ClockThứ Sáu, 13/11/2020 08:51

Người kinh doanh lao đao theo mưa lũ

TTH.VN - Mưa lớn, nước lũ lên rồi rút, cứ thế lập lại nhiều lần trong thời gian qua khiến việc buôn bán, kinh doanh của người dân ở một số tuyến đường trung tâm TP. Huế rơi vào tình cảnh khó khăn. Tình hình mưa lũ còn kéo dài, trước mắt họ là những nỗi lo thấp thỏm chưa biết rồi “ông trời” có thương tình mà chiều lòng người.

Nhiều chính sách nhưng khó tiếp cận - kỳ 1: Nhiều chính sách hỗ trợCùng chia sẻ, vượt qua giai đoạn khó khăn“Chung lưng” cùng doanh nghiệp & người dânTháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Nước lũ lên xuống nhiều lần trong gần một tháng qua khiến việc kinh doanh, buôn bán gặp nhiều khó khăn

Điệp khúc nước lũ lên - xuống

“Chưa khi mô việc buôn bán gặp khó khăn như thế. Vừa trải qua dịch COVID-19 thì mưa lũ kéo dài triền miên. Bán buôn vốn đã khó khăn thì nay càng khó khăn hơn”, chị Vui, chủ cửa hàng thời trang trên đường Bà Triệu, TP. Huế nói với giọng ngán ngẩm. Chị kể, gần đây, nhất là đêm 11/11, nước lũ tràn sông, lên nhanh. Lo sẽ ngập sâu, chị vội dọn dẹp, kê cao những đống hàng thời trang thu đông mới đưa về, kéo quán khá sớm để về nhà và phó mặc cho mưa lũ. “Nếu có ngập thì cũng đành chịu. May là nước vào mấp mé rồi lại rút”, chị nói với giọng rầu rầu.

Không phải đây là lần “chạy lũ” duy nhất trong năm, chị Vui cũng đã hai lần hối hả dọn dẹp hàng quán khi nước lũ lên nhanh, gây ngập úng kéo dài trong tháng 10. Nước lên ai ai cũng lo tìm đường về nhà càng sớm càng tốt. Vì thế việc buôn bán gần như đình trệ. “Nước lên nhanh, nhà nào lo về nhà đó. Hàng quán cũng tương tự, ai cũng lo thu gom, đóng thành từng bao lớn rồi kiếm các vật dụng để kê lên cao, sợ nước lên nhanh trong đêm sẽ hư hỏng”, chị Vui nói tiếp và chỉ tay ra những dãy cửa hàng lân cận, ai cũng chung cảnh ngộ dọn dẹp sau khi nước lũ rút xuống.

Đường Bà Triệu ngập sâu nhất từ đoạn giao nhau với Tố Hữu kéo dài đến đoạn giao nhau với đường Trường Chinh - Tôn Đức Thắng. Chỉ một đoạn đường này nhưng có hàng chục cửa hàng kinh doanh đủ loại từ thời trang, mỹ phẩm, nội thất và cửa hàng ăn uống… Chỉ trong vòng một tháng, nước lũ đã lờn vờn qua khu vực này hơn 3 lần, sâu nhất nước ngập tầm 0,5m tràn vào trong các cửa hàng, quán sá. Nhiều người may mắn dọn dẹp sớm nên không thất thoát nhiều, những người không may thì một khối lượng lớn hàng hoá chìm trong nước, hư hỏng nặng.

Chị Hoài, chủ một cửa hàng chuyên bán giày dép gần đó than chưa khi nào vất vả như năm nay. Khác với mọi năm, nước lũ ít khi ngập lên đường, nếu có lên thì cũng chỉ một lần, rồi rút nhanh. “Đằng ni trong vòng chưa đầy 1 tháng nước lũ lên rồi rút, rút rồi lại lên. Đã rứa nước thường lên vào ban đêm, việc dọn dẹp quá cực. Rồi chưa kể việc buôn bán bị đình trệ hoàn toàn, thất thu trong thời gian dài”, chị Hoài ngao ngán và dự báo tình hình khó khăn sẽ chưa dừng lại đây khi từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều trận bão kèm mưa lớn.

Một năm buôn bán… buồn

Cách đường Bà Triệu không xa là đoạn đường Hùng Vương, từ ngã 6 kéo dài đến cầu Trường Tiền sầm uất, nổi tiếng với nhiều cửa tiệm chuyên doanh thời trang sang trọng. Nhiều đoạn ở tuyến đường cũng rơi vào tình cảnh tương tự, ngập rồi lại rút, rút rồi lại ngập nhiều lần do ảnh hưởng của mưa bão triền miên. Việc buôn bán khu vực này ế ẩm, khó khăn không thể diễn tả hết.

Tuyến đường chuyên doanh thời trang sầm uất Hùng Vương im lìm trong bóng tối, hàng quán đóng cửa sớm vì nước lũ ngập sâu. Ảnh chụp khuya 11/11

Chủ một cửa hàng kinh doanh mặt hàng áo quần xuất nhập khẩu trên tuyến đường này cho biết, thấy nước lên ngay lập tức phải huy động nhân viên thu dọn kê đồ lên cao, rồi đóng quán để nhân viên về sớm. “Người di chuyển qua lại còn khó khăn huống chi là nói chuyện mua bán”, người này nói. Có những đêm nước bủa vây, cả tuyến đường này kéo cửa sớm, tối om chưa từng có.

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh, ngày trước đoạn đường này cũng có ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn. Nhưng từ khi hệ thống thoát nước đô thị đưa vào hoạt động, ngập úng gần như không xảy ra, việc buôn bán nhờ thế mà năng động, thuận tiện. Nhưng nay mưa lụt thì không tài nào… chống đỡ được.

Khó khăn chồng chất khó khăn, người buôn bán ở khu phố sầm uất này cho hay, chưa khi nào việc kinh doanh lại trầy trật như năm nay. Sau hai đợt ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chưa kịp hồi phục thì hứng ngay liên tiếp các trận bão lũ khiến họ gần như kiệt sức. Đổ dồn bao nhiều vốn liếng vào để đầu tư, làm ăn thì nay họ lại như ngồi trên đống lửa trước nỗi lo chưa biết sẽ thu hồi vốn như thế nào khi tình hình dự báo sẽ còn khó khăn nhưng vẫn phải trang trải các loại chi phí, tiền thuê mặt bằng, nhân công… cứ thế dồn dập.

Không riêng gì người buôn bán, kinh doanh trên một số tuyến đường thường xuyên ngập lụt, việc ngập lụt còn ảnh hưởng “dây chuyền”, khiến nhiều người khác cũng chung cảnh ngộ. Từ làm ăn lớn cho đến những người buôn bán nhỏ lẻ, tình hình mưa lũ kéo dài trong gần một tháng qua gần như làm kiệt sức tất cả, và dự báo người kinh doanh sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở phía trước khi tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất ổn, bất thường…

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

TIN MỚI

Return to top