ClockThứ Hai, 16/01/2023 15:31

Người dân mong mỏi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

TTH - Được sáp nhập vào Thừa Thiên Huế từ tháng 4/2020, nhưng đến nay, các hộ dân ở thôn Phú Kinh Phường, xã Phong Mỹ, Phong Điền vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).

Thông báo về việc đấu giá quyền sử dụng đấtGiải quyết thấu đáo nguyện vọng của công dânThực hư chuyện “bốc hơi” gần 400m2 sau khi làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ

Bà Lê Thị Gái cho biết không thể cho con đất vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Làm gì cũng không được

Từ ngày 1/4/2020, thôn Phú Kinh Phường, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, Quảng Trị được sáp nhập sang xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền theo Nghị quyết 31/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và hộ dân, nhân khẩu của thôn Phú Kinh Phường được tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận và quản lý.

Cũng từ thời điểm đó, người dân thôn Phú Kinh Phường từ những hồ hởi, đến mong chờ và hiện nay lại đan xen cảm giác thất vọng, vì 68 hộ dân ở thôn vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân nơi đây.

Ông Lê Văn Điềm cho biết, khi bàn giao thôn Phú Kinh Phường từ Hải Phong sang Phong Mỹ, lãnh đạo hai địa phương đều khẳng định với người dân rằng, sẽ sớm tiến hành các thủ tục để cấp giấy CNQSDĐ, nhưng đã gần 3 năm trôi qua mà người dân chưa được cấp giấy. Người dân sống nơi đây sinh sống lâu đời. Người dân không có tranh chấp gì với nhau. Về phần ông Điềm có giấy mua bán đất từ thời trước, nên khẳng định đây là đất ở lâu dài, đủ các điều kiện để được cấp giấy.

Cách đó không xa, hộ bà Lê Thi Gái cho biết, bà có 5 người con, các con đã lập gia đình, nhu cầu về nhà ở rất lớn. Nhưng do không có giấy CNQSDĐ nên không thể cho đất các con để làm nhà ở. Do nhu cầu về chỗ ở quá cấp thiết, nên hai người con của bà vẫn phải làm nhà sát bên cạnh. Hiện bà Gái và các con đều mong mỏi có giấy chứng nhận, một phần để khẳng định sở hữu, phần quan trọng hơn là để vay vốn làm ăn.

Trong khi đó, ông Hoàng Thành Đăng phản ánh, từ thời điểm chưa sáp nhập, con của ông có làm một phần móng nhà trên diện tích mà ông cho. Cách đây không lâu, khi con ông đổ đất đá để tiến hành làm nhà trên nền móng có sẵn đó thì xã đình chỉ, không cho phép xây dựng. Phía UBND xã cho biết, diện tích mà con tôi xây dựng chưa có giấy CNQSDĐ nên theo quy định cần có giấy chứng nhận về đất ở mới làm được nhà. Giấy CNQSDĐ không biết khi nào mới có, nên con ông Đăng không biết khi nào mới làm được nhà.

Ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng thôn Phú Kinh Phường nhấn mạnh, việc chậm trễ trong cấp giấy CNQSDĐ đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế của người dân Phú Kinh Phường. Đầu tiên là tâm lý người dân ảnh hưởng khi sáp nhập vào tỉnh mới. Thứ hai là nhiều người muốn vay vốn làm ăn nhưng không được. Một số người muốn bán một phân diện tích để xây nhà, thêm vốn làm ăn cũng không được. Thứ 3 là nếu càng kéo dài, chi phí làm thủ tục sẽ càng cao, khiến người dân càng khó khăn hơn.

“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến các cấp, nhưng quá trình làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận còn rất chậm. Có một số thửa đất đủ điều kiện, địa phương khẳng định là cấp trước Tết Âm lịch Quý Mão, nhưng đến ngày 15/1 rồi mà vẫn chưa thấy gì”, ông Nhân chia sẻ.

Cần sớm giải quyết cho người dân

Ông Nguyễn Đăng Nhân cho hay, sở dĩ thời điểm còn ở Quảng Trị không thể làm giấy CNQSDĐ là do Phú Kinh Phường được xã Hải Phong quản lý trên mặt giấy tờ, con người. Nhưng phần đất đai lại có vướng mắc giữa hai địa phương. Việc chuyển thôn Phú Kinh Phường sang Thừa Thiên Huế cũng là mục đích dễ quản lý hơn và đủ điều kiện làm giấy CNQSDĐ cho người dân.

Theo người dân Phú Kinh Phường, họ được hứa tạo điều kiện rất nhiều về việc cấp CNQSDĐ. Thực tế cũng cho thấy, người dân đang rất cần được cấp giấy chứng nhận. “Nếu còn kéo dài, chúng tôi sẽ làm đơn để xin quay trở lại Quảng Trị như trước”, ông Hoàng Thành Đăng nói.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, thôn Phú Kinh Phường sáp nhập vào Phong Mỹ 1 năm thì được tiến hành đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ. Hiện đã có 31 thửa; trong đó, đất ở là 20 thửa, đất nông nghiệp là 11 thửa đang hoàn thiện hồ sơ. Hiện có 76 thửa; trong đó 42 thửa đất ở đang còn bị vướng mắc.

Theo ông Chung, với những diện tích đất nông nghiệp thủ tục đơn giản hơn nên tiến hành làm nhanh. Còn riêng với đất ở, theo quy định hiện nay là phải đấu giá. Trong khi đó, khi chuyển hồ sơ từ Quảng Trị sang thì không có một giấy tờ nào liên quan, hồ sơ nào chứng minh là đất ở, hay đất nông nghiệp.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm cấp giấy CNQSDĐ cho người dân Phú Kinh Phường là khi sáp nhập từ Quảng Trị sang thì toàn bộ thôn không phù hợp với quy hoạch chung, nên huyện rà soát lại toàn bộ để điều chỉnh lại. Khi điều chỉnh xong, huyện sẽ tiến hành cấp cho người dân. Huyện sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân. Huyện đã có quyết định, hỗ trợ toàn bộ lệ phí đo đạc và làm giấy chứng cho người dân. Người dân cũng cần chia sẻ vì quy trình lập quy hoạch cần thời gian.

Tại buổi tiếp nhận thôn Phú Kinh Phường sang Thừa Thiên Huế vào cuối tháng 3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu UBND huyện Phong Điền và xã Phong Mỹ phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Hải Lăng để tiếp tục thực hiện tốt việc bàn giao và tiếp nhận cụ thể; phối hợp thống kê, kiểm kê để thực hiện việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất... theo địa giới hành chính được xác định; cấp đổi, chuyển giao quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hồ sơ, sổ sách, giấy tờ của người dân..., tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách cho người dân, không để bị gián đoạn.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top