ClockThứ Tư, 16/09/2015 08:07

Người dân mong sớm thực hiện

TTH - Sau khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Cồn Hến (phường Vỹ Dạ) thành khu du lịch dịch vụ cao cấp, điều người dân nơi đây mong chờ là quy hoạch sớm được triển khai để ổn định cuộc sống, bởi họ đã sống trong quy hoạch “treo” quá lâu.
Khu vực Cồn Hến nhìn từ cầu Chợ Dinh

Mong sớm thực hiện quy hoạch

Hay tin UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Cồn Hến thành khu du lịch dịch vụ cao cấp, người dân nơi đây vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sự phát triển của quê hương, nếu Cồn Hến trở thành khu du lịch. Lo vì không biết bao giờ quy hoạch này trở thành hiện thực, để họ ổn định cuộc sống. Vì lẽ, năm 1998, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Cồn Hến là khu dịch vụ du lịch (tại Quyết định số 214/QĐ-UBND). Kể từ đó, người dân khổ sở khi phải sống trong quy hoạch “treo”.
Ông Nguyễn Văn Thêm, Tổ trưởng tổ dân phố 20 kể: “Người dân Cồn Hến quá khổ khi sống trong quy hoạch “treo” dài đăng đẵng. Có tiền nhưng không xây nhà được vì không được cấp phép. Vả lại, nằm trong quy hoạch, chưa biết giải tỏa lúc nào nên chẳng ai dám xây dựng. Vì thế, đất rộng nhưng nhiều gia đình con cái đông, dựng vợ gả chồng rồi đành phải ở chen chúc chật chội vì không thể cơi nới nhà cửa hoặc tách hộ xây nhà riêng”.
Bí thư chi bộ Khu vực 6B - Phạm Văn Bôn tiếp lời: “Dân Cồn Hến đa số là lao động nghèo, khó khăn hơn so với mặt bằng chung của phường. Quy hoạch “treo” khiến cuộc sống người dân càng khó khăn hơn. Chuyện đi - ở luôn làm chúng tôi phấp phổng”.
Sống trong tình trạng “Đi không được, ở không xong”, điều người dân Cồn Hến mong nhất là quy hoạch xây dựng Cồn Hến thành khu du lịch dịch vụ sớm được triển khai. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho biết: “Quy hoạch được phê duyệt là một tín hiệu đáng mừng. Nếu Cồn Hến trở thành khu du lịch cao cấp sẽ cải thiện đời sống của người dân. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn quy hoạch sớm được thực hiện để ổn định đời sống”.
Nhiều người dân Cồn Hến bày tỏ vui mừng khi mảnh đất của quê hương được quy hoạch thành khu du lịch cao cấp sẽ góp phần phát triển bộ mặt của phường nói riêng và của thành phố nói chung. Tuy nhiên, điều khiến họ lo lắng nữa là, liệu nơi ở mới có tốt hơn nơi ở hiện tại và việc đền bù có thỏa đáng. Ông Thêm cho biết: “Theo tôi, đa số người dân Cồn Hến sẽ chấp hành theo chủ trương của Nhà nước. Chúng tôi mong được đền bù thỏa đáng và được bố trí định cư nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Có như vậy, người dân mới yên tâm đến nơi ở mới”. 
 
Theo quyết định 1203/QĐ-UBND của UBND tỉnh, khu vực Cồn Hến được quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch dịch vụ cao cấp, với diện tích 26,4ha (trong đó có 23,8 ha mặt đất và 2,6ha mặt nước bao quanh), mật độ xây dựng không quá 25%. Khu quy hoạch được phân thành các khu chức năng chính, như: khu trung tâm công cộng kết hợp với dịch vụ tổng hợp, khu du lịch dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu quảng trường. Ngoài ra, còn có khu cây xanh cảnh quan, khu bến thuyền…
Quan tâm kêu gọi đầu tư, tái định cư
Ông Lê Hữu Phúc, Tổ trưởng Tổ quy hoạch, Phòng Quản lý đô thị TP Huế cho biết, theo quyết định quy hoạch, tính chất của khu quy hoạch là khu du lịch dịch vụ cao cấp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn TP Huế. Khi khu du lịch dịch vụ này hình thành, Thừa Thiên Huế nói chung và TP Huế nói riêng sẽ có một khu du lịch, dịch vụ cao cấp, quy mô lớn để phục vụ khách du lịch trong nước, quốc tế và người dân địa phương, tạo nên một địa điểm du lịch dịch vụ mới có đẳng cấp, tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch. UBND TP Huế xác định đây là một quy hoạch trọng điểm, cần được quan tâm để có thể sớm được triển khai thực hiện.
Khu vực Cồn Hến gồm hơn 750 hộ dân với 3.674 nhân khẩu. Điều người dân quan tâm nhất là bao giờ Khu du lịch dịch vụ cao cấp Cồn Hến sẽ được triển khai để họ được định cư ổn định cuộc sống. Đặt vấn đề này với UBND TP Huế, ông Lê Hữu Phúc cho hay: “Việc thực hiện quy hoạch này phụ thuộc lớn vào việc có nguồn lực giải tỏa, tái định cư; có nhà đầu tư có năng lực. UBND thành phố chưa thể xác định bao giờ khu du lịch dịch vụ cao cấp này sẽ hình thành. Tuy nhiên, để có thể sớm có nguồn lực để giải tỏa, có nhà đầu tư có năng lực, UBND thành phố sẽ yêu cầu các phòng ban tham mưu cơ chế, chính sách. Từ đó, UBND thành phố sẽ trao đổi, xin ý kiến các ban ngành cấp tỉnh để định hướng cụ thể trong việc đầu tư, kêu gọi đầu tư thực hiện quy hoạch này”.
Về việc tái định cư cho người dân sau khi giải tỏa, ông Phúc cho biết: “Vấn đề này đang được thành phố yêu cầu các phòng ban chức năng tham mưu, đề xuất. Nhưng về cơ bản, có thể theo 2 hướng: Nếu sớm kêu gọi được nhà đầu tư có năng lực, việc thực hiện giải tỏa, tái định cư có thể được thực hiện thuận lợi theo các quy định. Trường hợp chưa kêu gọi được nhà đầu tư, thành phố sẽ nghiên cứu đề xuất việc có thể sớm đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, việc này cũng phải chờ xin ý kiến, do việc đầu tư hạ tầng các khu tái định cư cũng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn (khoảng 200-300 tỷ đồng)”. 
UBND thành phố đã phê duyệt 2 khu tái định cư ở thôn Thượng 1 (quy mô 10,1 ha) và thôn Thượng 2 (19,6 ha), phường Thủy Xuân, dự kiến bố trí khoảng 600 lô phục vụ tái định cư. UBND thành phố đã bố trí vốn và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, thành phố sẽ nghiên cứu xem xét đầu tư thêm một số khu vực phục vụ tái định cư để thuận lợi hơn cho người dân trong việc chọn lựa khu vực tái định cư.
Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi triển khai quy hoạch này, đặt ra vấn đề di dân hết hay tồn tại cộng đồng trong khu du lịch. Ông Lực đề xuất: “Theo quan điểm của tôi, làm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cần tồn tại người dân, gắn với văn hóa bản địa. Vì thế, nên giữ lại dân để tạo tính giao thoa giữa du khách và người dân bản địa. Nếu giữ lại một số dân thì nên giữ lại số hộ đã sinh sống ở đó từ lâu, gắn kết từ đời này sang đời khác. Để quy hoạch trở thành hiện thực, TP Huế cần chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính và thật sự có thị trường, kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển các làng du lịch. Đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích hợp tác đầu tư”.
Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V. I. Lenin tại LB Nga

Ngày 22/4, nhân kỷ niệm 154 năm ngày sinh của lãnh tụ phong trào cách mạng vô sản Nga Vladimir Ilich Lenin, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), nhóm nghị sĩ của KPRF tại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, Ủy ban KPRF ở thành phố Moskva, đoàn thanh niên Komsomol Lenin, cùng với các tổ chức xã hội, phong trào yêu nước cánh tả đã tổ chức đặt vòng hoa và viếng Lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva.

Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V I Lenin tại LB Nga
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Chiều 22/4, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 32 -CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Return to top