ClockThứ Sáu, 17/02/2017 05:31

Người chiến sĩ biệt động năm ấy

TTH - Mấy chục năm trôi qua, ông Nguyễn Văn Chấp, Đội trưởng Đội biệt động TP. Huế năm xưa vẫn chưa bao giờ nguôi quên những trận đánh ác liệt sinh tử và máu xương của cha anh, của những đồng đội đã ngã xuống cho cuộc sống thanh bình hôm nay.

Một lần làm việc với lão cựu binh Hồ Văn Sẹo ở phường Hương Long (TP. Huế), chúng tôi nghe ông xuýt xoa kể về lòng can đảm, kiên cường của đồng đội - ông Nguyễn Văn Chấp, Đội trưởng Đội biệt động TP. Huế ngày ấy. “Hình như bây giờ ông ấy ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền”- ông Sẹo nói.

Ông Chấp kể lại những trận đánh năm xưa

Lấy nỗi đau làm sức mạnh

Thông tin khá mơ hồ, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, với một Đội trưởng Đội biệt động thành có vị trí trong ký ức đồng đội như thế, sẽ không khó tìm dù giữa “biển” người. Chúng tôi đến UBND xã Phong Sơn để nhờ giúp. Quả thật, mới nghe tên, chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã này nói ngay: "Ông Nguyễn Văn Chấp hiện ở xã Phong Xuân", đồng thời sốt sắng chỉ đường cho chúng tôi rất tỉ mỉ.

Cuối con đường làng, nhà ông Chấp yên bình bên thửa ruộng xanh mơn mởn. Người chiến sĩ cách mạng, Đội trưởng Đội biệt động thành năm xưa nay đã 75 tuổi. Ánh mắt ông đau đáu khi nhắc lại những năm tháng ác liệt, sinh tử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cha, chị gái, em trai và biết bao đồng đội của ông đã hy sinh xương máu cho quê hương, Tổ quốc.

Năm người trong một gia đình gồm cha, chị gái, ông Chấp và hai em trai lần lượt theo cách mạng. Mang theo truyền thống gia đình, tình yêu quê hương, người thanh niên 17 tuổi Nguyễn Văn Chấp xông xáo hoạt động du kích, làm liên lạc ngay tại quê nhà. Năm 21 tuổi, ông thoát ly lên rừng và được chọn vào lực lượng biệt động. Sau thời gian được bồi dưỡng, trang bị về chính trị, quân sự, văn hóa, ông Chấp bắt đầu những ngày hoạt động trong lực lượng biệt động Hương Trà, Phong Điền, Phú Vang. Năm 1970, ông giữ vị trí Đội trưởng Đội biệt động TP. Huế cho đến ngày giải phóng. “Hoạt động bí mật, biền biệt theo những trận đánh, nhà chỉ cách vài chục km, nhưng cha hy sinh lúc nào tôi cũng không hay. Một lần, tình cờ gặp mạ tôi về Quảng Điền gặt lúa thuê, đầu bà quấn khăn tang, tôi sửng sốt hỏi mạ để tang ai rứa? Mạ tôi ứa nước mắt bảo, ba mi hy sinh rồi, trong lúc đi liên lạc. Anh em giao liên chôn xác trên núi”- người cựu binh già xúc động hồi tưởng. Sau này, ông còn đau nỗi đau khác khi chị gái và một người em trai hy sinh. Và trong những trận đánh sinh tử, không ít lần đồng đội ông ngã xuống.

Tự nguyện hiến thân cho cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho quê hương, đất nước, ông cũng như cha anh mình, đồng chí, đồng đội mình phải xa cách người thân, chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh xương máu. Và những nỗi đau mất mát càng thôi thúc ông hoàn thành tốt nhiệm vụ, để xứng đáng với người ngã xuống.

Quả cảm, kiên cường

 Hỏi ông đã tham gia đánh bao nhiêu trận, người cựu binh già cười bảo: "Hàng trăm trận, làm sao kể hết được". Thế nhưng, ông không bao giờ quên tinh thần thép khi cùng đồng đội giáp mặt với quân thù. Đó là trận đánh tiêu diệt đại đội Mãng Xà Vương của giặc vào tháng 4/1967. Ngày đó, đại đội Mãng Xà Vương hoành hành bao vây, lùng ráp, bắt bớ khắp nơi. Nhiều cơ sở của ta bị vỡ. Việc tiếp tế lương thực, đạn dược bị gián đoạn. Đội biệt động được giao nhiệm vụ, bằng mọi giá phải tiêu diệt đại đội này của địch, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Sau khi tìm hiểu, nắm kỹ cách thức hoạt động của địch, ta quyết định mở trận đánh ở chợ Tài Ba, thuộc làng Tài Ba, xã Quảng Đại, huyện Quảng Điền, thời gian vào lúc 4 giờ chiều. Ém quân trên gác lửng của chợ, từng chiến sĩ trong đội biệt động nín thở, thấy rất gần từng khuôn mặt cười cợt của lính đội Mãng Xà khi chúng đi lại nghênh ngang chọc ghẹo chị hàng rau, hàng thịt. Địch đông gấp nhiều lần ta. Chỉ cần một chút sơ hở là toàn đội có thể gặp nguy hiểm. Kiên gan chờ từng phút trôi qua, đến thời điểm thích hợp, lúc địch mất cảnh giác nhất, các chiến sĩ ép sát, tập kích, tiêu diệt gọn 60 tên.

Tương tự, trong trận đánh diệt đoàn bình định số 10 của Mỹ, Ngụy tại thôn Trúc Lâm, huyện Hương Trà năm 1970, quân địch đông hơn rất nhiều, nhưng vẫn bị ta tiêu diệt gọn. Năm đó, Mỹ, Ngụy điên cuồng bình định lại những thôn xã đã mất. Làng Trúc Lâm thuộc xã Hương Long, huyện Hương Trà là một trong những mục tiêu của địch. Tại đây, quân địch ráo riết không cho cách mạng về xây dựng cơ sở. Đội biệt động được giao nhiệm vụ quan trọng, tiêu diệt lực lượng này của địch.

Nghiên cứu suốt ba tháng trời, quân biệt động quyết định “ém” 15 chiến sĩ tại một nhà thờ họ nằm gần chợ Thông, từ 4 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều, hóa trang giống lính ngụy. Khi quân địch tập trung đông đủ ở chợ, cơ sở phát tín hiệu, các chiến sĩ biệt động ung dung “hành quân” ngang qua. Thấy địch lơ là mất cảnh giác, 15 chiến sĩ biệt động bất thình lình nổ súng. Địch trở tay không kịp, 60 tên bị ta tiêu diệt hết 44, tịch thu toàn bộ quân trang, quân dụng. “Trận chợ Thông nếu bị lộ, các chiến sĩ biệt động có nguy cơ hy sinh toàn bộ. Nhờ lòng quả cảm, kiên cường, quân dân trên dưới một lòng, nên chúng tôi mới giành chiến thắng”.

Hướng ánh mắt ra cánh đồng lúa xanh mơn mởn, Đội trưởng Đội biệt động TP. Huế năm xưa xúc động: “Để có cuộc sống thanh bình hôm nay, chúng ta  không thể quên những năm tháng chiến đấu hiểm nguy, không quên thế hệ cha, anh, đồng đội đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, hy sinh tuổi thanh xuân cho hòa bình, độc lập…”.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
4
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP. Huế

Sáng 23/3, tại Công viên Trịnh Công Sơn, UBND TP. Huế tổ chức lễ khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III hướng đến chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 78 năm Ngày truyền thống ngành Thể thao Việt Nam, 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2024.

Khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP Huế
Giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III sẽ diễn ra sáng 23/3

Tin từ UBND TP. Huế, giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III - năm 2024 sẽ diễn ra vào sáng 23/3 hướng đến chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2024) và kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.

Giải đua ghe truyền thống TP Huế lần thứ III sẽ diễn ra sáng 23 3
Thống nhất chủ trương thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 14/3, HĐND TP. Huế, huyện Phú Lộc, Quảng Điền và TX.Hương Trà tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 12, nhiệm kỳ 2021-2026 để thảo luận, thông qua Nghị quyết (NQ) về chủ trương thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương và quyết định một số vấn đề liên quan đến công tác đầu tư công trên địa bàn.

Thống nhất chủ trương thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top