ClockThứ Năm, 17/04/2014 05:22

Người dân thôn Tân Ba khổ vì khai thác cát sạn

TTH - Hình ảnh người dân thôn Tân Ba, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy lam lũ tìm đến Bộ phận tiếp bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế, ứa nước mắt kể về tình trạng họ đang phải “dở khóc, dở mếu” vì sạt lở, ô nhiễm tiếng ồn và đặc biệt là ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt, khiến chúng tôi phải tức tốc đến ngay “hiện trường”.
Ảnh hưởng đủ thứ
Ông Lê Nhơn, trưởng thôn Tân Ba cho biết thôn: Thôn Tân Ba gồm 125 hộ với 541 nhân khẩu. Đất đá cứng, không thể đào hoặc khoan giếng, ống nước cũng chưa được kéo đến, nên từ trước đến nay, người dân thôn này sử dụng nước sông Hương phục vụ mọi sinh hoạt thiết yếu như ăn uống, tắm rửa. Vậy nhưng, thời gian qua, kể từ lúc hai doanh nghiệp Tuyết Liêm, Phú Vĩnh được cấp phép khai thác cát sạn, cả một khúc sông bị “khuấy đảo” bởi mỗi ngày có gần trăm chiếc thuyền “cày xới” khiến nguồn nước trở nên đục ngầu, cáu bẩn”. Ngược lên khu vực khe Lụ (thôn Tân Ba) là bãi tập kết cát sạn của bốn doanh nghiệp (ngoài hai doanh nghiệp được cấp phép nêu trên, còn có bãi cát sạn của doanh nghiệp Ngọc/Nghệ, Dũng My (doanh nghiệp Dũng My nay đã ngừng hoạt động), hoạt động tấp nập với cả trăm lao động mà không hề có nhà vệ sinh nào. Do đó, việc phóng uế, xả rác hết sức bừa bãi. Rác uế “vô tư” bập bềnh ven bờ sông, nơi mà người dân xuống lấy nước dùng để ăn uống, tắm giặt. Trưa ngày 5/4, lúc số lượng đò khai thác đã “vợi”, nhưng “mục kích” chúng tôi vẫn nhận thấy nước sông đục ngầu, gần như chuyển sang màu nâu đỏ. Và cứ cách chừng sải tay, một bịch ni lông rác thải dập dờn. “Đó là chưa kể lượng phân và nước tiểu của các lao động thuộc mấy doanh nghiệp nêu trên “phóng” thẳng xuống khúc sông này. Quá kinh sợ! Nhưng chỉ nhà nào có tiền mới đi mua nước về uống, nấu ăn. Còn hầu hết người dân vẫn phải dùng thứ nước bẩn này phục vụ sinh hoạt. Nếu sống bằng nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng như thế này thêm một thời gian, có lẽ người dân trong thôn bệnh tật” nhiều người dân bức xúc.
Quang cảnh khai thác trên địa bàn thôn Tân Ba hầu như cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Đăng Hậu
Bên cạnh việc nguồn nước bị ô nhiễm, khai thác cát sạn gây tiếng ồn cả ngày lẫn đêm là nỗi bức bối khác của người dân. 4 giờ 30 sáng ngày 4/4, người viết bài bị “dựng” dậy bởi cú điện thoại của một người dân thôn Tân Ba. Qua điện thoại đã nghe ầm ĩ tiếng động cơ, máy nổ từ hoạt động khai thác. “Tui không dám đánh thức chị lúc nửa đêm, chứ 2 giờ sáng tiếng ồn từ các đò khai thác cát sạn còn kinh khủng hơn. Ngày nào chúng tôi cũng bị “hành” như thế đó” Người dân này bức xúc. Ngoài ra, trong quá trình chúng tôi đi thực tế, nhiều người kêu trời vì tình trạng đất của họ bị sạt lở do các đò vào “đánh” cát sát bờ.
 
Nhiều nguyên nhân, khó “tháo gỡ”?
Trưởng thôn và một số người dân phản ánh với PV báo Thừa Thiên Huế
Không chỉ thôn Tân Ba mà người dân cả hai thôn Vỹ Dạ, Võ Xá cũng bức xúc vì những ô nhiễm nêu trên. Một lãnh đạo UBND xã Thủy Bằng cũng “lắc đầu” vì tình trạng “đa ô nhiễm” do hoạt động khai thác cát sạn gây ra. Lãnh đạo này cho biết: “Tối 28/3, người dân thôn Vỹ Dạ tự đánh kẻng họp dân, chuẩn bị gậy gộc manh động, “xáp lá cà” ẩu đả, để đuổi các đò khai thác cát sạn. Nắm được tình hình đó, xã lập tức tiếp xúc với hơn 30 hộ, nhắc nhở, tuyên truyền không được vì bức xúc mà có hành động vi phạm pháp luật, nhờ vậy mới “dẹp” yên được vụ này. Sau đó, xã Thủy Bằng đã báo cáo lên thị xã Hương Thủy. Bí thư, Phó Bí thư Thị ủy thị xã Hương Thủy đã đến nắm tình hình, gặp một số người dân trao đổi và yêu cầu không được giải quyết vấn đề bằng ẩu đả. Từ ngày 1/4 đến nay, một tổ công tác đặc biệt gồm công an thị xã, cảnh sát môi trường, công an xã (7 cán bộ) đến chốt tại “hiện trường” 24/24 giờ mỗi ngày, kiểm tra xử lý những trường hợp khai thác trái phép…”
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân và từ chính quyền xã Thủy Bằng, việc kiểm tra, xử lý không hề đơn giản. Từ khi tỉnh kiên quyết giải tỏa khai thác cát sạn ở các bãi dọc bờ sông Hương, chỉ quy hoạch cho phép khai thác sau 2,6 km từ cầu Tuần trở lên và cấp phép cho hai doanh nghiệp (nêu trên) khai thác (doanh nghiệp Tuyết Liêm từ ngày 24/7/2013, doanh nghiệp Phú Vĩnh từ ngày 15/1/2014), những đò khai thác “chui” tập trung khu vực này, trà trộn vào “quân” của các doanh nghiệp được cấp phép, để “đánh trộm”. Do đó, mới xảy ra tình trạng mỗi ngày có cả trăm đò khai thác. Mặc dù tỉnh có quy định cụ thể về diện tích khu vực khai thác, trữ lượng, công suất, chiều sâu… được khai thác, nhưng các doanh nghiệp có thực hiện đúng hay lại “trà trộn” vào số lượng các đò khai thác “chui” để ra khỏi khu vực quy định, vào sát bờ “đánh” cát? Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp khi khai thác có thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo, phục hồi môi trường… theo quy định hay không? Với thực tế ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như hiện nay, phải chăng các vấn đề nêu trên đã không được thực hiện? Do bức xúc vì quyền lợi chính đáng bị xâm phạm, cuộc sống bị ảnh hưởng, một số người dân có phản ứng với những người khai thác cát sạn và bị “lực lượng” này đe dọa, thậm chí có người còn bị đánh phải nhập viện trong tình trạng nguy cấp, bây giờ phải mang thương tật vĩnh viễn.
Hiện nay, tổ công tác đặc biệt “chốt chặn” 24/24 giờ, nên hoạt động khai thác cát sạn “tràn lan” suốt cả ngày lẫn đêm có “co” lại. Những đò khai thác trái phép hoặc có phép mà thực hiện không đúng với quy định hoạt động dè chừng hơn. Tuy nhiên, theo người dân khi lực lượng chức năng xuất hiện, họ “núp” hết. Lực lượng chức năng mới quay lưng đi, họ lại ùa ra “khuấy đảo” dòng sông bất kể đó khu vực nào.
Ông Lê Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng:
“Đề nghị sớm đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân”
Theo quy định, việc khai thác phải thực hiện giữa dòng sông, cách mỗi bên bờ 30 mét để tránh sạt lở. Trên thực tế, khi có lực lượng kiểm tra, những người khai thác dạt ra cách bờ đúng 30 mét. Tuy nhiên, những ống hút có chiều dài từ 12 đến 15 mét vẫn “vươn” vào sát bờ sông. Thực tế cũng cho thấy việc khai thác tập trung nhiều nhất từ khuya đến sáng, ảnh hưởng giấc ngủ của người dân. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước khiến người dân phải sử dụng nước bẩn để ăn uống, sinh hoạt là nguy cơ gây bệnh tật, ảnh hưởng sức khỏe của họ. Do đó, đề nghị các ngành chức năng có văn bản quy định cụ thể về thời gian khai thác, đồng thời kiểm tra chặt việc thực hiện đúng hay không vị trí khai thác, xử lý nghiêm những trường hợp được cấp phép nhưng cố tình không khai thác trong khu vực mỏ, kiên quyết không để tồn tại tình trạng khai thác trái phép trà trộn. Đặc biệt, đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân là giải pháp quan trọng, sớm ngày nào hay ngày đó, không để họ phải dùng nguồn nước ô nhiễm ăn uống, tắm giặt, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.
Ông Phan Bồng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Hương Thủy, Trưởng đoàn kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản trên địa bàn thị xã Hương Thủy:
“Thực hiện đồng bộ các giải pháp để việc khai thác có trật tự, đúng pháp luật”
Sau khi nắm tình hình, 2 ca nô (Cảnh sát môi trường điều 1 ca nô, Công an thị xã Hương Thủy điều 1 ca nô) và 7 cán bộ (gồm 2 cảnh sát môi trường, 3 công an thị xã Hương Thủy, 2 công an xã Thủy Bằng) được điều tới làm nhiệm vụ 24/24 giờ, do đó tình hình đã ổn định. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài phải có những giải pháp căn cơ. UBND thị xã Hương Thủy đã có báo cáo, trong đó kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ cho thị xã. Cụ thể: Phòng cảnh sát đường thủy kiểm tra, đình chỉ các lái thuyền không có giấy phép điều khiển phương tiện. Sở Tài nguyên & Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường/ Công an tỉnh, Phòng cảnh sát đường thủy, Đoạn quản lý đường sông, UBND TP Huế, UBND thị xã Hương Thủy thường xuyên tăng cường phối hợp kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác cát, sạn sỏi, trái phép… Sớm có giải pháp quản lý các hộ dân vạn đò vào khai thác cát sạn theo khuôn khổ cho phép; kiến nghị UBND tỉnh sử dụng nguồn kinh phí thu từ phí môi trường trong quá trình khai thác cát sạn, hỗ trợ lại cho địa phương thông qua việc cung cấp hệ thống nước sạch cho người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng từ khai thác cát sạn. Những vấn đề trên phải thực hiện đồng bộ để việc khai thác có trật tự, đúng pháp luật.
Ông Phan Văn Đáng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT):
“Sẽ kiểm tra việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt”
Việc cắm mốc chưa được thực hiện nhưng đã xác định tạm thời theo máy định vị RVS (không đảm bảo chính xác 100%) và chúng tôi yêu cầu các đò phải khai thác trong khu vực đã xác định. Sau khi khảo sát thực địa, ngày 8-4-2014 UBND tỉnh đã có công văn số 1805 chỉ đạo, yêu cầu: Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo quyết liệt lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và công an các địa phương phối hợp các ngành, địa phương cùng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép…; đối với các trường hợp vi phạm kéo dài, cố tình lập lại vi phạm cần có giải pháp kiên quyết theo quy định của pháp luật với hình thức xử lý cao nhất.
Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Công an tỉnh tổ chức làm việc với 2 đơn vị đã được cấp phép khai thác và các chủ đò để thống nhất việc khai thác theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó nhấn mạnh; “Đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản thì phải đảm bảo việc tổ chức các hộ gia đình đang hoạt động khai thác cát, sỏi vào cùng tham gia khai thác. UBND tỉnh ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức được nhiều hộ gia đình cùng tham gia vào doanh nghiệp mình để khai thác tại khu mỏ được cấp phép”.
Việc kiểm tra doanh nghiệp thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chúng tôi (và Chi cục Bảo vệ Môi trường) dự kiến tới đây triển khai. Việc cắm mốc tại thực địa (giới hạn được phép khai thác), các doanh nghiệp chưa làm. Tại biên bản ngày 3-4, chúng tôi yêu cầu trong vòng 7 ngày phải thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh. Chúng tôi sẽ yêu cầu thực hiện với sự chứng kiến của các đơn vị có liên quan (UBND thị xã Hương Thủy, Chi cục quản lý đất đai, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) tại buổi kiểm tra thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Duy Trí (ghi)
 
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghỉ lễ dài ngày, người dân cần lưu ý 5 vấn đề khi vắng nhà

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người dân, hộ gia đình sẽ có những dự định đi chơi xa, về quê thăm người thân... Để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng người dân vắng nhà dài ngày để trộm cắp tài sản hay những bất trắc có thể xảy ra, ngày 24/4, Công an tỉnh đã gửi thông tin cảnh báo, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt lưu ý.

Nghỉ lễ dài ngày, người dân cần lưu ý 5 vấn đề khi vắng nhà
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau

TIN MỚI

Return to top