ClockThứ Tư, 18/05/2016 14:14
Hội thảo chủ nghĩa đa văn hóa:

Người Azerbaijan cũng “trọng tình và trọng gia đình” như người Việt

Cách xa nhau nghìn trùng nhưng hai nước Việt Nam và Azerbaijan có nhiều nét tương đồng về văn hóa như rất coi trọng tình cảm và yếu tố gia đình.

Hôm 17/5, Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan tổ chức Hội thảo “Tương đồng văn hóa giữa Azerbaijan và Việt Nam – Chủ nghĩa đa văn hóa: Chìa khóa cho hòa bình và ổn định”.

nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 0
Đại sứ Azerbaijan Imanov phát biểu khai mạc Hội thảo về nét tương đồng văn hóa Azerbaijan-Việt Nam 2016, tổ chức tại Hà Nội.
Tới dự sự kiện này có các nhà ngoại giao, nhà khoa học, nhà báo, và đông đảo cựu sinh viên Việt Nam từng học ở Baku cũng như các bạn sinh viên Việt Nam đang theo học các trường đại học ở Hà Nội.

Với chủ đề “hòa bình và ổn định”, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh vừa xảy ra xung đột đẫm máu ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov cho biết, từ năm nay trở đi, Hội thảo “Tương đồng văn hóa giữa Azerbaijan và Việt Nam” là một sự kiện thường niên, là diễn đàn cho những người quan tâm tìm hiểu và chia sẻ hiểu biết về văn hóa hai nước.

Hội thảo đầu tiên thuộc loại này diễn ra vào năm 2015.

Tôn trọng đa dạng văn hóa để giải quyết xung đột

Theo Đại sứ Imanov, năm 2016 ở Azerbaijan được lấy làm năm về chủ nghĩa đa văn hóa, thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh.

Vị đại sứ này cho biết, trong lịch sử, Azerbaijan là nơi hội tụ của nhiều tộc người chung sống hòa bình bên nhau – đây là mảnh đất đa sắc tộc và đa tôn giáo. Ông khẳng định, hiện nay nhà nước Azerbaijan theo đuổi cách tiếp cận đa văn hóa, coi đó là chính sách quốc gia và là cơ sở cho sự phồn vinh.

nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 1
Đại sứ Vũ Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO Bộ Ngoại giao Việt Nam trình bày tham luận.
Trong khi đó, Đại sứ Vũ Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong tham luận của mình đã dẫn lại lời của Tổng thống Azerbaijan Aliyev khẳng định không có sự lựa chọn nào khác ngoài cách tiếp cận đa văn hóa, vì nếu khác đi thì sẽ dẫn tới tình trạng bài tôn giáo, phân biệt đối xử với các nền văn hóa khác, mà điều này rất nguy hiểm (có thể dẫn tới xung đột, khủng bố và chiến tranh).

Văn hóa trọng tình

Azerbaijan nằm ở vùng Kavkaz sát với Iran và Nga, còn Việt Nam nằm ở vùng Viễn Đông của châu Á. Thế nhưng văn hóa hai nước vẫn có nhiều điểm giống nhau đến lạ kỳ.

Ông Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan nhấn mạnh đến chủ trương của cố Tổng thống Azerbaijan Heydar Aliyev giải quyết xung đột qua biện pháp hòa bình.

Là một người có nhiều năm học tập ở Azerbaijan thời Liên Xô cũ, ông Khải cho biết ông nhận thấy chất nhân văn chủ nghĩa được thể hiện rõ trong các tác phẩm văn chương của Azerbaijan, rất giống với tư tưởng hòa hiếu, khoan dung của người Việt.

Các cựu sinh viên Việt từng theo học ở Azerbaijan ghi nhận chất “trọng tình” thể hiện rõ trong thái độ hiếu khách đặc biệt của người dân nước này.

nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 2
Một cảnh trong clip về các cựu sinh viên Việt Nam biểu diễn văn nghệ ở Baku giai đoạn thập niên 1970, được trình chiếu tại Hội thảo.
Nhà báo Phùng Ngọc Đức kể rằng trong thời gian 6 năm học ở Baku, ông nhận thấy người dân Azerbaijan coi khách như người nhà, chăm sóc cho khách từ từng miếng ăn, “liên tục tiếp thức ăn cho khách” trong bữa cơm. Ông kể, khi gia đình mà ông quen biết có sự kiện trọng đại, họ bao giờ cũng mời ông tới dự như một thành viên trong gia đình.

Một cựu sinh viên khác, ông Võ Xuân Định, kể lại câu chuyện về một bà mẹ nuôi là người Azerbaijan - bà thường giữ các sinh viên Việt Nam ở lại rất lâu, chuẩn bị nhiều thức ăn cho họ, và dặn mang theo thức ăn khi về ký túc xá.

Còn bạn trẻ Phương Thảo, từng đoạt giải trong cuộc thi viết tiểu luận về Azerbaijan năm 2014, cho biết: Ở Azerbaijan, “khách đến nhà được coi như một dịp đặc biệt đối với gia đình”. Chủ nhà thường rất xởi lởi với khách, cố gắng thết đãi khách một cách thịnh soạn nhất có thể, tạo cho khách chỗ ngủ thoải mái nhất... Lòng mến khách này còn mở rộng sang cả những người hoàn toàn xa lạ, thể hiện ở những trạm dừng nghỉ trên đường (thời xưa) dành cho các lữ khách lạ (như các thương gia trên con đường Tơ lụa lịch sử hay những người bị lạc đường).

nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 4
Bạn trẻ Phương Thảo thuyết trình về gia đình Azerbaijan và cách xưng hô thân tộc trong ngôn ngữ Azerbaijan.
Phương Thảo còn phát hiện tính chất trọng tình cảm trong ngôn ngữ Azerbaijan, thể hiện qua cách xưng hô thân tộc (anh/chị, cô/chú, ông/bà...) được mở rộng ra ngoài xã hội, coi cả xã hội như một đại gia đình – điều hiếm gặp trong các ngôn ngữ phương Tây nhưng đặc biệt phổ biến trong tiếng Việt.

Gia đình trên hết

Tiếng là châu Âu, nhưng văn hóa Azerbaijan có nhiều điểm khác với Tây Âu. Ở Azerbaijan, gia đình có vị trí rất đặc biệt.

Trước đó trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Imanov cho biết, văn hóa Việt Nam và Azerbaijan chia sẻ nhiều giá trị chung như rất coi trọng gia đình.

Còn theo nghiên cứu của bạn Phương Thảo, người Azerbaijan giống người Việt ở chỗ sống rất gần với gia đình, “các quyết định lớn trong đời của con cái đều được đưa ra bàn bạc trong gia đình, tìm kiếm sự cho phép của cha mẹ”, khác với thanh thiếu niên phương Tây.

Vẫn theo Phương Thảo, mỗi khi đến dịp lễ lớn, người Azerbaijan thường dành nhiều thời gian sum họp bên gia đình.

Trong khi đó ông Võ Xuân Định khẳng định người Azerbaijan coi trọng mái ấm gia đình và sự thủy chung. Nhà báo Phùng Ngọc Đức thì nhận xét, người Azerbaijan rất “gia phong, gia giáo, bề dưới phải lễ phép với bề trên”.

Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đấu tranh chống bất công

Ông Văn Đình Ưng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan đã so sánh khát vọng độc lập tự do cháy bỏng của Việt Nam trong quá khứ với các nỗ lực kiên quyết của Azerbaijan trong việc xác lập nền độc lập dân tộc của họ.

Trong chiều dài lịch sử, cả hai dân tộc đều bị nhiều thế lực ngoại bang dòm ngó và xâm lược, và do vậy cả hai đã phải tiến hành các cuộc đấu tranh quyết liệt và bền bỉ để giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ bản sắc riêng trước những sự cưỡng ép văn hóa từ bên ngoài.

Nhà báo Phùng Ngọc Đức phân tích về truyền thuyết cô gái ở Tháp Trinh nữ (thủ đô Baku) rồi liên hệ với Việt Nam, cho rằng nhân dân hai nước từ thời trước đều mong muốn đấu tranh chống bất công, bảo vệ những người yếu thế, giữ gìn danh dự con người.

Triển vọng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa

Tiến sĩ Đào Xuân Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Thông tin Đối ngoại (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương), nhận thấy 2 nước có các điểm tương đồng văn hóa như nhiều lễ hội truyền thống, nhiều điệu nhạc và điệu múa dân gian, nhiều phong cảnh đẹp và công trình kiến trúc cổ xưa, trong đó có các công trình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Qua lăng kính của ông Tiến, hai nước còn giống nhau ở tiềm năng... cờ vua. Việt Nam tuy mới gia nhập làng cờ vua thế giới nhưng đã có nhiều đại kiện tướng quốc tế. Còn Azerbaijan thì có phong trào cờ vua mạnh từ xưa. Đặc biệt, nhân vật nổi tiếng Garry Kasparov (được nhiều người coi là kỳ thủ cờ vua mạnh nhất thế giới qua mọi thời đại) cũng sinh ra và lớn lên ở Azerbaijan.

Trên cơ sở đó, ông Tiến đề xuất tăng cường hơn nữa giao lưu văn hóa giữa 2 nước theo hướng đi vào chiều sâu và thiết thực. Ông mong mỏi phía Azerbaijan sẽ sớm mở một trung tâm văn hóa Việt Nam để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, một chuyên gia hàng đầu về biển đảo thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, đã trình bày tham luận nhìn nhận văn hóa hai nước từ góc độ biển. Theo ông, mỗi dân tộc đã hình thành một nền “văn hóa biển” riêng, độc đáo và hấp dẫn. Ông Hồi cho rằng tuy văn hóa biển của hai dân tộc không hoàn toàn và không nhất thiết phải giống nhau nhưng chúng có thể bổ trợ cho nhau, kết nối với nhau. Tiến sĩ Hồi nhấn mạnh, đây là một hướng hợp tác rất triển vọng giữa 2 nước trong thời gian tới./.

Một vài hình ảnh về buổi hội thảo văn hóa Azerbaijan 2016:

nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 6
Tiến sĩ Chu Hồi, Đại sứ Imanov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan Vũ Khải, Đại sứ Vũ Bình tại Hội thảo.
 
nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 7
Clip giới thiệu về âm nhạc Azerbaijan.
 
nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 8
Một cán bộ trẻ của Viện Nghiên cứu Con người (Việt Nam) chăm chú theo dõi các diễn giả.
 
nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 9
Ông Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan, phát biểu tại Hội thảo.
 
nguoi azerbaijan cung "trong tinh va trong gia dinh" nhu nguoi viet hinh 10
Các nghiên cứu viên và các nhà báo dự Hội thảo.

 

Theo VOV

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Return to top