ClockChủ Nhật, 02/10/2016 14:27
Trước thêm cuộc bỏ phiếu thoả thuận hoà bình:

Người dân khu ổ chuột Colombia mơ về ngôi nhà của chính mình

TTH.VN - Hôm nay (2/10), Colombia sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu về một thỏa thuận hòa bình nhằm kết thúc 5 thập kỷ chiến tranh ở đất nước. Đối với một số người, thoả thuận này có ý nghĩa như một cơ hội để cuối cùng, họ cũng được trở về nhà.

Colombia ký hiệp ước với FARC, kết thúc cuộc chiến 52 nămColombia ấn định thời điểm chính thức ký thỏa thuận hòa bìnhChính phủ Colombia và FARC ký thỏa thuận hòa bình: Bước ngoặt lịch sửLHQ hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ở Colombia

Người dân khu ổ chuột ở Altos de Florida​. Ảnh: Reuters

Cộng đồng đổ nát ở Altos de Florida và những người khác ở các khu ổ chuột nằm rải rác trên những ngọn đồi lộng gió ở ngoại ô Bogota như trải dài đến tận chân trời. Tại đây, hàng trăm ngàn người Colombia - những người phải rời bỏ nhà cửa để thoát khỏi cuộc chiến tranh kéo dài suốt 5 thập kỷ qua, chủ yếu sống trong các khu định cư tạm và phải chật vật để kiếm sống.

Hôm nay (ngày 2/10), họ sẽ có cơ hội để bỏ phiếu chấp thuận hay từ chối một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc xung đột đã khiến 200.000 người thiệt mạng và đẩy hàng triệu người khác thành người tị nạn tại chính quê hương mình.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, phần lớn người Colombia sẽ ủng hộ thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và nhóm phiến quân Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), mở đường cho việc giao nộp vũ khí của 7.000 chiến binh FARC và trở thành một đảng chính trị.

Colombia sẽ làm thế nào đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người dân di dời sẽ là một bài toán mà quốc gia bị chiến tranh tàn phá này phải giải quyết để xây dựng nền hòa bình lâu dài.

Isaac Valencia - người sống trong một túp lều ở đỉnh đồi, cho biết ông dự định sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận hòa bình trong cuộc trưng cầu hôm nay.

"Đây là một cơ hội để sống trong hòa bình", người đàn ông 33 tuổi buộc phải rời khỏi ngôi nhà của ông ở tỉnh Choco do bạo lực từ khi còn là một cậu bé cho biết. "Tuy nhiên, hòa bình không phải chỉ là đạt được một thỏa thuận và sau đó tuyên bố rằng chúng ta hiện đang sống trong hòa bình. Không, không phải vậy, mà hòa bình là một chiến lược. Và nếu nhà nước không tìm được cách để cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người dân Colombia, chúng tôi sẽ tiếp tục phải sống trong tình trạng tương tự như giờ mà thôi".

Nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng

Như hầu hết các cư dân ở khu ổ chuột, anh Valencia quan tâm nhiều hơn về tương lai trước mắt, rằng liệu anh có được đảm bảo quyền sử dụng đất và được tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường thích hợp và nhà ở đàng hoàng hay không.

"Thật khó khăn khi ở đây không có việc làm và không biết liệu ngày mai bạn có bị đá ra đường khi có người tự xưng là chủ đất xuất hiện hay không", anh Valencia cho biết.

Anh Valencia đã tìm cách lánh nạn ở Bogota gần một thập kỷ trước và - giống như hầu hết những người dân di dời đang sống ở đây - thiếu sự công nhận chính thức cho cả đất đai và tài sản của mình.

Tiết kiệm tiền kiếm được từ các công trình xây dựng, năm 2008, Valencia trả 1.000 USD để mua giấy tờ cho một lô đất nhỏ mà anh đã xây dựng ngôi nhà bằng những mảnh gỗ và kim loại phế liệu. Tuy nhiên, các giấy tờ này không chính thức công nhận Valencia là chủ sở hữu của tài sản trên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phân loại quyền sử dụng các lô đất không rõ ràng và trao quyền sử dụng đất tại các khu vực đô thị là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng nền hòa bình lâu dài.

"Trong khi thỏa thuận hòa bình chủ yếu tập trung vào khu vực nông thôn, thì những người sống ở đô thị cũng cần được hỗ trợ, đặc biệt liên quan đến việc hợp pháp hóa các khu định cư không chính thức mà nhiều người trong số họ đang sống," ông Martin Gottwald, người đứng đầu Văn phòng tị nạn LHQ tại Colombia nói.

Một người lính Colombia đứng canh gác tại vùng lân cận Altos de la Florida ở Bogota. Ảnh: REUTERS

Chính quyền địa phương cho biết, họ đang đẩy mạnh các kế hoạch để cung cấp cho người dân trong khu ổ chuột Bogota quyền sở hữu chính thức.

Nhưng nạn quan liêu, chậm trễ trong việc giải quyết tranh chấp đất đai và việc thiếu một hệ thống đăng ký đất đai thích hợp đang cản trở tiến trình này, các chuyên gia nhà đất nhận định.

Cải cách đất đai     

Trong khi hiệp ước hòa bình bao gồm các kế hoạch để thúc đẩy phát triển nông thôn bằng cách tạo ra một quỹ đất mà thông qua đó, đất nông nghiệp sẽ được phân phối lại, thì hầu như lại không có thông tin gì đề cập đến quyền sử dụng đất đô thị.

"Các quyền lợi về đất đai của những người đã bị mất nhà cửa và đang sống trong các khu vực đô thị không được đề cập đến trong hiệp định này", ông Daniel Paez - người đứng đầu nhóm nghiên cứu đô thị và phát triển bền vững tại trường Đại học Los Andes Colombia cho biết.

"Một trong những lý do tại sao quyền sở hữu đất đô thị chưa được đề cập là bởi vì thủ đô chính trị của FARC là nông thôn và không có đô thị. Đó là một cuộc xung đột lãnh thổ ở khu vực nông thôn."

Bà Alba Lucia Ortiz, 58 tuổi - người bị đuổi khỏi nhà do bạo lực trong năm 2007, hiện làm công việc rửa bát tại một quán cà phê và phải thuê một căn lều mỏng manh, xiêu vẹo nói rằng, bà sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận hòa bình, bất chấp những nghi ngờ về việc bàn giao vũ khí của FARC. Tuy nhiên, chính bà cũng tự hỏi rằng liệu các gia đình di dời ở thành phố, giống như bà, có gặt hái được những phần thưởng mà hòa bình có thể mang lại hay không

"Tôi yêu cầu chính phủ cũng phải xem xét nhu cầu của chúng tôi ở đây", bà Ortiz nói.

"Nhu cầu lớn nhất tôi có là nhà ở. Giấc mơ của tôi là có một khu đất nhỏ ở đây. Tôi muốn xây dựng ngôi nhà của mình và sống ở đó trong những ngày còn lại cuối đời".

Một thách thức khác là việc tiếp cận với nước sạch. Không có hệ thống xử lý nước thải và khan hiếm nguồn nước buộc các cư dân khu ổ chuột phải trả tiền nước rất đắt, được chở bằng xe tải về mỗi tháng một lần.

Theo một chương trình bồi thường đất của chính phủ bắt đầu hồi năm 2011, khoảng 200.000 ha đất bị đánh cắp hoặc bị bỏ hoang đã được khôi phục lại, mang lại lợi ích cho khoảng 23.000 người Colombia.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực quốc gia để khôi phục lại quyền sở hữu đất, nhiều gia đình di dời sống ở các thành phố của Colombia không muốn trở về nhà.

Một số người nói họ không cảm thấy an toàn khi trở về và không muốn đối đầu với những ký ức đau thương của quá khứ, trong khi những người khác khẳng định rằng, họ không có việc làm ở khu vực nông thôn và không muốn trở về quê để rồi phải xây dựng lại cuộc sống từ đầu thêm lần nữa.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & USnews)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Colombia và Brazil cam kết hợp tác bảo vệ rừng Amazon

Tổng thống Brazil và Tổng thống Colombia vừa có buổi thảo luận về sự phối hợp trong khu vực để chống nạn phá rừng và bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất và đa dạng sinh học lớn nhất thế giới – Amazon.

Colombia và Brazil cam kết hợp tác bảo vệ rừng Amazon
Liên Hiệp quốc lên án mạnh mẽ vụ đánh bom xe ở Colombia

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 17/1, Liên Hiệp quốc (LHQ) lên án mạnh mẽ vụ đánh bom xe tại Học viện Cảnh sát Quốc gia ở thủ đô Bogota của Colombia, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Liên Hiệp quốc lên án mạnh mẽ vụ đánh bom xe ở Colombia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top