ClockThứ Năm, 03/09/2015 18:09

Người anh hùng trong lòng dân

TTH - Đã 65 năm qua đi, kể từ ngày ngã xuống trên mảnh đất thôn Quy Lai (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang), liệt sĩ Trần Hiến vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân.

Ông Phạm Hữu Bỉnh xúc động đến bến sông trước đình làng Quy Lai, nơi liệt sĩ Trần Hiến ngã xuống

Bô lão làng Quy Lai gửi tờ trình đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và Báo Thừa Thiên Huế với mong mỏi liệt sĩ Trần Hiến được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Những nét bút già nua, nhưng lòng kính phục yêu thương vẫn nguyên đầy.

“Có cái chết hóa thành bất tử”
Những chữ ký dưới “câu chuyện” xúc động về liệt sĩ Trần Hiến nối hiện tại với năm tháng đau thương mất mát nhưng hào hùng. Cách mạng Tháng Tám thành công, anh Hiến tham gia hoạt động trong Ban chấp hành Thành đoàn Thanh niên cứu quốc. Sau khi địch tái chiếm Thừa Thiên Huế vào năm 1947, đầu năm 1948, chúng mở rộng vùng chiếm đóng đồn Quy Lai, càn quét bắn giết những người đi theo cách mạng, đốt nhà cướp của, giết hại đồng bào vô cùng tàn bạo. Lúc này, anh Hiến tham gia Ủy ban Hành chánh và kháng chiến của xã Phú Tài (nay là xã Phú Thanh). Anh được phân công làm Trưởng ban Thông tin và tuyên truyền của xã, bí mật bám dân, vận động Nhân dân không đi lính cho giặc giết hại đồng bào, ủng hộ lương thực, tiền bạc, thuốc men cho cách mạng, ra vùng giải phóng tham gia lực lượng vũ trang, chiến đấu chống quân thù xâm lược. Đồng thời, vận động những người đi lính cho Pháp lấy súng của địch về với cách mạng. Nhờ sự vận động của anh Hiến, ông Cai Trạch, Phó đồn Quy Lai đã mở cửa cho bộ đội vào tiêu diệt đồn. Trận đó, quân ta diệt hai lính Tây, bắt một số tù binh và thu toàn bộ vũ khí, rút về an toàn.
Tức tối, địch tăng cường càn quét và đã bắt được anh Hiến vào ngày 3/9/1950. Bọn chúng giam anh ở đồn Đệ Linh (Hương Trà) rồi đưa về đồn Mang Cá, đồn Tây Thượng. Đủ các ngón tra khảo nhưng vẫn không moi được tin tức gì, bọn địch đưa anh Hiến về đồn Quy Lai. Trước mặt dân làng, 6 tên ác ôn khét tiếng ở đồn Quy Lai dàn hàng ngang bắn anh, để uy hiếp tinh thần người dân. Chúng hỏi cần nói gì trước khi bị bắn, anh liền hướng về phía đồng bào dõng dạc: “Hiến này chết đi thì sẽ có hàng trăm Hiến khác tiếp tục nối bước. Đồng bào đừng nghe theo lời của giặc mà theo địch giết hại dân ta”. Lời cuối, anh hô vang: “Việt Nam nhất định độc lập, cách mạng nhất định thành công, Bác Hồ muôn năm!” Khiếp sợ trước khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng, địch vội vàng nổ súng. Trần Hiến ngã xuống, nhưng anh đã truyền lại tinh thần bất khuất cho đồng chí đồng đội, người dân thôn Quy Lai và thế hệ mai sau.
Vẹn nguyên niềm kính phục

Bà Phạm Thị Giá (vợ liệt sĩ Trần Hiến) cất giữ mãi niềm yêu thương nơi sâu thẳm trái tim

 
Không một số điện thoại, nhưng qua “kênh” người dân, chúng tôi không khó để tìm được các bô lão thôn Quy Lai đã gửi đi những dòng gan ruột. Ông Phạm Hữu Bỉnh (83 tuổi) xúc động kể, lúc đó địch cho người gõ mõ dồn hết dân ra trước đình làng, nơi người chiến sĩ cách mạng 24 tuổi đã đối diện với 6 họng súng của kẻ thù. Trong lúc dân làng lo lắng, sợ giây phút đau thương nhất đang đến gần thì anh Hiến bình thản hướng về phía đồng bào bằng ánh mắt thân thuộc. “Khi vừa dứt những lời nhắn nhủ, anh giơ tay hô “Việt Nam nhất định độc lập, cách mạng nhất định thành công”. Bọn địch vội vàng nhả loạt đạn thứ nhất. Cánh tay trúng đạn đẫm máu, rơi thõng xuống. Anh giơ cánh tay còn lại tiếp tục hô “Bác Hồ muôn năm”. Sau loạt đạn thứ hai anh mới ngã xuống…” - Ông Bỉnh nghèn nghẹn. Mắt hoe đỏ. Mái đầu bạc phơ cúi xuống, như giây phút bi hùng các đây 65 năm, ông và dân làng Quy Lai cúi đầu thầm lặng tiễn biệt anh. Ông Dương Xuân Lãng (79 tuổi) đưa hai bàn tay chai sần thời gian lên thấm mắt: “Lúc chứng kiến anh Hiến ngã xuống nơi bến sông trước đình làng, tui mới 14 tuổi. Nhưng thời gian dù có trôi qua, khí phách anh hùng của anh vẫn không bao giờ nhạt phai trong tâm trí. Dân làng tiễn biệt anh, nhưng giữ lại trong lòng niềm yêu thương vô hạn”.
Niềm yêu thương đó, bà Phạm Thị Giá (vợ liệt sĩ Trần Hiến) luôn cất giữ ở nơi sâu thẳm nhất trong trái tim. “Đó là một buổi chiều mưa lạnh. Tui run lật bật ôm đứa con gái 3 tháng tuổi chạy ra trước đình làng. Thấy chồng bình thản đứng trước những họng súng của 6 ác ôn, tui té xuống ngất xỉu. Ai đó bồng con tui cũng không biết nữa. Khi nghe tiếng anh nói chuyện với dân làng, tui tỉnh dậy vùng chạy, không thể tận mắt nhìn giặc giết anh. Tui đứt ruột đứt gan rồi ngất đi, mê man tại một nhà dân trong thôn.”- bà Giá nhớ lại. Hôm sau tỉnh dậy, người vợ đau đớn tìm cách mai táng chồng. Nhưng bà được cho biết, bọn địch canh chừng rất ngặt. Dân làng đã dùng chiếc chiếu mới (của một người làng mua về để dùng đỡ giá rét) lặng lẽ chôn cất thi thể anh ngay trong đêm. “Dân trong thôn hồi đó nhiều người rất cực khổ, chiếc chiếu mới đối với họ rất quí. Vậy mà… Coi như chồng tui được chôn cất bởi tình cảm của người dân” - bà Giá xúc động. Ông Hồ Ngọc (92 tuổi, lúc đó là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phú Tài, người từng hoạt động và chung hầm bí mật với anh Trần Hiến) và ông Dương Xuân Trinh (83 tuổi, lúc đó là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã) cũng vẹn nguyên niềm kính phục trước tinh thần bất khuất của liệt sĩ Trần Hiến. Ông Trinh trầm giọng: “Sau khi anh Hiến hy sinh, lễ truy điệu bí mật đã được tổ chức tại xã Phú Xuân (xã bên), lực lượng dân quân tự vệ xã phát động phong trào giết giặc để trả thù cho anh và những chiến sĩ đã ngã xuống”.
Ông Trinh thay bộ trang phục trang trọng, dẫn chúng tôi ra bến sông trước đình làng, nơi liệt sĩ Trần Hiến đã truyền lại ý chí cách mạng kiên cường, trước lúc ngã xuống. Trên bến, một người phụ nữ đang giặt giũ. Chị bảo, dù là thế hệ sau nhưng chị và những người cùng thời đều thấm thía câu chuyện về người liệt sĩ đáng kính. Dòng sông êm đềm trôi. Quy Lai thật yên bình. Sự yên bình được dựng xây bởi cuộc đời và tuổi thanh xuân của biết bao chiến sĩ cách mạng. Trong đó có tuổi trẻ của liệt sĩ Trần Hiến hòa quyện trong hồn thiêng sông nước…
Theo bà Văn Thị Kim Liên, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh, xã sẽ cử cán bộ đến Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Phú Vang để tìm hiểu về chính sách, chủ trương và điều kiện truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân mới có hướng cụ thể đối với trường hợp liệt sĩ Trần Hiến. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Vang cho biết: Để được truy tặng, người đó (tức người được đề nghị) phải có thành tích, có nhân chứng xác nhận. Thường vụ Huyện ủy thẩm định xong gửi hồ sơ đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đơn vị này gửi hồ sơ để Quân khu và Bộ Quốc phòng thẩm định. Sau khi thẩm định, Bộ Quốc phòng đề nghị Nhà nước tặng. Việc làm hồ sơ phải có chủ trương, theo quy định của Bộ Quốc phòng và có từng đợt. Nhiệm kỳ trước, đã rà soát truy tặng một số trường hợp. Cách đây hơn 1 năm có một đợt rà soát nhưng không có hồ sơ nào. Hiện chưa có đợt mới. Nếu có chủ trương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Vang sẽ phổ biến về xã để địa phương triển khai rà soát, lập hồ sơ.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân

Ngày 28/3, ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp dân tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cùng dự buổi tiếp dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, TX. Hương Trà, lãnh đạo phường Hương Xuân và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top