ được 3-4 năm đây mà thôi.”

Hộ anh Bê trước đây có 1 ha rẫy và lúa nước, giờ đã nằm gọn trong lòng hồ. Khi nhà nước thu hồi đất, anh Bê được đền bù 31 triệu đồng. Có được ít tiền, anh liền đánh xe xuống thành phố Huế mua sắm ngư lưới cụ, đóng con thuyền nhỏ để theo nghề cá.

Ngồi kể lại cái “khoảnh khắc vụng về” ngày đầu của một nông dân cầm lưới đánh cá, anh Bê cười che miệng: “Vui lắm. Thả lưới rồi thu lưới mình học mấy ngày mới xong. Khi học xong thì tấm lưới 500 nghìn (3 sải) cũng rách bươm, phải xuống phố mua cái khác. Con cá ngạnh nguồn đầu tiên mình đánh được kho cho hai đứa con ăn. Hắn nói ngon. Thế là mình biết làm nghề.”

Hồ Văn Bê thuần thục buông lưới cá trên sông

Nói đoạn, như muốn tôi tin hẳn, Bê cầm tấm lưới, khoác thêm chiếc áo phao đi lui sau hồi nhà thả lưới một cách thuần thục. Chốc chốc, anh lại đưa ghe sát bờ, gõ nhẹ mái chèo nghe rõ tiếng long bong, long bong để đuổi cá nom rất chuyên nghiệp.

Tôi hỏi: “Đánh cá mà anh mặc áo phao làm chi?” Bê thật thà: “Từ ngày đầu cán bộ xã thấy chưa quen nên bảo mình mặc áo phao thả lưới, lở sảy chân không đuối nước.” Giờ thì anh Bê đã sống được với nghề. Chiếc áo phao cũng đã trở thành thói quen trong nếp sống thường nhật khi làm nghề trên sông nước.

Sông A Sáp chảy vòng từ xã A Đớt của đất Việt qua nước bạn Lào rồi cùng sông Tà Rình bắt đầu từ xã Hồng Trung chảy đến hợp lưu tạo thành ngã ba sông A Sáp- “địa hạt” mưu sinh của dân miền núi đánh cá. Từ nguồn sông A Sáp đã cung cấp bao loài thủy sản nước ngọt có giá trị cho cư dân vốn bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện. Hàng trăm thôn dân các xã Nhâm, Hồng Thái, Hồng Quảng, Hồng Thượng, Sơn Thủy đã sống được với nghề mới, thu nhập ổn định hơn làm nương rẫy.

Lưới cá được dân miền núi “tậu” từ dưới xuôi mang lên để theo nghề

Chị Hồ Thị Lem, vợ anh Bê tâm sự: “Cứ buổi chiều bắt đầu đi thả lưới đến 5-6 giờ sáng hôm sau thì đi thu. Mỗi ngày được 2-3 cân cá thì mình để ăn. Còn được trên dưới 5-7 cân thì mang ra chợ trong xã bán. Cá lấu mỗi cân 150 nghìn đồng; ngạnh nguồn 2-3 con/cân giá 100 nghìn đồng. Nói chung là mình có thu nhập ổn định hơn khi làm rẫy.”

Niềm vui sông nước

Hỏi đường mãi mới tìm được nhà anh Hồ Văn Lân- như lời giới thiệu của bà con nơi đây, anh Lân là “sát thủ” chuyên đánh cá đêm của “làng ngư” Tu Vay. Anh Lân làm nghề ngư giỏi không phải nhờ truyền thống gia đình mà bởi anh biết đầu tư bài bản với nghề. Trong căn nhà Lân, cơ man nào các loại lưới, được anh về tận đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế chọn mua.

Anh Lân kể: “Khi nhà nước thu hồi đất, mình có 3 sào cà phê, thêm mấy ha rẫy và lúa nước, tổng thảy được đền bù hơn 100 triệu. Cầm tiền mình nghĩ, không đầu tư gì thì tiêu hết mất. Nước ngập rồi, mình cũng như bà con chọn nghề đánh cá. Theo đuôi con cá trên… núi nhiều khi cũng vui.”

Các loại cá trắm, cá chép được anh Lân đánh bắt ở vùng xa trên thượng nguồn sông A Sáp có giá trị kinh tế rất cao. Bình quân anh Lân kiếm được từ 5-7 trăm nghìn đồng/đêm. Đúng mùa cá chép, cá trắm đẻ trứng, có khi trúng vài triệu đồng/đêm. Đó là thu nhập “ước mơ” của cư dân miền núi.

Ngồi trò chuyện, nhớ lại ngày đầu quyết định theo với nghề cá, anh Lân kể: “Cầm tiền hai vợ chồng cứ dấm dúi. Cha sinh mẹ đẻ đến chừ chưa khi mô tui cầm được nhiều bạc ri. Vợ bảo đầu tư trồng sắn. Tui nói ừ ừ, về Huế tui mua lưới, liều hỏi thợ đóng thuyền. Khi mang đồ ngư nghiệp về nhà vợ chỉ biết… cười trừ thôi.”

Niềm vui sông nước

Nhờ nghề mới lưới cá trên sông mà anh Lân sắm được xe máy, sửa sang nhà cửa, nuôi được con ăn học đàng hoàng. Giờ như lời anh Lân nói, nhắc lại “chuyện trồng sắn”, vợ cứ nựng nói chồng đúng, chồng giỏi, anh cũng cảm thấy tự hào khi mình trở thành trụ cột gia đình, không còn phải quay quắt theo mấy mùa nương rẫy. Nghề cá đã thay đổi bao nguồn sinh kế, cách nghỉ giản đơn của cư dân miền núi. Như gia đình anh Hồ Văn Bê và chị Hồ Thị Lem, nhờ nghề lưới cá cũng nuôi hai người con đang học THCS ở trường trong xã đàng hoàng. Anh Bê còn dự kiến đầu tư thêm ngư lưới cụ, sắm thêm phương tiện để sống với nghề lâu dài.

“Ngoài khuyến khích, hướng dẫn bà con đầu tư ngư lưới cụ để theo nghề mới, trong những năm vừa qua, nhằm tăng thêm thu nhập, địa phương Hồng Thái cũng kết hợp với các ban ngành mở nhiều lớp tập huấn về nuôi cá lồng nước ngọt trên lòng hồ thủy điện, giúp bà con nông dân sản xuất ổn định”.- ông A Viết Cầm, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho hay.

Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng

Hiện nay, cho vay tiêu dùng được đánh giá là một lĩnh vực "nóng". Số liệu thống kê đến cuối năm 2023 cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng.

Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Return to top