ClockThứ Sáu, 25/08/2017 05:36

Người dân Thủy Phú mong được lên bờ

TTH - Xóm vạn chài Thủy Phú ở xã Hương Vinh (TX.Hương Trà) là nơi sinh sống của 20 hộ dân với hơn 120 nhân khẩu.

Khổ đủ đường

Vào xóm chài, chúng tôi phải vòng qua những “núi” cát cao ngất. Xóm có hơn chục con đò nép mình bên bến sông. Đò cũng là những mái nhà. Xóm vạn chài như biệt lập dù nơi đây chỉ cách trung tâm TP. Huế chưa đầy 6km.

Không có nước sạch để dùng, mọi sinh hoạt người dân đều sử dụng nước sông

Ông Trần Bí (58 tuổi), cẩn thận mời chúng tôi vào một “căn nhà” trên lối đi bằng những thanh gỗ. Hơn nửa thế kỷ nay, trên khoang thuyền chật hẹp chưa đến 10m2 là nơi gia đình bà Lê Thị Lồng, 74 tuổi -người lớn tuổi nhất ở xóm vạn chài cùng các con, cháu (hiện có 7 thành viên) cùng sinh sống. Trên thuyền, đồ đạc, áo quần giăng, mắc khắp nơi. Tài sản chẳng có gì đáng giá. Mọi sinh hoạt đều quẩn quanh trên chiếc thuyền nhỏ.

Nối nghiệp cha từ con thuyền nhỏ, 19 tuổi, ông Trần Bí lấy vợ rồi lần lượt sinh 9 người con. Giờ con cái nhiều đứa đã ra riêng nhưng đa phần đều gắn với nghiệp chài lưới. Ông Bí trầm ngâm: “Gia đình tui ở đến nay là đời thứ 4. Hồi trước giải phóng, chỉ có vài hộ tới “ăn nhờ ở đậu” khúc sông ni, chừ thì ai cũng con cháu đề huề cả”.

Nhiều đời nay, người dân vạn đò Thủy Phú sống phụ thuộc vào từng mẻ lưới. “Ban đêm đi bỏ lừ, ban ngày ai có sức khỏe thì xúc cát thuê nhưng nhiều  lắm cũng chỉ kiếm được 100-200 ngàn đồng/ngày”, ông Bí cho hay.

Cuộc sống nay đây mai đó nên trừ lũ trẻ, còn lớp trung niên, người già xóm vạn chài đều mù chữ. Vì mù chữ, nên có lắm chuyện bi hài. Ông Cao Thắng, Trưởng thôn Thủy Phú kể: “Hễ có việc lên xã, ký tá giấy tờ bà con đều phải điểm chỉ. Hộ khẩu phải nhờ người làm giúp, nhưng khi đem về cũng không biết đúng sai. Chỉ đến lúc cần mới “tá hỏa” chạy quanh để xác minh lại”...

Bọn trẻ cũng được cha mẹ cho đến trường nhưng mấy chục năm nay, cả xóm chưa có ai học hết bậc trung học cơ sở. “Thì o coi, mùa mưa lũ, đường mô mà đi, rồi theo cha mẹ kiếm ăn, lấy ai đưa đón nên cố gắng lắm cũng chỉ học đến lớp 9, rồi thôi”, bà Lê Thị Lồng ngậm ngùi.

Nhưng khổ nhất vẫn là vấn đề vệ sinh. Bao nhiêu rác thải trên bờ đều chảy về khu vực này khiến người dân luôn sống trong môi trường ô nhiễm, hầu hết đều mắc phải các bệnh ngoài da, bệnh về đường ruột. “Chỉ có nước uống, nấu cơm thì mua, dùng tiết kiệm. Còn lại, mọi sinh hoạt tắm giặt, rửa chén, rửa rau... đều sử dụng nước sông”, ông Bí kể.

Chờ kinh phí

Khát khao được lên bờ để ổn định cuộc sống là mơ ước cháy bỏng của 20 hộ dân vạn đò Thủy Phú. “Sống gần hết đời người, ước mơ duy nhất của tui cũng như người dân nơi đây là được lên bờ sinh sống. Có lên được trên bờ thì thế hệ sau mới khá lên được. Con cái có điều kiện học hành, không lo môi trường sống ô nhiễm và không còn cảnh thấp thỏm lo lắng về mùa mưa bão”, bà Lê Thị Lồng mong mỏi.

“Nhà” của những đứa trẻ là con đò

Để di dời cư dân vạn đò lên định cư ổn định, năm 2012, chính quyền địa phương bố trí quỹ đất cho các hộ dân trên diện tích 0,8ha tại khu vực biền bãi Thanh Hà (sát cầu Thanh Hà). Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn chưa được triển khai.

“Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền về mong mỏi được “lên bờ” của bà con, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có “động tĩnh”, Trưởng thôn Thủy Phú bày tỏ.

Theo Chủ tịch UBND xã Hương Vinh Trần Quốc Thắng, việc đưa bà con ở xóm vạn đò Thủy Phú lên bờ tái định cư là vấn đề lớn, ngoài khả năng của xã; do nguồn kinh phí dự kiến cần trên 3 tỷ đồng. “Hiện quy hoạch, đất đã có, chính quyền TX. Hương Trà cùng các đơn vị liên quan cũng đã làm việc với địa phương và bà con về chủ trương trên; tuy nhiên vẫn chưa biết khi nào thực hiện được”, Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Thắng nói.

Ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho hay: Đây là dự án theo chương trình mục tiêu định canh định cư của tỉnh, trước đây thị xã cũng đã làm báo cáo, trình phương án đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa được các ngành cấp tỉnh xem xét chấp nhận chủ trương. Nguyện vọng của bà con là được lên bờ để ổn định cuộc sống nhưng kinh phí để thực hiện thì thị xã không có, vì vậy, rất mong tỉnh nghiên cứu để tiếp tục cho xúc tiến dự án càng sớm càng tốt.  

Để xóa mù chữ cho bà con xóm vạn đò Thủy Phú, từ tháng 10/2016, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TX.Hương Trà đã tổ chức lớp học xóa mù chữ cho hàng chục cư dân tại đây. Lớp học dự kiến sẽ kết thúc cuối năm 2017.

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top