ClockThứ Tư, 19/11/2014 05:56

Người “đưa đò” bên phá Cầu Hai

TTH - Thầy giáo Phan Văn Lâu, Hiệu trưởng Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc) được mọi người xem là người âm thầm “đưa đò” cho bao thế hệ học trò vùng khó bên phá Cầu Hai đến với tri thức. Thầy là tấm gương điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

“Nâng chất” cho trường vùng biển

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lý vào năm 1978, thầy tham gia giảng dạy ở Trường trung học Quân đội tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1981, thầy trở về giảng dạy ở vùng phá Cầu Hai, mà bến đỗ đầu tiên là Trường cấp 3B Phú Lộc, nay là Trường THPT Vinh Lộc. Hồi ấy, Trường THPT Vinh Lộc còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nguồn nhân lực, người dân ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Nhiều đồng nghiệp của thầy đã “quay lưng” chuyển sang ngành nghề khác mưu sinh. Riêng thầy đã vượt qua đoạn trường gian khó của nghề dạy học. Thầy kể, hồi ấy, hầu hết các em ở đây đi học đều bụng đói, mặc quần ống cao ống thấp, đầu trần, chân lội cát nóng để đến lớp. Thương lắm nhưng mình cũng nghèo, biết lấy gì mà giúp”.
Thầy giáo Phan Văn Lâu chia sẻ những việc làm trong đời nghề giáo của mình
Năm 1998, thầy giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Vinh Lộc. Với cương vị mới, thầy để lại ấn tượng tốt cho mọi người. Thầy chọn giải pháp mềm dẻo, phù hợp với từng công việc, từng đối tượng để xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Hàng năm, bước vào năm học, thầy tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các tổ nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ năm học theo tiêu chí thi đua của ngành. Với cương vị đứng đầu, thầy phát huy tính dân chủ, luôn lắng nghe ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Thầy mạnh dạn gợi mở, cùng tập thể phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”, đồng thời tạo điều kiện tốt cho các hội, đoàn trong trường phát triển lớn mạnh.
Thầy nói: “Nhiệm vụ ngành đề ra thì lớn, nhưng mình phải nhìn thực tế để cụ thể hoá công việc vì sự nghiệp giáo dục của tập thể, không chạy theo thành tích mà phải học thật, thi thật, kích cầu, giúp học sinh ham học, thích học”.
Trường đã quan tâm đến việc học nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giáo viên, tạo điều kiện cho các bộ, giáo viên tham gia các khóa đào tạo dài, ngắn hạn; khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, trường đã có 100% cán bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; trong đó có 15/83 cán bộ, giáo viên đã qua đào tạo thạc sĩ. Những năm gần đây, nhiều cán bộ, giáo viên đạt thành tích cao về dạy giỏi cấp tỉnh và huyện; số học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi đạt thứ hạng cao (nằm trong nhóm 10 trường dẫn đầu của tỉnh); tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt gần 100% và con số học sinh thi đỗ đại học theo nguyện vọng 1, tăng hàng năm.
 
Giúp các em nghèo “làm giàu” con chữ
Trường THPT Vinh Lộc hiện có 1.271 học sinh, với 32 lớp. Trường có đầy đủ cơ sở vật chất về đáp ứng nhu cầu học sinh học hai buổi trong ngày. Tháng 10-2014, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Nhiều năm liền, trường đạt danh hiệu thi đua tập thể lao động xuất sắc của tỉnh. Đảng bộ Trường THPT Vinh Lộc có 40 đảng viên, với 5 chi bộ hàng năm đều được Huyện uỷ Phú Lộc công nhận “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.
Từ những năm cuối thập niên 90 đến nay, nhiều học sinh ở Trường THPT Vinh Lộc vì hoàn cảnh nghèo đành phải xa trường. Với sự gợi mở của thầy Phan Văn Lâu, Quỹ khuyến học của trường ra đời, với nguồn huy động từ các cựu hội sinh thành đạt, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Ban đầu, nguồn quỹ chỉ dừng lại 5-10 triệu đồng để cứu trợ đột xuất. Đến nay, bình quân mỗi năm, quỹ Khuyến học của trường đạt 100 triệu đồng. Điển hình có thầy giáo hưu trí Lê Tỏa ở Vinh Mỹ, hàng năm kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ cho trường 10-20 triệu đồng bằng tiền mặt, hoặc vật chất, như máy tính, xe đạp, sách vở... Từ nguồn quỹ có được, đã chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nhiều học sinh đau ốm, khó khăn có điều kiện trở lại lớp. Hàng năm, đúng vào ngày 25-8, trường tổ chức tôn vinh học sinh đỗ đại học. Nhiều học sinh đỗ cao, thành đạt, nay đã trở thành tiến sĩ, giáo sư công tác ở các thành phố lớn đã góp phần xây quỹ khuyến học của trường.
Năm nay, thầy Lâu đã 58 tuổi nhưng những kế hoạch, dự kiến của thầy cho tập thể cán bộ, giáo viên học sinh trường THPT Vinh Lộc lúc nào cũng tràn đầy. Cơ sở vật chất trường, lớp đã ổn định, khang trang; đội ngũ giáo viên đã xứng tầm. Vấn đề thầy trăn trở hiện nay là làm sao xóa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng và tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, giúp các em có tri thức tốt hơn để có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định.
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Return to top