ClockThứ Sáu, 28/08/2020 07:45

Người Cơ Tu vững tin theo Đảng, nhớ ơn Bác Hồ

TTH - Ở nhiều xã thuộc huyện miền núi Nam Đông, ngoài việc lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình, bao đời nay, đồng bào Cơ Tu vẫn duy trì truyền thống lập bàn thờ để thờ Bác Hồ như người cha, người ông của mình và luôn đặt ảnh Bác nơi trang trọng nhất trong nhà.

"Phủ sóng" bảo hiểm y tế trên vùng cao A LướiNhững bông hoa của núi rừngPhấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 15%

Già làng Hồ A Ray thắp hương lên di ảnh của Bác Hồ

Mang họ của Bác 

Lên xã Thượng Long (Nam Đông) trong những ngày thu Cách mạng tháng Tám, chúng tôi ghé thăm nhà ông Hồ A Ray (tên khai sinh là Ra Pát A Ray, sau đổi thành họ Hồ - PV), Bí thư Chi bộ thôn A Xăng. Trong căn nhà gỗ khang trang ba gian ấm cúng, bàn thờ Bác được đặt nơi trang trọng nhất, xung quanh là hàng chục bằng khen, giấy khen được bài trí ngay ngắn. Hôm nay, ông sửa soạn bàn thờ Bác Hồ tươm tất hơn.

Ông Hồ A Ray tâm sự, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đồng bào Cơ Tu Nam Đông luôn một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, đóng góp lương thực, thực phẩm, nuôi bộ đội, rồi cùng bộ đội đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhiều gia đình đã nhường từng hạt muối, lon gạo cuối cùng cho cách mạng.

“Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, khi nước Việt Nam dân chủ ra đời ngày 2/9/1945, đồng bào mình đã được bộ đội tuyên truyền, vận động đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng bào vùng cao, vùng xuôi đã chọn họ Hồ của Bác làm họ của mình, rồi cùng đoàn kết chung tay xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn”- ông Hồ A Ray nói.

Cách nhà ông Hồ A Ray không xa là nhà anh Hồ Tựa (Ra Pát Tựa), một thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi của xã. Trong ngôi nhà của mình, anh Hồ Tựa cũng chọn một vị trí đẹp nhất, trang trọng nhất để thờ Bác.

Hồ Tựa kể, từ nhỏ anh đã thấy bà con mình thờ Bác Hồ. Thế hệ trẻ như anh sinh ra và lớn lên sau chiến tranh nên chỉ biết Bác Hồ kính yêu qua các bài giảng của các thầy cô giáo hoặc qua lời kể từ các già làng và xem qua tài liệu sách, báo, ti vi. “Dân tộc mình ai cũng mến Bác, kính Bác. Nhà nào cũng thờ Bác Hồ - Người đã cho dân tộc Việt Nam độc lập, tự do, cơm no, áo ấm và hạnh phúc. Mình thờ Bác như thờ tổ tiên gia đình”- anh Hồ Tựa tự hào.

Có hàng nghìn đồng bào Cơ Tu ở 6 xã định canh định cư của huyện Nam Đông lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình và lập bàn thờ Bác Hồ tại gia đình.

Học tập và làm theo Bác Hồ

Trong mỗi người dân Cơ Tu hôm nay, Bác luôn là niềm tin, niềm tự hào và là vị lãnh tụ muôn đời họ tôn kính. “Kính Bác, người Cơ Tu một lòng theo Đảng, theo Bác, không nghe lời kẻ xấu, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau, tích cực lao động sản xuất, bảo vệ làng bản bình yên. Ngày nay, chúng tôi tuyên truyền bà con tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người ”- Bí thư Đảng ủy xã Thượng Long Trần Văn Trĩ bộc bạch.

Ông Hồ Trọng Kình, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đông chia sẻ, ngày trước, do chiến tranh, người Cơ Tu phải du canh, du cư, làng bản lúc ở nơi này, mai chuyển đi nơi khác. Có Đảng, có Bác Hồ, có chính sách định canh định cư, bà con nghe lời cán bộ chọn đất lập làng, rồi trồng cây lúa nước, làm rẫy nên đến nay đời sống dần ổn định. Bà con đang tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa rồi xây dựng nông thôn mới để xóa đói giảm nghèo. Được sự quan tâm của Đảng, đời sống đồng bào dân tộc miền núi có những chuyển biến rõ nét về văn hóa, xã hội. Trình độ dân trí của bà con được nâng lên một bước. Hạ tầng nông thôn cũng được quan tâm đầy đủ.

Huyện Nam Đông được tái lập vào tháng 10/1990, dân số hiện nay khoảng 27.000 người; trong đó, người Cơ Tu chiếm hơn 40%. Người đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn gốc cư trú lâu đời, với nhiều nét văn hóa đặc sắc và tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Bí thư Huyện ủy Nam Đông Lê Thị Thu Hương thông tin, nếu so với cách đây tầm 10 năm, đồng bào Cơ Tu hiện nay phát triển rất nhiều, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm hẳn. Từ các nguồn vốn, Nhà nước đầu tư san ủi mặt bằng, quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư theo mô hình làng truyền thống, thuận tiện trong việc đầu tư điện, đường, nước sinh hoạt, nâng cao đời sống cho người dân…

Nhiều năm trở lại đây, với sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành địa phương, diện mạo nông thôn và đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Nam Đông có nhiều khởi sắc, không ngừng được nâng cao.

Lên huyện miền núi Nam Đông hôm nay, ngoài những ngôi nhà Gươl truyền thống, đến nhà đồng bào Cơ Tu, chúng ta sẽ bắt gặp ngay hình ảnh cờ Tổ quốc và di ảnh Bác Hồ được đặt nơi trang trọng nhất. Người Cơ Tu luôn nhớ ơn Bác, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu để cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.

Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, Nam Đông là địa bàn căn cứ địa cách mạng. Cán bộ và Nhân dân huyện đã đóng góp rất lớn sức người, sức của cùng cả nước đi đến đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất nước nhà. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 183 liệt sĩ, 292 thương, bệnh binh, 1.338 gia đình có công. Nam Đông có 3.045 người gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đóng góp cho cách mạng hơn 44 tấn lương thực, 50 ngàn tấn thực phẩm và nhiều vũ khí các loại...

Bài, ảnh: Thái Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến năm Giáp Thìn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” vừa tròn 55 năm (1969 - 2024). Ở Thừa Thiên Huế, người có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất có lẽ là anh hùng Kan Lịch. Trong lần gặp cuối cùng vào năm 1969, Bác Hồ căn dặn: “Trở thành anh hùng đã khó, nhưng giữ được các phẩm chất, đạo đức của anh hùng suốt đời càng khó hơn. Phải học tập và rèn luyện suốt đời”.

Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nước sạch về bản

Từ nay, 125 hộ dân, là đồng bào dân tộc Cơ Tu, thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới không còn phải đi bộ nhiều cây số để lấy nước sạch về dùng. Bởi nước sạch do bộ đội Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 92 đã dẫn về tận từng nhà cho bà con.

Nước sạch về bản
Return to top