ClockThứ Bảy, 18/10/2014 10:18

Nguội lạnh gạch nung - kỳ II: Chuyển đổi mới sống được

TTH - Nhà nước đã có chủ trương sử dụng gạch không nung cho công trình thuộc vốn ngân sách dần tiến tới sử dụng gạch không nung cho toàn bộ các công trình. Để “sống” được, không còn cách nào khác các NMG nung phải chuyển đổi dây chuyền sang gạch không nung.

Kinh phí không lớn

“Việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất gạch nung sang gạch không nung không phải đến bây giờ mới đề cập. Kể từ khi Chính phủ có chủ trương sử dụng gạch không nung, tiến tới xóa bỏ sản xuất gạch nung, chúng tôi đã tư vấn, tập huấn, phổ biến cho doanh nghiệp, chủ đầu tư khi họ có ý định, chủ trương mở NM sản xuất gạch nung. Song, dù như thế, nhưng rất nhiều doanh nghiệp chỉ thấy cái lợi trước mắt rồi đầu tư xây NM, mở rộng sản xuất, nhất là thời điểm khi việc đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, khoảng trước năm 2008. Thời điểm đó, các NMG gạch nung ăn nên làm ra, nên liền sau đó một loạt NM mới ra đời. Và hậu quả là bây giờ, khi đầu tư công bị cắt giảm, thị trường tiêu thụ nội địa gặp khó khăn, nhiều NM trong số đó đã phải đóng cửa” TS Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói.

Công ty TNHH Trường An giới thiệu gạch không nung tại một hội thảo

“Vai trò quản lý Nhà nước nhưng chúng tôi cũng không thể ngăn cản việc thành lập, mở nhà máy mới. Định hướng, quy hoạch thì có, nhưng quy hoạch cũng chỉ dừng lại ở mức độ là DN đầu tư ở vị trí đó đã phù hợp chưa. Còn trong quy hoạch định hướng, chúng tôi cũng đã nhiều lần đưa ra ý kiến, nêu chủ trương của Chính phủ, nhưng quyết định có đầu tư hay không là hoàn toàn do DN. Có DN biết chủ trương của Chính phủ nhưng họ vẫn làm, chúng tôi làm sao cản được”, TS Nguyễn Đại Viên nêu khó khăn trong quản lý.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thiên Định cho rằng, vấn đề tham mưu, tư vấn khi DN đăng ký xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không phải là không có. Thậm chí có nhiều DN viết đơn đề nghị Sở, tỉnh không cấp giấy chứng nhận kinh doanh để mở thêm các NMG nung. Song, về mặt tích cực thì việc đó có thể hạn chế sự phát triển ồ ạt các NMG dẫn đến dư thừa, nhưng mặt trái của nó lại tạo ra sự độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, trước khi cấp giấy chứng nhận, Sở lấy ý kiến các ngành liên quan và có sự cảnh báo, tư vấn cho DN. Nếu DN chấp nhận thì Sở phải cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định. Nếu không sẽ là vi phạm. Ngoài ra, Sở Kế hoạch-Đầu tư không thể khống chế ngành nghề kinh doanh đối với các DN đăng ký hoạt động có ngành nghề. Do đó, mới có việc nhiều NMG được cấp giấy phép hoạt động, dẫn đến cung vượt cầu như hiện nay.

Tính toán của cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy, một dây chuyền chuyển đổi gạch nung sang không nung chỉ tốn chục triệu đồng, nhiều lắm là trăm triệu đồng. Nếu đầu tư mới, có khi mất tiền tỷ. Song, cái khó nhất hiện là DN sản xuất gạch nung đang thiếu vốn. Nợ lương công nhân chưa trả thì lấy gì đầu tư chuyển đổi. Đối với DN thật sự khó khăn, Nhà nước cần đánh giá mức độ để có hướng cùng phối hợp với DN xử lý dứt điểm. Hoặc bán lại cho DN khác có tiềm lực hơn hoặc hỗ trợ, bảo lãnh cho DN vay vốn trả nợ, chuyển đổi dây chuyền sản xuất. Qua tham khảo ý kiến một vài DN hoạt động trong lĩnh vực này, đa số đều mong muốn được xem xét bảo lãnh vay vốn trả nợ, tái đầu tư mới với cam kết trả gốc, lẫn lãi đúng hạn. Đây cũng là cách gián tiếp giúp người lao động có việc làm.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, để các NMG nung có thể hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay và không đi ngược với chủ trương của Chính phủ phải chuyển đổi dây chuyền sản xuất. “So với đầu tư mới hoàn toàn thì việc chuyển đổi dây chuyền gạch nung sang không nung đỡ tốn kém kinh phí hơn. Hơn nữa, dây chuyền này vừa cơ động, có thể di chuyển, lại không tốn kinh phí sản xuất liên tục. Dây chuyền này cho phép người sản xuất khi có đơn đặt hàng, cho nên chắc chắn sẽ không có chuyện tồn kho như gạch nung. Nhược điểm của gạch nung là đốt lò liên tục, dù thị trường không có nhu cầu. Song, với gạch không nung, nhược điểm này được khắc phục bằng ưu điểm, khách mua tới đâu sản xuất tới đó”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay.

Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ DN

Công ty CP Xây lắp cho biết, với 4 NMG, một đã ngừng hoạt động là Phong Thu, hai đang hòa vốn là Tuynen Huế và Tuynen 2, chỉ duy nhất Tuynen 1 là làm ăn hiệu quả, song đơn vị cũng đã tính đến phương án chuyển đổi toàn bộ sang sản xuất gạch không nung theo lộ trình. Lo lắng lớn nhất của DN hiện không phải là vấn đề vốn mà là thị trường tiêu thụ, bởi lâu nay, người dân vẫn quen với việc sử dụng gạch nung. Tuy quy định sử dụng gạch không nung cho công trình Nhà nước đã có hiệu lực trên địa bàn, song, thị trường lớn của các NMG nung hiện nay vẫn là từ nguồn tiêu thụ trong dân. Khi chuyển qua sản xuất gạch không nung, nếu người dân không sử dụng, thì các NM sẽ sống như thế nào?

Thông tin liên quan:
Đưa tâm tư này đến gõ cửa Sở Xây dựng thì được biết, quy định sử dụng gạch không nung được áp dụng trên địa bàn TP Huế từ đầu năm 2014 và chủ yếu là công trình Nhà nước, sang năm sau sẽ triển khai về các huyện. So với cả nước, Thừa Thiên Huế triển khai chậm một năm, song, với người dân e còn dài, bởi cái gì đã trở thành thói quen sẽ khó thay đổi.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng có niềm tin rằng, sắp tới khi Công ty TNHH Trường An, đơn vị đi tiên phong trong việc sản xuất gạch không nung cho ra đời sản xuất gạch xi măng cốt liệu sẽ dần thay thế được thói quen sử dụng gạch nung của người dân. TS Nguyễn Đại Viên cho rằng, gạch không nung bằng xi măng cốt liệu nặng hơn cả gạch nung, hơn nữa kích thước được cải tiến phù hợp, bằng với gạch nung hiện nay nên hạn chế được những tồn tại và khắc phục những lo lắng, như không đảm bảo với khí hậu thời tiết Huế, nhẹ, dễ bị bão thổi bay...

Bên cạnh đó, gạch không nung có nguyên liệu phong phú, ngoài xi măng, cát, có thể sử dụng đất đồi để sản xuất. Một số DN ở phía Bắc đã sử dụng mạt đá để sản xuất gạch không nung. Nguyên liệu này trước đây chủ yếu không sử dụng, vì sau khi xay đá, số mạt đá dư thừa sẽ bị đổ đi, nay có thể tận dụng để sản xuất gạch cũng là cách tiết giảm chi phí, hạn chế tác hại về môi trường, khoáng sản.

Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ mời một số DN trong nước đã sản xuất thành công gạch không nung đến Thừa Thiên Huế để hướng dẫn cho các DN trên địa bàn phương pháp sản xuất, cách tiếp cận thị trường tiêu thụ gạch không nung, nhằm thực hiện hiệu của chủ trương của Chính phủ cũng như của tỉnh, góp phần vực dậy các DN sản xuất gạch nung đang bên bờ vực phá sản.

Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5

Nhằm đảm bảo cấp điện trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 tới, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban chức năng, các đơn vị trực thuộc thực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu sinh hoạt, lễ hội của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30 4 và 1 5
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

TIN MỚI

Return to top