ClockThứ Ba, 02/02/2016 15:23

Người lao động cần nghỉ tết dài ngày

Kỳ nghỉ tết là cơ hội người lao động có thời gian giải quyết các vấn đề cá nhân, để họ xốc lại quan hệ tình thân có nguy cơ rệu rã trong tất bật guồng quay cuộc sống...

Hai bạn trẻ ra sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM để kịp chuyến bay (TP.HCM - Đà Nẵng) về quê ăn tết - Ảnh: Hoài Linh

Bài viết “Ăn tết dây dưa” (Tuổi Trẻ ngày 1-2) đặt vấn đề nghỉ tết dài và chưa hợp lý ở nước ta sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động. Để bàn thêm câu chuyện này, chúng tôi giới thiệu một số ý kiến từ góc nhìn của người lao động.

Tôi đồng ý với quan điểm “chỉ được phép có tâm thế ngưng làm việc trong những ngày nghỉ chính thức” của tác giả bài “Ăn tết dây dưa”, tuy nhiên tôi không tán thành với nhận định: “Với năng suất lao động thấp, số ngày nghỉ nhiều như hiện nay thì lao động Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh”.

Trong công việc của mình (làm việc ở văn phòng đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tại các khu công nghiệp Nhơn Trạch), tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều lao động.

Một số nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp cũng thật lòng chia sẻ nhận xét của họ về những điểm yếu của lao động Việt Nam như tính kỷ luật, khả năng hội nhập, văn hóa doanh nghiệp... nhưng không ai trong số họ đặt vấn đề trở ngại từ phía người lao động nghỉ tết.

Đối với một số doanh nghiệp, trở ngại nghỉ tết chỉ đến từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ công chức nghỉ tết nên chậm hoặc không giải quyết hồ sơ trong thời gian này, công ty buộc phải có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Bên cạnh đó, tình trạng “nghỉ tết trong tâm thế lao động” hay “nghỉ tết phi chính thức” có lẽ để chỉ một bộ phận cán bộ công chức hiện nay chứ không phải người lao động đang trực tiếp sản xuất.

Sở dĩ tôi khẳng định điều này vì người lao động trong doanh nghiệp bị ràng buộc bởi nội quy lao động và thậm chí là quy chế thưởng của doanh nghiệp nên phần lớn không dám lơ là trong công việc.

Chủ doanh nghiệp cũng không “giơ cao đánh khẽ” nên dù nôn nao chuẩn bị về quê vui xuân hay có hàng ngàn điều cần chia sẻ với đồng nghiệp sau khi từ quê trở lại làm việc, người lao động vẫn phải đảm bảo thời giờ làm việc.

Mặt khác, nâng cao năng suất lao động không đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động bằng cách kéo dài thời gian làm việc (rút ngắn ngày nghỉ nói chung).

Điều này đi ngược với xu hướng lao động hiện đại. Những lao động làm việc tại các xưởng sản xuất hiện nay đã miệt mài hầu hết thời gian trong ngày cho lao động, họ sống với đồng nghiệp nhiều hơn sống với gia đình.

Kỳ nghỉ tết là cơ hội để họ xốc lại quan hệ tình thân có nguy cơ rệu rã trong tất bật guồng quay cuộc sống.

Hơn nữa, tại một số vùng kinh tế trọng điểm, lượng lao động nhập cư chiếm tỉ lệ cao, việc xác lập một kỳ nghỉ dài ngày như nghỉ tết cho phép người lao động có thời gian giải quyết các vấn đề cá nhân, tiếp thêm động lực cho những ngày làm việc tiếp theo.

Như vậy, để nâng cao năng suất lao động, điều quan trọng hơn việc xác định số ngày nghỉ tết, theo tôi, là bố trí lực lượng lao động hợp lý thông qua các chính sách. Nếu thật sự có nhóm cần rút ngắn ngày nghỉ tết nhằm tăng GDP thì chính là lực lượng cán bộ, công chức.

Và điều này cũng không phải mới lạ khi vài năm gần đây, một số cơ quan nhà nước đã mở cửa sớm hơn nhằm giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân có các giấy tờ cần thiết trước khi rời quê đi làm việc ở các tỉnh, thành khác trong không khí xuân vẫn ngập tràn.

* Nguyễn Thanh Tài (công nhân Công ty TNHH sản xuất cân Nhơn Hòa, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Chờ nghỉ tết để về quê

Năm nay, công ty tôi cho công nhân nghỉ tết từ ngày 4-2 (26 tháng chạp) đến hết ngày 14-2 (mùng 7 tết); những công nhân, nhân viên ở tỉnh thì được công ty cho nghỉ thêm hai ngày, không tính vào ngày phép.

Vì vậy, công nhân ở TP.HCM cũng như ở các tỉnh khác có thời gian rộng rãi dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa cho gia đình và nhất là có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe sau một năm làm việc vất vả. Riêng tôi chưa có gia đình nên dành thời gian đi thăm những bạn bè ở xa. Gần như đây là dịp duy nhất chúng tôi gặp nhau trong một năm.

Theo tôi, Nhà nước nên cho nghỉ tết dài ngày, không nên chia ngày nghỉ cho những dịp khác trong năm. Ở công ty tôi, nhiều công nhân, nhân viên ở tỉnh xa, mỗi năm chỉ về nhà dịp tết.

Nếu nghỉ tết ngắn quá thì không có thời gian cho người lao động về quê thăm gia đình trở lại TP làm việc và có thời gian nghỉ ngơi sau những chuyến đi dài mệt mỏi.

Mỗi năm về quê một lần mà thời gian lưu lại quê ngắn quá nên mọi người có tâm lý kéo dài kỳ nghỉ bằng cách xin nghỉ phép, nghỉ không lương. Số công nhân đi làm sớm không đủ dây chuyền, phải ghép ca... nên năng suất lao động cũng không cao.

Trước đây, các công ty, cơ quan chỉ nghỉ tết khoảng bốn, năm ngày là quá ngắn. Tôi còn nhớ các anh, chị tôi phải “ăn cắp” giờ của cơ quan để lén đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa trước tết, còn những ngày đi làm sau tết cũng phải tranh thủ về sớm để đi chúc tết, đi thăm nhau nên công việc cũng không “chạy” được.

Theo Tuổi trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hứng khởi cho học sinh sau kỳ nghỉ Tết

Sau kỳ nghỉ Tết, học sinh vẫn còn dư âm vui chơi. Vì thế, các trường và giáo viên có những cách thức tổ chức lớp học sáng tạo, giúp học trò hứng khởi và nhanh chóng bắt nhịp với nề nếp học tập.

Tạo hứng khởi cho học sinh sau kỳ nghỉ Tết
Tết Âm lịch 2023 được nghỉ 7 ngày

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch từ ngày 20/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023.

Tết Âm lịch 2023 được nghỉ 7 ngày
Trình Chính phủ 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với 7 ngày hoặc 9 ngày đối với công chức và viên chức, người lao động thuộc các đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và hướng dẫn thời gian nghỉ Tết đối với người lao động thuộc khối doanh nghiệp.

Trình Chính phủ 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Vừa làm ăn bàn phương án nghỉ tết

Có vẻ như sớm hơn mọi năm, mới những ngày đầu tháng 9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã bàn đến chuyện đề xuất cho công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Điểm đáng chú ý trong đề xuất này là thời gian nghỉ tết nên 7 ngày hay 9 ngày. Tổng Liên đoàn Lao động thì đề xuất nghỉ sớm (từ 28 tết). Đi kèm với đề xuất là những lý do để lý giải.

Vừa làm ăn bàn phương án nghỉ tết
Kéo giảm tai nạn giao thông năm 2022 bằng 8 giải pháp

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông (ATGT) năm 2022 với mục tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Kéo giảm tai nạn giao thông năm 2022 bằng 8 giải pháp
Return to top