ClockThứ Bảy, 30/03/2019 12:26

Người dân sẽ hưởng ứng

Giải bài toán ùn tắc giao thôngĐầu tư cho giao thông đô thịQuản lý quy hoạch đô thị để khắc phục ùn tắc giao thông

Mấy lâu nay, nghe nhiều người bàn ra tán vào chuyện cấm xe máy, phương tiện cá nhân ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), người ủng hộ có, nhưng kẻ phản đối cũng nhiều. Trong đó, có những ý kiến phản đối khá “bực dọc”, kể cả có chút “mỉa mai” những người đề xuất ý tưởng. Một bên thì xuất phát từ sự bức xúc của câu chuyện giao thông, một bên thì xuất phát từ thực tế cuộc sống, bên nào cũng có lý của mình. Tranh cãi thì vô cùng, nhưng mấy bận đi Hà Nội, TP. HCM, được trải nghiệm xe bus và được trò chuyện với bạn đồng hành, tôi có thể khẳng định không chút áy náy rằng, nếu xe bus và nói rộng ra là phương tiện giao thông công cộng mà được phủ khắp, rất nhiều người sẽ sẵn sàng “vứt” ngay phương tiện cá nhân để tham gia.

Bus Hà Nội thì thật lòng tôi chưa đi nhiều, nhưng bus ở TP. HCM thì hầu như lần nào vào đây tôi cũng tham gia vài vòng, vừa đỡ… hao bạc, vừa để cảm nhận sự biến chuyển của xe bus trời nam nó thế nào. Bởi lẽ, lâu lâu nghe đồn đại xe bus TP. HCM xuống cấp, hành khách đi xe bus sụt giảm, lại chiếu thực trạng của xe bus Huế, ít thay đổi, thêm chuyện này chuyện nọ ì xèo, máu nghề nghiệp thôi thúc tôi leo xe bus Sài thành cho rõ thực hư. Nhưng, không như những gì tôi nghe và nghĩ, bus Sài Gòn vẫn đông khách. Cứ đều đều 10 - 15 phút 1 chuyến, chuyến nào cũng kín chỗ. Xe êm, máy lạnh mát mẻ, thơm tho ngon lành. Mấy người đồng hành mặn chuyện cho biết bus thành phố vừa được trang cấp thêm nhiều xe mới, chạy gas nên không có mùi. Giá hiện tại một lần đi 7.000đ/người, học sinh sinh viên được ưu đãi, chỉ 2.000đ/lượt. Hàng trăm tuyến phủ khắp các quận huyện, thậm chí có cả tuyến liên tỉnh đi Đồng Nai, Bình Dương, xe chạy liên tục từ sáng sớm cho đến 8-9 giờ đêm, thế cho nên rất đông học sinh sinh viên chọn xe bus; cán bộ, viên chức, công nhân, người lao động cũng chọn xe bus… Tôi có chú em ở Thủ Đức, làm việc cho một công ty FDI ở Quận I. Trước đây chạy xe máy ngút ngàn và đầy bất trắc, từ ngày có tuyến xe bus, chú em bỏ ngay xe máy. Sáng 7h túc tắc đi bộ ra bến, ngồi thư thả chừng 40 phút là tới công ty. Chiều từ văn phòng công ty “bước ba bước” là tới xe bus, cũng khoảng chừng ấy thời gian là về tới nhà. Khỏi chen lấn, khỏi âu lo, và…lợi xăng cực kỳ. Bạn bè tôi trong ấy cũng vậy, trừ phi phải “lạng lách” công chuyện nơi này nơi khác, không thì cứ xe bus mà đi. Kể cả… đi nhậu cũng bus. Cho nó an toàn. Sau này, nếu có thêm tuyến đường sắt trên cao, thêm tàu điện ngầm, thêm nhiều tuyến xe bus phủ sóng… tôi tin chắc tỷ lệ người chọn phương tiện công cộng là áp đảo.

Tất nhiên, muốn có cần phải đầu tư. Nhưng nếu biết, theo tính toán, chỉ riêng nạn tắc đường đã gây thiệt hại hơn tỷ USD/năm cho mỗi đơn vị Hà Nội, TP. HCM. Chưa kể hệ lụy do ô nhiễm môi trường (bụi, âm thanh…); lãng phí công lao động, tổn hại sức khỏe người tham gia giao thông, tổn hại môi trường đầu tư, đặc biệt là tai nạn giao thông mà xe máy là tác nhân hàng đầu… Chừng đó thôi cũng đủ để dừng bàn cãi mà nên bắt tay hành động.

Với Huế, tuy chưa đến mức căng thẳng nhưng nạn tắc đường cục bộ cũng đã xảy ra. Giờ cao điểm, xe máy, ô tô cá nhân cũng đã “đặc” đường, lưu thông rất vất vả. Nếu không tính trước thì tương lai không xa nữa câu chuyện sẽ trở nên phức tạp. Huế là thành phố di sản, thành phố du lịch và đang trong định hướng xây dựng đô thị sinh thái, xanh, sạch, thì việc hạn chế phương tiện cá nhân, ưu tiên phương tiện giao thông công cộng là điều rất nên ủng hộ. Địa bàn không quá rộng, giao thông chưa đến mức quá ngột ngạt, việc thiết kế các tuyến xe bus, ô tô điện phù hợp cho từng khu vực sẽ khá thuận lợi. Một khi đã phủ sóng, lịch sự, an toàn và tiện dụng, tin chắc mọi người sẽ hào hứng đón nhận; giao thông của Huế sẽ không đi vào vết xe đổ đầy bức bối như của một số thành phố lớn đã vấp phải. Lẽ dĩ nhiên, sau xe bus, xe điện, cũng cần có lộ trình cho các phương tiện khác nữa, phù hợp và đáp ứng nhu cầu đời sống hiện đại.

HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạ tầng giao thông TP. Huế: “Chiếc áo” đã chật

Cùng với sự phát triển nhanh phương tiện tham gia giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm ở các nút giao trên địa bàn TP. Huế ngày càng nghiêm trọng. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống ùn tắc gắn với bố trí quỹ đất cho giao thông tĩnh là bài toán cấp bách.

Hạ tầng giao thông TP Huế “Chiếc áo” đã chật
Chợ Cống sẽ được di dời

Chợ Cống nằm tại giao lộ Bà Triệu - Nguyễn Lộ Trạch (TP. Huế) đang quá tải. Việc buôn bán lấn chiếm lòng đường của tiểu thương ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường, đòi hỏi cần sớm có phương án di dời chợ đến một nơi thích hợp hơn.

Chợ Cống sẽ được di dời
Quản lý quy hoạch đô thị để khắc phục ùn tắc giao thông

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, để kiểm soát công tác quản lý quy hoạch đô thị, hoạt động xây dựng nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Xây dựng yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm soát chặt chẽ việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị.

Quản lý quy hoạch đô thị để khắc phục ùn tắc giao thông
Return to top