ClockThứ Ba, 07/02/2017 14:06
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN:

Người dân là chủ thể

TTH - Người dân là chủ thể trong hoạt động quản lý chất thải. Vì thế, việc huy động sự tham gia của người dân vào quá trình phân loại, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải là một việc làm cần thiết. Đó là khẳng định của ông Hironori Koyama, thành viên đoàn chuyên gia Jica từ dự án Chất thải rắn (CTR) Việt Nam trong cuộc trao đổi với PV Báo Thừa Thiên Huế. Ông Hironori Koyama cho biết:

 Ủ phân từ rác thải hữu cơ

Hiện nay, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chưa có công nghệ tiên tiến để xử lý chất thải, phần lớn chỉ dừng lại ở việc chôn lấp. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế; nguồn tài chính đầu tư còn thiếu và chưa cân đối. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này tuy đã đa dạng nguồn đầu tư nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả. Nhiều dự án, chương trình quản lý CTR khi hết nguồn kinh phí tài trợ, đồng nghĩa với việc kết thúc các hoạt động duy trì kết quả đã đạt được. Hoạt động cũng chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, phạm vi ứng dụng nhỏ, không thể trở thành động lực có thể tiếp tục duy trì, phát triển và nhân rộng.

Từ những bất cập trên, quy hoạch CTR Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 nên tập trung vào các giải pháp nào, thưa ông?

Quản lý CTR dựa vào cộng đồng là giải pháp nhằm khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tham gia hoạt động quản lý một cách chủ động và nhận trách nhiệm đối với các hoạt động lập kế hoạch, thực hiện, giám sát các nội dung quản lý chất thải. Đây là một cách tiếp cận mới phù hợp với xu hướng tăng cường xã hội hóa, đồng thời đem lại nhiều lợi ích chung cho cộng đồng và nhà quản lý. Chất thải được thu gom từ các hộ gia đình và tập trung tại một địa điểm để sau đó chuyển đi.

Nguyên tắc cơ bản của quản lý chất thải dựa vào cộng đồng là tạo ra giá trị từ chất thải. Việc chuyển rác hữu cơ thành phân compost dựa vào cộng đồng bằng việc tổ chức dịch vụ thu gom và phân loại rác tại nguồn thông qua nhóm cộng đồng. Để làm được điều này rất cần sự cam kết của tất cả mọi thành phần liên quan. Cộng đồng cần thấy được các lợi ích của phân loại rác tại nguồn. Vấn đề là tạo thói quen cho người dân. Quản lý chất thải dựa trên cộng đồng có thể tạo cơ hội cho việc trao thêm quyền và khả năng tự cải thiện trong việc phát triển cộng đồng, những điều rất cần thiết đối với sức khỏe và mỹ quan trong các khu dân cư.

Qua 2 tháng thực hiện, phía dự án đã triển khai những hoạt động chính nào?

Hiện nay, dự án đang phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương triển khai 2 dự án thí điểm. Thứ nhất là dự án thúc đẩy sản xuất phân hữu cơ dựa vào cộng đồng và đang triển khai thí điểm tại phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà), xã Quảng Thọ (Quảng Điền). Dự án đã cung cấp 2 loại giỏ đựng rác, một giỏ đựng rác hữu cơ gồm: bã chè, các loại rau củ…những loại rác này sẽ được đem ủ theo phương thức hiếm khí nhằm tạo ra sản phẩm phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Dự án thứ hai đang triển khai là thúc đẩy 3R thông qua các hoạt động phân loại rác tại nguồn đối tượng chính là các cơ sở và tổ chức kinh doanh với 6 hoạt động con như: thu gom pin phế thải tại Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, khách sạn La Residence; phân loại rác tại tòa nhà Hành chính công, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, chợ Bến Ngự, Sở Xây dựng.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai các dự án điểm là gì?

Hiện, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác thải nên việc phân loại các loại rác vẫn chưa thực sự thành thạo. Ví dụ như, các loại rác tái chế gồm các loại chai, lọ, giấy… nhưng người dân vẫn nhầm vỏ hộp sữa là giấy có thể tái chế nên vẫn để lẫn vào các loại rác tái chế. Hay như việc triển khai thu gom pin tái chế tại Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế thời gian đầu không ai thực hiện bỏ pin phế thải vào thùng. Các chuyên gia Jica phải làm việc với công ty và các tổ dân phố dọc tuyến đường Trần Phú tuyên truyền đến từng hộ gia đình… sau đó mới có chuyển biến, trong nửa tháng đầu thu gom được 20 viên pin.

Theo ông đâu là giải pháp lâu dài nhằm tạo sự chuyển biến trong công quản lý CTR hiện nay?

 Công tác thu gom và xử lý rác thải nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung chỉ có thể được giải quyết một cách ổn thoả khi có sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng. Sự tham gia này thể hiện ngay từ khi xác định các vấn đề, các biện pháp, cách thức cụ thể giải quyết các vấn đề môi trường do rác thải gây nên. Sự tham gia của cộng đồng còn có nghĩa là việc tăng quyền làm chủ và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo cho họ quyền được sống trong một môi trường trong lành, sạch, đẹp, đồng thời được hưởng những lợi ích do môi trường đem lại. Để làm được việc này, là một quá trình kiên trì vận động, tuyên truyền để người dân tiến hành phân loại rác tại nguồn.

Việc đưa vào chương trình giáo dục kiến thức môi trường về thu gom phân loại rác thải vào trường học sẽ giúp hình thành thói quen cho các em, và các em sẽ là lực lượng tuyên truyền viên tốt nhất, dễ tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Việc này đang được dự án triển khai tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương và sẽ nhân rộng ra trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn tái chế rác thải nhựa

Hoạt động trên được Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày 27/3 nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Tập huấn tái chế rác thải nhựa
Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Return to top