ClockThứ Ba, 10/11/2015 10:58

Người chị Huế ở chợ Bến Thành

TTH - “Huế mưa to có lụt không em? Nước đã tràn Đập Đá chưa?”. Tiếng của chị bên kia đầu dây đầy vẻ lo lắng, bồn chồn. Giữa cơn mưa tầm tã của chiều Huế, tôi thấy lòng ấm lại.

Chị tên là Vân, chỉ là người bán hàng ăn ở chợ Bến Thành. Chị em quen nhau cũng thật tình cờ, cứ nghe giọng Huế giữa nơi xa lạ là sáp lại hỏi thăm. Chị hỏi thăm tôi dè dặt rồi mừng rỡ, tôi hỏi thăm chị vừa ngạc nhiên, vừa mừng thầm. Rồi mấy chị em ở gần đó, là người Huế, cũng quây lại hỏi thăm. Thiệt lạ cho tình quê hương, dù lạ, dù xa đến mấy mà cứ nghe tiếng Huế là thấy thân tình, thương mến liền. Thế mà trước đó, khi tôi chưa mở lời chỉ nghe các chị toàn nói giọng Sài Gòn mời khách, khi nhận ra đồng hương Huế thì mấy gian hàng quanh đó bỗng trở thành một không gian nhỏ của riêng Huế.

Chưa có con số thống kê có bao nhiêu người Huế đang làm ăn ở TP Hồ Chí Minh và dĩ nhiên ở chợ Bến Thành cũng vậy, nhưng hỏi thăm thì ai cũng có thể chỉ cô đó bán hàng dây nịt, giày dép là người Huế đó; rồi chị này bán hàng guốc dép là người Huế… Lên hàng vải cũng có vài bà người Huế… Chẳng biết buôn bán ở đây cực khổ hay sung sướng như thế nào, nhưng qua cách nói chuyện của các chị tiểu thương ở chợ Bến Thành, thì chị em tiểu thương gốc Huế được kính nể, bởi vì “họ bán buôn nhẹ nhàng, biết nhường chị nhường em và cũng thật thà” như lời nhận xét của bà Ba bán dạo bánh mứt rim ở cổng chợ khi nói về người Huế ở chợ Bến Thành. Chính bà cũng kể câu chuyện đời mình, rằng bà mang ơn một chị người Huế- vốn dòng hoàng tộc, trước đây buôn bán ở chợ Bến Thành- đã dạy cho bà cách làm mứt, bánh… Gần 40 năm qua, nhờ vào việc làm bánh mứt này mà bà nuôi được gia đình. Bây giờ đã 72 tuổi, bà vẫn bám chợ với mẹt mứt bánh. Nhìn thau mứt chùm ruột đỏ hồng, mứt quật rim mọng vàng, nước đường trong vắt là đủ biết tài nghệ của người đã dạy nghề cho bà.
Câu chuyện của chị em nhà Phượng, Vân là thế hệ thứ hai trong gia đình buôn bán ở chợ Bến Thành. Ở Huế, nhà chị Phượng ở trong Thành Nội. Năm 1972 ba má chị đưa gia đình vào Sài Gòn làm ăn. Buổi đầu má chị làm bánh lọc bưng bán dạo quanh chợ. Những ngày đầu cả nhà ăn trừ cơm cũng không hết, nguyên nhân là do má chị làm nước mắm mặn như ở Huế, người Sài Gòn ăn không quen. “Bây giờ thì cũng bánh lọc, bánh bèo Huế đó nhưng phải pha ngọt ngọt tý chút để chiều khách. Dù sao cũng không thể giữ nguyên được em à!” chị cười như giải thích cho sự “phai lạt chất Huế” trong món ăn đặc sản của quê hương. Chị cũng kể rằng bây giờ má chị giao lại quầy hàng này cho hai chị em, làm ăn cũng được; rằng má chị thường nhắc đến Huế với một tấm lòng thương nhớ khôn nguôi, nhờ có món bánh bèo, bánh lọc mà má chị nuôi cả gia đình; rằng má chị cũng nói “nhờ ơn giải phóng”, nhờ đất nước giải phóng mà má chị được phân một lô bán hàng ở chợ Bến Thành chứ làm sao có vốn mà sang một lô hàng được. Mấy mươi năm làm ăn, gia đình chị đã có một chỗ cư ngụ.
Chị Phượng sinh ở Huế, chứ Vân sinh tại TP Hồ Chí Minh nhưng giọng Huế vẫn rặt. Vân thân thiết như là quen lâu lắm “ Chị ăn thử chè hạt sen đi, chè em nấu đó”. Trong giọng nói của Vân tôi cảm nhận được rằng Vân vui vì gia đình em là người Huế, mà “người Huế thì nấu chè hạt sen ngon, nói chung là nấu ăn ngon…”, Vân đã khẳng định chắc nịch như thế. Tôi nhìn quanh khu vực ẩm thực của chợ Bến Thành, có đến mấy quầy bán bánh lọc, bánh bèo, bún bò Huế, bất giác tôi thầm cảm ơn những người mẹ Huế nghèo ngày nào đã đem món ăn quê nhà làm nghề mưu sinh và bây giờ truyền nghề cho con cái, để món ăn Huế hiện diện ở chợ Bến Thành - trung tâm mua bán - điểm tham quan du lịch hấp dẫn của TP Hồ Chí Minh bây giờ. Đó cũng là một cách nhắc nhở Huế đang có mặt ở Sài Gòn thông qua ẩm thực.
Nói đến ẩm thực tôi bỗng nghĩ đến hai người phụ nữ Huế đang rất có “uy tín” ở TP Hồ Chí Minh trong việc giới thiệu, quảng bá, truyền dạy ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực cung đình Huế nói riêng, đó là nghệ nhân Hoàng Anh và nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh. Cả hai danh nữ Huế này đều là chuyên gia được mời tham gia viết sách về ẩm thực Việt, xuất hiện trong các chương trình truyền hình dạy nấu ăn của Đài HTV7 và những lớp dạy nấu ăn ở các hội phụ nữ… cho nên, nói như Vân “ở đây, ai cũng tín nhiệm phụ nữ Huế nấu ăn ngon, điều đó như mặc định, không cần bàn cãi…”. Thiệt là vui khi nghe những lời như thế trong tiếng ồn ã của chợ Bến Thành.
Câu chuyện trong chiều cuối ngày hôm ấy với chị Anh - con gái của nhà hàng Bánh khoái Lạc Thiện nổi tiếng ở Huế - đang bán quầy dây lưng, túi xách ở chợ Bến Thành - cho tôi nhận ra thêm một sự thực rằng, những người con Huế xa quê ai cũng dành một tình yêu thật sự cho quê nhà.
Thế cho nên tôi đã nghe tiếng chị Phượng đầy lo âu khi Huế đang vào mùa mưa, mùa của gió bão và lụt lội “Cầu mong cho năm nay ông Trời “hiền” em hí. Ở đây nắng ráo quanh năm, ước chi đem được chút nắng Sài Gòn về Huế”, tiếng chị cười thay cho lời chào. Và tôi như thấy có một vạt nắng chiều đang lên...
 
Xuân An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top