ClockThứ Năm, 06/12/2018 14:00

Người cán bộ dân số nhiệt huyết

TTH - Dù được đồng nghiệp đánh giá cao nhưng chị Phạm Thị Ngọc Phượng, cán bộ chuyên trách dân số phường Thủy Dương (TX. Hương Thủy) rất ngại nói về mình. Được sự “can thiệp” của Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Thủy và Trưởng trạm Y tế phường Thủy Dương, chị mới dành thời gian trò chuyện nhiều hơn về công việc.

42 năm và chuyện kể về trạm y tế cơ sởĐược dân tin là vui

Nhiệt tình, trăn trở với công việc giúp chị Ngọc Phượng làm tròn nhiệm vụ cán bộ chuyên trách dân số

Sinh năm 1968, chị Ngọc Phượng có nhiều năm làm cán bộ phụ nữ ở thôn, tạo được chữ tín với nhiều người dân trong khu vực bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Năm 2005, lãnh đạo phường phân công chị làm cán bộ chuyên trách dân số. Được giao nhiệm vụ mới, với chị là niềm vui, nhưng cũng là thách thức, vì đây là thời điểm yêu cầu của công tác dân số đặt chỉ tiêu cho các địa phương rất lớn. Hơn nữa, phường Thủy Dương nằm ở cửa ngõ phía Nam TP. Huế, đặc thù “nửa làng nửa phố”, trình độ dân trí không đồng đều, tình hình biến động dân số phức tạp, nhận thức về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) còn nhiều hạn chế.

Chị đã xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm chu đáo. Để làm được việc này, chị Phượng rà soát điều tra tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của phường; từ đó phân loại trường hợp sinh con 1 bề, hoặc sinh 2 con để vận động KHHGĐ. Không chỉ thế, chị phối hợp với các đoàn thể, như hội phụ nữ, thanh niên duy trì tốt các mô hình, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, tiền hôn nhân, bình đẳng giới... sinh hoạt đều đặn vào ngày 25 hàng tháng để tuyên truyền vận động sinh đẻ kế hoạch đến mọi người. Hàng tháng chị theo dõi, giám sát, kiểm tra sự biến động dân cư trong từng thôn, tổ; tham gia sinh hoạt với chị em ở cơ sở để trao đổi các vấn đề liên quan đến phụ nữ, tuyên truyền vận động những vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai, nâng cao chất lượng dân số.

Chị Phượng tâm sự, lúc đầu khi đi tuyên truyền, vận động người dân về công tác DS/KHHGĐ, chị rất ngại, nhưng trách nhiệm với công việc, cố gắng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên công tác tuyên truyền tại phường Thủy Dương bước đầu đạt kết quả tốt, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Theo chị, người cán bộ chuyên trách dân số cần có rất nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng quan trọng nhất là tuyên truyền vận động, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình để chia sẻ những điều tế nhị đúng lúc, đúng cách mới giúp cho chị em hiểu được, rồi từ hiểu để làm theo. Điều làm chị nhớ, cảm thấy day dứt nhất là đến tuyên truyền, vận động những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng vì không có con trai để “nối dõi tông đường” vẫn quyết tâm sinh thêm để kiếm bằng được “quý tử”. Thế nên, cuộc sống của những gia đình này đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ngay cả những gia đình có kinh tế khá giả, vẫn quyết tâm sinh nhiều con với tâm lý “thêm con hơn thêm của”. Vì vậy, trong những lần đến các gia đình có ý định “vượt rào” để tuyên truyền, vận động, chị Phượng phải khéo léo, tế nhị lấy những tấm gương người thật, việc thật để giúp các chị em và những người chồng hiểu về những hệ lụy của việc đẻ nhiều, đẻ dày và lợi ích việc sinh đẻ có kế hoạch...

“Mưa dầm thấm lâu”, với sự nhiệt tình, tâm huyết, kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động của nữ cán bộ dân số phường Thủy Dương, người dân địa phương dần dần hiểu và thực hiện tốt chính sách DS/KHHGĐ. Nhờ thế,  tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của phường giảm từ hơn 34% (năm 2005) xuống còn 12% như hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Trưởng trạm Y tế phường Thủy Dương nói: “Chị Phạm Thị Ngọc Phượng là cán bộ chuyên trách có lối sống giản dị, nhiệt tình trong mọi công việc chuyên môn. Nhiều năm qua, chị được thị xã, tỉnh khen thưởng về thành tích làm tốt công tác DS/KHHGĐ, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng dân số ở địa phương”.

Bài, ảnh: Minh Trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top