ClockThứ Ba, 09/06/2015 12:55

Người đi đường lúng túng

TTH - Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các ngã tư đã được cơ quan chức năng lắp đặt. Tuy nhiên, một số đèn tín hiệu giao thông xảy ra "sự cố" nên không phát huy tác dụng, thậm chí khiến người đi đường "không biết thế nào mà lần" .

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư Nguyễn Trãi - Thạch Hãn đã ngừng hoạt động

Lúng túng

Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xử phạt từ 200 nghìn đến 400 nghìn đồng đối với người đi xe máy với hành vi không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng.
Chúng tôi có mặt tại ngã tư đường Nguyễn Trãi - Thạch Hãn (phường Thuận Hoà, TP Huế) theo phản ánh của người dân. Ông Nguyễn Đình Hướng, một người dân sống ở khu vực này cho biết, đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt khoảng 10 năm về trước. Quá trình hoạt động, đèn thường xuyên hư hỏng, phải sửa chữa nhiều lần và 2 năm nay thì ngừng hoạt động hẳn. Lưu lượng người tham gia trên các tuyến đường ở đây rất đông trong khi đèn tín hiệu giao thông không hoạt động nên xung quanh khu vực ngã tư thường xảy ra va quệt giữa các phương tiện. Dù chưa có trường hợp chết người, nhưng đã có trường hợp phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Qua đường dây nóng của Báo Thừa Thiên Huế, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của người dân xung quanh hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn TP Huế. Theo đó, có những hệ thống đèn giao thông “nổi chứng”, đèn thì không đỏ, đồng hồ đếm lùi hiện lên vừa xanh vừa đỏ, nên người dân rất lung túng khi tham gia giao thông. Một người dân từng bức xúc phản ánh, ông đang lưu thông trên đường Lê Lợi, do hệ thống đèn tín hiệu ở cầu Phú Xuân bị chập mạch, ông không hiểu thế nào nên cứ thế mà đi. Sau khi nhận thấy mình đã vượt đèn đỏ, ông dừng lại và lùi xe. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông ở chốt chặn này đã yêu cầu ông vào bục để lập biên bản xử phạt...
Sẽ cho kiểm tra, sửa chữa
Đến nay, TP Huế đã tiến hành xây dựng 40 cụm đèn tín hiệu giao thông và đang tiếp tục triển khai lắp đặt mới thêm 2 cụm đèn giao thông tại nút giao lộ Bà Triệu - Tố Hữu và Phạm Văn Đồng - Lưu Hữu Phước. Kinh phí để xây dựng mỗi cụm đèn tín hiệu giao thông khoảng 700 đến 800 triệu đồng.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Trưởng Công an TP Huế cho biết, hàng năm lực lượng công an đều khảo sát những tuyến đường, giao lộ để đề xuất UBND TP Huế xây dựng hệ thống tín hiệu đèn giao thông. Ở những giao lộ có khả năng thông xe qua mặt cắt, có lưu lượng phương tiện đông, tình hình tai nạn giao thông phức tạp… sẽ đề xuất xây dựng cụm tín hiệu giao thông. Những giao lộ có nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chưa xây dựng được cụm tín hiệu đèn, sẽ tham mưu lắp đặt cụm đèn vàng để người tham gia giao thông giảm tốc độ. Hàng năm, lực lượng công an đều phối hợp kiểm tra cụm đèn tín hiệu giao thông để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa khi có hư hỏng. Riêng cụm đèn giao thông tại ngã tư Nguyễn Trãi - Thạch Hãn sẽ cho tiến hành kiểm tra lại để sửa chữa. Kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các cụm đèn giao thông trích từ nguồn ngân sách, trong khi ngân sách TP Huế có hạn nên không thể một sớm một chiều khắc phục được.
Bên cạnh việc lắp mới và duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn tín hiệu giao thông, ngành công an cần đẩy mạnh công tác chốt chặn, xử phạt các trường hợp không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông. Nhiều người còn cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét, lắp đặt thêm hệ thống camera ở các cụm tín hiệu để xử phạt nguội như các thành phố lớn đã làm. Có như vậy, hành vi vi phạm sẽ không còn tồn tại; đồng thời tai nạn giao thông ở đô thị sẽ được kiềm chế. 
Thượng tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP Huế:
Mỗi năm xử phạt hàng nghìn trường hợp vượt đèn đỏ
Hàng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông TP Huế đều cắt cử lực lượng chốt chặn ở các giao lộ có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, dùng máy ảnh, camera ghi hình để xử lý các trường hợp vi phạm. Trung bình mỗi năm, xử lý hàng nghìn trường hợp không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, trong đó có vượt đèn đỏ. Đa số các đối tượng vi phạm là thanh, thiếu niên. Ngoài xử phạt, có trường hợp bị giam giữ xe vi phạm một thời gian, trường hợp tái phạm còn bị tước giấy phép lái xe để răn đe, phòng ngừa… Tuy nhiên, ý thức chấp hành của một số người tham gia giao thông kém, khi có lực lượng công an thì chấp hành, nhưng khi vắng bóng lực lượng công an thì vi phạm dẫn đến tình trạng vượt đèn đỏ còn xảy ra phổ biến.
THÁI BÌNH (ghi)
 
Bài, ảnh: Hải Huế - Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Return to top