Người Huế giữ sách
TTH - Người Huế có truyền thống đọc sách và lưu giữ để truyền lại cho con cháu như những tài sản quý. Dưới thời phong kiến, dù là người làm nghề nông, nghề ngư hay nghề giáo đều có khát vọng phải làm rạng danh dòng họ và con đường lý tưởng nhất để hiện thực hóa nó chính là học hành để ra làm quan. Người Huế xưa giáo dục truyền thống cho con cái bằng mọi cách phải tích cóp trao truyền kinh nghiệm, kiến thức; đặc biệt là sách vở. Và giá sách với những cuốn sách quý tại mỗi gia đình được đặt trang trọng tại “tây phòng” còn gọi là thư phòng. Giá sách này được xem như linh hồn của nền giáo dục truyền thống Huế.
Tủ sách đó được trao truyền qua nhiều thế hệ. Và nếu sách có chữ ký của những người đã sưu tầm, gìn giữ nó thì giá trị của sách càng nhân lên gấp bội. Ngày xưa, có những cuốn sách rất mỏng, chỉ vài chục trang giấy, nhưng giá trị nó mang lại ý nghĩa vô cùng. Những trang sách đó đã dìu dắt, nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ đến tận ngày nay. Trân quý như vậy nên việc đọc sách càng phải được coi trọng: đọc sách phải như thế nào, cầm ra sao, không được gấp bìa cong vênh... nếu nằm nghiêng, nằm ngửa, đọc xong tiện tay vứt bừa qua một bên thì là tư cách chưa bảo đảm, thái độ dành cho sách chưa ổn.
![]() |
Độc giả đến xem sách tại buổi trưng bày và giới thiệu sách nhân Ngày Sách Việt Nam tại Huế
|
Bài, ảnh: Liên Minh