ClockThứ Sáu, 12/09/2014 15:50

Người dân thôn Hiền Sĩ không bị thu hồi đất sản xuất

TTH - Báo Thừa Thiên Huế nhận được ý kiến của một số hộ dân thôn Hiền Sĩ phản ánh việc UBND xã Phong Sơn (Phong Điền) quy hoạch đất ở xen ghép nhưng không họp dân để lấy ý kiến về việc thu hồi đất, gây bức xúc trong dân...

Những bức xúc...

Ông Lê Văn Bang và ông Hoàng Văn Phận, trú tại thôn Hiền Sĩ cho biết, người dân thôn Hiền Sĩ lập làng từ năm 1451 gồm có 5 họ tộc. Từ khi lập làng, đất đai của làng có khoảng 650ha đất gò đồi, 160ha đất ruộng và 100ha đất màu. Đầu năm 2013, UBND xã Phong Sơn công bố công khai bản đồ quy hoạch chi tiết thôn Hiền Sĩ theo quy hoạch nông thôn mới. Theo đó, trong bản đồ quy hoạch mới này, các vùng đất thuộc thôn Hiền Sĩ như: xứ đồng A Bàu Đô (10ha), xứ đồng Bù Con kéo dài qua xứ đồng Gia Mạng, đồng Ngươi và đồng Đờn (28ha), xứ đồng Tân Quang (65ha) là đất đã giao cho người dân thôn Hiền Sĩ theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ và người dân đã được cấp thẻ đỏ không còn. Như vậy, vùng đất này sẽ giao cho ai trong khi người dân thôn Hiền Sĩ không có đất canh tác?

Người dân trao đổi thông tin về việc quy hoạch ở xã Phong Sơn (Phong Điền)

Ngoài việc mất đất của thôn, hai ông còn cho biết thêm, hiện nay UBND huyện Phong Điền cho chuyển đổi đất màu của thôn sang đất thổ cư với diện tích 12,8ha thuộc các xứ đồng A Bàu Đô, Nương Côi, Mụ Khuy, Bù Con, Đùng Hội; trong đó có 2ha đất xứ đồng Đùng Hội là đất công ích 5% của xã Phong Sơn. Việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi đất màu sang đất thổ cư, nhưng không tổ chức họp dân, lấy ý kiến của dân nên đã gây nhiều bức xúc... Theo các ông, bị ảnh hưởng trong đợt quy hoạch đất ở này khoảng 70 hộ. Hộ ít nhất mất 1 sào và hộ nhiều nhất cũng 5 sào đất.

Ông Lê Văn Bang cho rằng, bản đồ mới của thôn Hiền Sỹ, thiếu nhiều đất sản xuất của bà con

Chỉ hoán đổi đất

Trả lời những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, bản đồ mà người dân phản ánh chỉ là bản đồ quy hoạch định hướng phát triển giao thông thôn Hiền Sĩ (giai đoạn 2010-2020). Đây là bản đồ quy hoạch giao thông ở vùng có dân cư, còn những vùng đất không có dân cư (đất sản xuất) không thể hiện trên bản đồ. Đất người dân đang sản xuất vẫn là của người dân, không ai thu hồi. Về vấn đề quy hoạch đất ở xen ghép, hiện toàn xã có 300/2.000 hộ chưa có đất ở, trong đó có khoảng 30 hộ gia đình chính sách. Riêng thôn Hiền Sĩ có 80 hộ thiếu đất ở. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, UBND xã Phong Sơn và huyện Phong Điền có chủ trương quy hoạch đất ở xen ghép trên 10 thôn, làm thủ tục chuyển đổi từ đất màu sang đẩt ở với 291 lô. Tại thôn Hiền Sĩ, bước đầu dự định chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở là 92 lô ở các vùng trên, nhưng sau đó đã dừng lại 30 lô ở xứ đồng Đùng Hội và Bù Con, chỉ quy hoạch 62 lô tại vùng xứ đồng Đường Nương và Mụ Khuy, Ông Cốn. Những vùng đất đã quy hoạch sẽ chuyển mục đích sử dụng và làm thủ tục giao đất cho người dân thông qua đấu giá. Các hộ dân bị mất đất sản xuất trong quy hoạch đất ở xen ghép sẽ được cấp đổi đất tại vùng xứ đồng Đùng Hội và Bù Con, giúp người dân yên tâm sản xuất. Tại cuộc họp dân ngày 26/6/2014, toàn thể người dân thôn Hiền Sĩ đã nhất trí việc chuyển đổi đất ở xen ghép tại các vùng trên và thống nhất việc đổi đất ở những vùng này. Sở dĩ UBND xã Phong Sơn lấy đất công ích 5% của xã để đổi đất cho người dân sản xuất do thôn Hiền Sĩ đã có các công trình công cộng, phúc lợi. Cụ thể, nghĩa trang thôn đã có ở độn Mây, đồi Sơn Nghiêm. Trường mẫu giáo đã có ở nương Hía. Sân bóng đã có ở đồi Thanh Niên. Nhà cộng đồng đã có ở trước đình làng thôn Hiền Sĩ...

Ông Lê Ngọc Vàng, BCH Hội cao tuổi thôn Hiền Sĩ cho rằng, bản đồ quy hoạch giao thông thôn Hiền Sĩ được UBND xã Phong Sơn treo công khai từ đầu năm 2013. Việc cắm mốc quy hoạch xen ghép khu dân cư cũng được thực hiện từ đầu năm 2014. Vậy nhưng, UBND xã không họp dân, không lấy ý kiến của dân, không thông báo, giải thích để người dân hiểu nên đã gây nhiều phản ứng trái chiều từ dân. Sau khi nhận được kiến nghị của người dân trong thôn, xã mới tổ chức họp dân lấy ý kiến.

Phản ánh của người dân là chính đáng. Theo chúng tôi UBND xã Phong Sơn cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành. Tất cả những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân đều phải được công khai, dân chủ ngay từ đầu. Họp dân, lấy ý kiến của dân là điều kiện tiên quyết để các chủ trương từ mọi cấp đi vào cuộc sống.

Bài và ảnh: Hải Huế-Quang Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án
Return to top